Nóng hổi cuộc chiến bản quyền

Bài 3: Cuộc chiến bằng sáng chế

Bài 3: Cuộc chiến bằng sáng chế

Sau vụ kiện lằng nhằng kéo dài, công ty Microsoft cuối cùng đã phải trả 30 triệu USD tiền phạt vi phạm bản quyền bằng sáng chế (patent) cho IBM. Sau vụ này, (cựu) Chủ tịch Microsoft Bill Gates ra lệnh “phải đăng ký patent cho tất cả sản phẩm” của mình. Patent đang là trọng tâm của một cuộc chiến giữa các công ty. Patent có khi còn bị chính trị hóa. Chính phủ Mỹ và Chính phủ Anh từng cãi nhau quanh chuyện patent về công trình nghiên cứu vẽ bản đồ gien…

Quân bài chủ chốt trong cạnh tranh hiện đại

Bài 3: Cuộc chiến bằng sáng chế ảnh 1

Giấy chứng nhận đăng ký bản quyền của Mỹ

Vấn đề patent bắt đầu được đưa lên hàng ưu tiên vào thập niên 1980 khi các công ty sản xuất chip điện tử Mỹ bị chip châu Á tấn công. Để đối phó, các công ty Mỹ rủ nhau xin cấp patent và sau đó kiện công ty châu Á tội vi phạm bản quyền sáng chế. Vài vụ được giải quyết ở tòa nhưng hầu hết đều bỏ ngang vì án phí tốn kém. Tuy nhiên, có patent trong tay bao giờ cũng mang lại lợi thế.

Theo Rembrandts in the attic - quyển sách viết về các vấn đề patent của tác giả Kevin Rivette và David Kline, Công ty sản xuất bán dẫn quốc gia (National Semiconductor) và Công ty linh kiện điện tử Texas (Texas Instruments) đã thoát khỏi nguy cơ phá sản vào thập niên 1990 nhờ chính sách bảo hộ patent.

Trong số các lý do khiến patent được nâng tầm quan trọng, đáng chú ý nhất là tác động của hàng loạt thay đổi cơ bản trong nền kinh tế thế giới, đang diễn ra cực nhanh. Làm ăn trở nên cạnh tranh dữ dội hơn và các công ty ngày càng nghĩ nhiều về các yếu tố nào đứng hàng đầu trong việc giúp thâm nhập thị trường: vốn, chi phí thấp, nhân công, lợi thế xuất đòn đầu tiên (first-mover advantage), thương hiệu, tính cơ động…? Cuối cùng, người ta nhận thấy rằng chính patent là một trong những quân bài chủ chốt không thể thờ ơ.

Hãng Dell Computer là một trong những doanh nghiệp sớm nhận ra điều trên. Từ giữa thập niên 1990, Dell Computer đã đăng ký hàng loạt patent - không phải patent phát minh mà là patent ý tưởng (phương pháp kinh doanh…). Hiện Dell Computer có ít nhất 100 patent loại này. Patent không chỉ là áo giáp phòng thủ mà còn là yếu tố quan trọng trong việc xây dựng giá trị và danh tiếng cho công ty.

Các công ty kỹ thuật sinh học, gần như không kinh doanh trực tiếp từ mua-bán, đã nhận ra tầm quan trọng đặc biệt của sở hữu sản phẩm trí tuệ. Thậm chí, có không ít công ty còn khai thác tối đa patent độc quyền của mình để tăng lợi nhuận. Trước thập niên 1990, IBM xem patent là công cụ phòng thủ nhưng sau đó công ty này chấp nhận bán bản quyền patent.

Việc bán bản quyền patent đã góp phần tăng doanh thu cho IBM, lên khoảng 1,5 tỷ USD năm 1999 so với 500 triệu USD năm 1994 (đứng hàng thứ năm trong các nguồn doanh thu của công ty máy tính khổng lồ này). Một số không ít công ty hiện không chỉ đơn thuần đăng ký patent sản phẩm mà còn dùng lá bài patent để lấn chiếm vào các lãnh vực kỹ thuật mới. Người ta gọi đó là “bản quyền hóa mang tính chiến lược”.

