
Vũ trường là nơi hoạt động của vũ nữ nhưng hiện nay, đến vũ trường tìm vũ nữ như bóng chim tăm cá. Thời vũ nữ đã thuộc về dĩ vãng…
Từ vũ nam...

Chúng tôi đến CLB khiêu vũ S.Đ. ở quận Bình Thạnh vào một đêm cuối tuần. Không gian nhấp nháy ánh đèn màu, trên sân khấu, một ca sĩ nghiệp dư hát bản nhạc điệu cha cha cha. Mọi người dắt nhau ra sàn, cả sàn nhảy như sôi động hẳn lên.
Anh bạn đi với tôi ngồi gật gù tán thưởng những đôi có bước nhảy đẹp. Thấy vậy tôi gợi ý: “Mời mấy em vũ nữ ra sàn dặt dìu vài bước, chẳng lẻ ngồi vầy hoài sao?”.
Nghe tôi nói, anh bạn cười khì. “Tôi cũng đang tìm đây nhưng không phải tìm vũ nữ, mà tìm mấy em đi một mình có bước nhảy đẹp”. “Thôi đi cha. Bộ muốn “kép” của họ “hỏi thăm sức khỏe” hả”.
Anh vỗ vai tôi giải thích: “Bây giờ người ta đến vũ trường thường đi chung nhóm, thay phiên nhảy với nhau và điều đặc biệt là nữ bao giờ cũng đông hơn nam, bởi vậy, cứ tha hồ mà mời. Bởi vậy, vũ nữ ngày một vắng mặt ở vũ trường. Bù lại, để phục vụ số lượng các bà thiếu kép, đã hình thành một lực lượng đáng kể… vũ nam”.
Anh đưa tay chỉ những thanh niên còn khá trẻ, mặc đồng phục, thắt cà vạt đang lả lướt dìu các bà, các cô. Nhiều bà đi sai bước, các cậu nhẫn nại hướng dẫn lại, rồi cùng quay tít theo tiếng nhạc. Tôi để ý trong một góc vũ trường, có 4-5 chàng thanh niên đứng khoanh tay trước ngực, mắt liếc quanh sàn tìm… đối tác.
Tôi lân la làm quen một cậu tên Phúc. Phúc giới thiệu hiện là sinh viên năm thứ ba đại học kinh tế, đã có hai năm làm nghề này. Phúc tâm sự: Quê em ở miền Trung, gia đình khó khăn nên đã đi làm thêm khá nhiều nghề để có tiền đi học: Làm bồi bàn, gia sư, bỏ báo, tiếp thị… nhưng vẫn không đủ chi phí ăn học. Một lần cô bạn tổ chức sinh nhật ở vũ trường, biết vũ trường cần vũ nam nên Phúc tự dợt lại những bước nhảy rồi xin vào làm vũ nam cho tới bây giờ. Phúc khá cởi mở: “Những ngày đầu nhận tiền bo của mấy bà em ngượng tê người luôn. Riết rồi quen, cũng là một nghề kiếm tiền lương thiện như bao nghề khác”.
Vũ trường hết giờ hoạt động, mọi người lần lượt ra về, các vũ nam lịch sự đứng dọc theo lối đi bắt tay khách. Nhiều bà kín đáo dúi vào tay họ tiền bo, có người bo 20.000đ, có người hào sảng bo 50.000đ, thậm chí có người bo cả 100.000đ.
Lần khác, đến một vũ trường ở quận 5, bất ngờ tôi gặp lại Phúc. Một bà sau khi được Phúc dìu đi điệu Boston, nghe tôi hỏi thăm Phúc, đã hết lời khen ngợi: “Trước kia cậu ta phụ bán quán nhậu cho người anh họ của tôi, thấy Phúc có năng khiếu khiêu vũ, tôi giới thiệu vào làm vũ nam ở vũ trường của người bạn. Giờ thấy nơi này ít vũ nam nên tôi giúp câu ta về đây làm”.
