Lật lại nghi án Nguyễn Khoa Trưởng bị đánh chết ở huyện Châu Đức (BR-VT)

Bài 2: Vì sao vụ án đình chỉ điều tra?

Bài 2: Vì sao vụ án đình chỉ điều tra?

* Phóng viên Báo SGGP 12 Giờ bị Năm Phổi “nhốt” hơn một tiếng đồng hồ

Quá trình điều tra vụ án, Cơ quan CSĐT Công an huyện Châu Đức đã không dựa vào những nhân chứng và vật chứng để kết luận điều tra như chúng tôi đề cập trong bài trước. Để làm rõ vụ việc, chúng tôi đã lật lại toàn bộ hồ sơ từ quá trình điều tra, khai quật và khám nghiệm tử thi, đến các quyết định đình chỉ vụ án, đình chỉ bị can. Qua đó, đã phát hiện nhiều tình tiết liên quan chưa được các cơ quan chức năng làm rõ. 

Những khác biệt trong điều tra, kết luận vụ án

Bài 2: Vì sao vụ án đình chỉ điều tra? ảnh 1

Quán karaoke Năm Phổi - nơi phóng viên bị Năm Phổi “nhốt”

Dựa theo kết quả khai quật và khám nghiệm tử thi được thực hiện ngày 13-2-2007, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh BR-VT đã ký văn bản 493/CV-PC14 ngày 8-3 báo cáo toàn bộ vụ việc. Tại văn bản này, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh BR-VT đã khẳng định: “Hành vi dùng hung khí nguy hiểm, nhiều người đánh một người và có tính chất côn đồ, hung hãn là vi phạm pháp luật cần điều tra, xử lý theo pháp luật…”. Công an tỉnh BR-VT đã yêu cầu Cơ quan CSĐT Công an huyện Châu Đức thống nhất với Viện KSND huyện Châu Đức khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với Năm Phổi (Huỳnh Văn Ngà), Bùi Văn Chữ và Nguyễn Bảo Trị. Tuy nhiên, ngày 9-3, Cơ quan CSĐT Công an huyện Châu Đức chỉ ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và bắt tạm giam Bùi Văn Chữ (sinh năm 1984; hộ khẩu thường trú tại ấp Cây Dương, thị trấn Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang; tạm trú tại khu phố 4, thị trấn Ngãi Giao, huyện Châu Đức) về tội “Cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại sức khỏe cho người khác”. Quyết định này không ghi rõ theo điều bao nhiêu của Bộ Luật Hình sự.
 
Các biên bản khai quật và khám nghiệm tử thi cũng có nhiều điểm khác biệt đến khó hiểu. Đơn cử, tại biên bản khai quật và khám nghiệm tử thi không có mặt kỹ thuật viên Nguyễn Hoàng Minh (Khoa Giải phẫu pháp y, Bệnh viện Chợ Rẫy). Nhưng trong Bản kết luận khai quật và khám nghiệm tử thi số 69/07/GĐPY ngày 12-3 của Viện Pháp y quốc gia khu vực phía Nam lại có cán bộ này với chức danh đại diện cho cơ quan giám định. Tương tự, phần giám định trên tử thi, bản kết luận đã ghi nội dung: “Xây xát da trước ngực 2 bên, lệch nhiều qua phải, kích thước 25 x 13cm”; trong khi đó, biên bản khai quật và khám nghiệm tử thi không có phần này. Hay bản kết luận giám định có đoạn ghi: “Xây xát da phía sau ngoài khớp khuỷu phải đến giữa cẳng tay phải kích thước 17,5 x 4,5cm”; còn biên bản khai quật và khám nghiệm tử thi chỉ xác định kích thước là… 7,5 x 1,5cm.

Ngày 22-5, Cơ quan CSĐT Công an huyện Châu Đức ra quyết định trưng cầu giám định tỷ lệ thương tật gởi Phân viện Khoa học hình sự Bộ Công an. Tuy nhiên, cơ quan này từ chối thực hiện bởi lẽ đối tượng cần giám định tỷ lệ thương tật (anh Trưởng) không còn (đã chết). Với lập luận do không có kết luận về tỷ lệ thương tật của nạn nhân Nguyễn Khoa Trưởng nên không có cơ sở xử lý hình sự đối với Bùi Văn Chữ, ngày 8-7, Cơ quan CSĐT Công an huyện Châu Đức ra quyết định đình chỉ điều tra vụ án, đình chỉ điều tra bị can Bùi Văn Chữ.