Cái gì bây giờ cũng có thể được patent. Sau vụ kiện năm 1998, các ứng dụng từ những công ty tài chính dịch vụ đã được phép cấp patent. Hiện tượng bùng nổ patent mang lại hai ảnh hưởng lớn. Thứ nhất, có quá nhiều patent tầm phào được cấp. Thứ hai, con lắc patent đang đung đưa quá mạnh: sau nhiều thập niên khi patent không thể bảo vệ các nhà phát minh và công ty thì bây giờ nó lại đem đến cho họ rất nhiều thế mạnh áp đảo trong làng kinh doanh.

Patent khiến các đối thủ cạnh tranh bị tống ra khỏi sân chơi mà họ hoàn toàn có tiềm lực phát huy. Việc bán bản quyền patent cho các công ty khác cũng khiến người tiêu dùng chịu thiệt vì giá hàng bị đội lên để bù lỗ vào việc mua patent. Chưa hết, patent còn tạo ra tình trạng độc quyền (có khi một patent có giá trị độc quyền đến 20 năm).

Tranh cãi sẽ còn dài dài

Trước mắt, patent đang tạo ra một cuộc chiến, như từng là nguyên nhân của nhiều cuộc chiến trong quá khứ. Jay Walker của Công ty Walker Digital từng kiện Microsoft vì cho rằng website du lịch Expedia của Microsoft là ý tưởng đánh cắp từ patent của mình. Nhà xuất bản lớn nhất trên Internet - Amazon - cũng kiện Barnes & Noble vì website expresslane.com của công ty này đã vi phạm patent về mua sắm trên mạng của Amazon. Đáng chú ý nhất là cuộc tranh giành patent liên quan đến gien.

Thật ra, thông tin về giải mã ADN “thô” không thể được xét cấp patent nhưng từng gien và mẫu gien riêng biệt có thể được cấp patent cho người tìm ra nó. Các công ty như Incyte, Millennium Pharmaceuticals và Human Genome đã gửi lên Văn phòng patent Mỹ hơn 10.000 ứng dụng liên quan đến công trình giải mã gien. Các cuộc tranh luận rằng việc cấp patent gien sẽ giúp tăng tốc hay làm chậm lại tiến trình ứng dụng y học cũng đang diễn ra gay gắt.

Trong cuộc tranh cãi này, có những trường hợp khá phức tạp, như vụ Bệnh viện nhi đồng Miami, nơi bệnh nhân nào muốn dùng thiết bị thử nghiệm bệnh Canavan (rối loạn thần kinh) thì phải trả 12,5 USD tiền bản quyền! Tổ chức Caravan đã rất bực mình trước chuyện kiếm chác quá thể này vì họ từng tài trợ cho nhóm nghiên cứu của bệnh viện trên…

Các vụ kiện cáo khiến chính phủ nhiều nước, đặc biệt Mỹ và châu Âu, đang nghĩ đến một số thay đổi trong việc cấp patent. Tuy nhiên, có hai câu hỏi lớn chưa ai dám trả lời: 1/ Liệu Mỹ có áp dụng hệ thống cấp patent của châu Âu; 2/ Có nên giảm bớt thời hạn độc quyền cho các patent? Tuy nhiên, ở phía bên kia chiến tuyến, những người ủng hộ sự độc quyền của patent lại cho rằng nếu việc bảo hộ patent suy yếu thì doanh nghiệp cũng sẽ bị thiệt. Cuối cùng, các vấn đề quanh việc cấp patent lại rơi vào vòng lẩn quẩn và chắc chắn patent tiếp tục là trung tâm điểm của những cuộc tranh cãi dài dài…

Phúc Cẩm

Bài 4: Bãi chiến trường TRIPS

Bài liên quan:

- Bài 1: “Thảo khấu” thời kỹ thuật cao

- Bài 2: Bí mật công nghiệp “luộc” bản quyền

Tin cùng chuyên mục