Tôi thăm dò:”Trông cậu ta giống sinh viên đại học”. Người phụ nữ cười ngất: “Sinh… sự thì có, học chưa hết cấp 2 mà sinh viên với ai”. Thì ra là vậy, vũ nam thường tạo ra cho mình một vỏ bọc nào đó để được mọi người thông cảm, nhất là được các bà mủi lòng, bo nặng tay. Vũ nam, nghĩ cho cùng thì cũng là một nghề kiếm sống như bao nghề khác, miễn sống nghiêm túc và đàng hoàng.
Đến những bước nhảy... bên ngoài sàn
Nhưng vũ trường không chỉ có chuyện lên sàn, chuyện vũ nam mà còn có cả chuyện những bước nhảy bên ngoài… sàn nhảy. Nếu bạn cho rằng muốn nhảy đầm phải vào vũ trường là… chuyện xưa rồi. Bây giờ, ở bất cứ nơi đâu, từ phòng karaoke đến quán cà phê kể cả quán nhậu… người ta cũng có thể tổ chức một cuộc nhảy đầm sôi nổi mà chẳng cần sàn nhảy vũ trường.
Trời đã khuya nhưng quán nhậu gần cầu Đỏ quận Bình Thạnh vẫn còn đông khách. Sôi nổi nhất là tại nhóm tiệc sinh nhật, mọi người dọn bàn gọn lại, vừa hát karaoke vừa nhảy đầm. Những bàn xung quanh chắc cũng quen với những cảnh “dancing” không cần sàn như thế này nên mặc kệ, ai nhảy cứ nhảy, ai nhậu cứ nhậu.
Từng đôi dặt dìu theo tiếng nhạc, những bước nhảy khá điêu luyện của họ bắt đầu làm khách nhậu chú ý. Có người còn hứng chí từ bước ra mời bạn nhảy bên phía tiệc sinh nhật, dù chẳng hề quen biết.
Tiệc tàn, mọi người quyến luyến chia tay bằng một chầu cháo khuya ở bờ kênh Nhiêu Lộc. Hàng cháo đơn sơ với mấy cái hột vịt muối, vài gói thuốc lá, vậy mà khách ngồi vây quanh đông nghẹt.
Anh bạn đi cùng nét mặt đầy hạnh phúc khi ngồi bên cô bạn gái mà anh quen mấy tháng nay. Hai người đã trở thành đôi bạn nhảy ăn ý, đi đâu cũng như bóng với hình. Lát sau anh nói nhỏ: “Ông thông cảm, tụi này đang thời kỳ… tìm hiểu. Chút nữa không thể đưa ông về được, chịu khó… xe ôm nhé”. Tôi phì cười: “Vậy là còn những bước nhảy… ngoài sàn nhảy nữa hả”.
Chợt có một nhóm thanh niên cũng từng cặp ghé vào. Qua câu chuyện của họ, tôi biết tất cả cũng vừa đi vũ trường về. Một cậu mặt còn non choẹt, nói như ra lệnh cho cả nhóm: “Đêm mai không ai được vắng mặt, mình chuyển sang H.P. ở Phú Nhuận, chi phí mình lo”. Sẵn trớn cậu ta nói lớn: “Đêm nay tao với em không còn khách sáo nữa mà là khách… sạn”. Nói xong cậu chàng choàng tay qua cô gái ngồi kế bên cất tiếng cười khanh khách nói tiếp: “Còn các cậu tùy nghi xử lý”.
Tất cả lại lên xe phóng nhanh đến rợn người. Tôi chạnh lòng nghĩ, đêm nay có những bậc cha mẹ ngủ không yên, sốt ruột đợi con về. Nào đâu biết chúng đang tập tành những bước nhảy ngoài sàn nhảy.
Nguyễn Tường Lộc
Đón xem số tới: Ngôi “nhà ma” và ông lão giữ nhà của Phạm Chí Dũng Dọc theo con đèo Prenn ngoằn ngoèo, nằm chênh chếch bên con đường đèo quanh co khúc khuỷu dẫn lên Đà Lạt, ngôi biệt thự cổ kính quét vôi trắng vắt mình trên sườn đồi thông hun hút gió. Mỗi khi gió từ phía thung lũng lùa vào, các tấm kính lại rung lên bần bật như muốn tung ra. Chỉ riêng âm thanh khô khốc đó thôi cũng biến nơi này thêm đượm màu hoang phế. |