“Nhốt” phóng viên vì dám gây rối Năm Phổi!

Bài 2: Vì sao vụ án đình chỉ điều tra? ảnh 2
Vợ và con nạn nhân Nguyễn Khoa Trưởng

Trong những ngày đi thực tế điều tra tại huyện Châu Đức, chúng tôi đã tìm gặp nhiều nhân chứng của vụ án, trong đó có cả Năm Phổi. 15g30 ngày 21-8, chúng tôi đến quán karaoke Năm Phổi và được chính Năm Phổi chờ tiếp. “Nhà báo phải không, vào đây”- Năm Phổi lên tiếng khi nghe vợ chạy vào báo có khách. Câu đầu tiên, Năm Phổi phủ đầu: “Đây, quyết định đình chỉ vụ án đây, tôi chẳng có tội gì hết mà sợ ai. Báo chí xưa nay nói bậy bạ về tôi, tôi đang kiện cho chúng nó chết hết”. Thấy tình hình có vẻ căng, tôi nói là chỉ “đến xem anh có điều gì khuất tất không”. Nghe đến đó, Năm Phổi xởi lởi hẳn lên và đưa ra các quyết định có liên quan đến vụ án cho tôi xem. Rồi có lẽ thấy quá lo lắng, Năm Phổi đột nhiên đổi giọng: “Ông đưa tôi xem thẻ nhà báo mới tin”. Đến đây, tôi nói rõ là PV Báo SGGP và đưa tấm thẻ của mình ra làm chứng. Người nhà của Năm Phổi gồm 4 người (có em vợ Năm Phổi tên Sương công tác tại Đài Truyền thanh huyện Châu Đức) lần lượt kiểm tra thẻ. Ngay lập tức, Năm Phổi nổi sung lên: “Ông giả danh nhà báo đến đây hù dọa tôi phải không. Tôi sẽ làm ra chuyện”. “Nếu anh không tiếp thì tôi xin phép về” – tôi tìm cách thối lui. Năm Phổi càng hung hăng, vừa lao ra cổng khóa cửa vừa tiếp tục la ó. Sau một hồi mạt sát tôi bằng những lời lẽ đầy tính đe dọa, Năm Phổi móc điện thoại ra gọi cho công an huyện và công an thị trấn yêu cầu xuống giải quyết vụ việc có người giả danh nhà báo đến gây rối tại nhà ông ta. Tôi đành “chôn chân” và tiếp tục nghe những lời mạt sát của Năm Phổi đến hơn một tiếng đồng hồ sau mới có công an đến. Như được nước, Năm Phổi càng lớn tiếng vu khống tôi đủ mọi chuyện, buộc công an phải mời tất cả về Công an thị trấn Ngãi Giao làm việc.

Tại cơ quan công an, tôi bị yêu cầu viết tường trình và sau đó cảnh sát khu vực Đào Văn Cường lấy lời khai sự việc, dù tôi đã xuất trình đầy đủ giấy tờ cần thiết. Để tránh rắc rối, tôi đã điện thoại cho trung tá Nguyễn Văn Sang, Trưởng Công an huyện Châu Đức thông báo sự việc. Mặc dù đã được tiếp xúc với tôi ngay khi tôi vừa đến huyện Châu Đức làm việc, song ông Sang vẫn thản nhiên, nói: “Tôi không can thiệp vào việc tác nghiệp của nhà báo (!?)”. Đến 18g15, sau gần 2 giờ bị tạm giữ tại Công an thị trấn, tôi được ra về và có nêu yêu cầu của mình trong “bản hỏi đáp”: Được bảo đảm an toàn khi rời khỏi huyện Châu Đức. Trưởng Công an thị trấn Ngãi Giao Nguyễn Văn Long thẳng thừng: “Tôi không có trách nhiệm bảo vệ anh (!?)”.

Phạm Hoài Nam

Bài 1: Những nghi vấn sau cái chết oan ức

Tin cùng chuyên mục