Kinh tế biển ĐBSCL - Động lực phát triển mới

Bài 3: Hướng mở ra biển lớn

Ước vọng vươn khơi
Bài 3: Hướng mở ra biển lớn

Khu vực ĐBSCL có đội tàu biển lớn nhất nước, không chỉ dẫn đầu về số lượng tàu thuyền, mà cả về công suất tàu và phạm vi ngư trường khai thác. Theo thống kê, toàn vùng ĐBSCL có 25.000 tàu thuyền đánh bắt cá, trong đó có hơn 10.500 tàu đánh bắt xa bờ. Tuy nhiên thời gian qua, nhắc đến ĐBSCL ít khi người ta nhắc tới nguồn lợi từ biển cả dù có ngư trường rộng lớn và có trên 700km bờ biển.

Nuôi hào, nghề có thu nhập cao ở khu vực ven biển miền Tây. Ảnh: P.Hiệp

Nuôi hào, nghề có thu nhập cao ở khu vực ven biển miền Tây. Ảnh: P.Hiệp

Ước vọng vươn khơi

Từ sự đổ vỡ của chương trình hỗ trợ đánh bắt xa bờ sau bão số 5 (1997), nghề đánh bắt xa bờ ở ĐBSCL ít được chú ý, phần lớn nguồn lực dồn về cho xây dựng cơ sở hạ tầng và vực dậy nông nghiệp, nông thôn hoặc tập trung vào tôm sú và cá tra.

Tại Kiên Giang, các đơn vị quốc doanh đánh cá lừng lẫy một thời cũng đối mặt với yếu kém và tụt hậu. Tàu yếu, khai thác kém, giá nhiên liệu tăng và cách nay chưa lâu, nhiều nơi, ngư dân rao bán tàu cá nên tình cảnh thật hẩm hiu. Tuy nhiên, với ước vọng vươn khơi, ngư dân các tỉnh ven biển ĐBSCL đã lặng lẽ tự khôi phục mình. Tại Kiên Giang, nhiều ngư dân tiếp tục đóng mới tàu cá, cho thấy nghề khai thác biển ở Kiên Giang trên đà phát triển dù thực tế lĩnh vực khai thác thủy hải sản còn không ít khó khăn. Phần lớn số tàu cá đóng mới có công suất từ 100 CV đến 1.100 CV, với trang thiết bị hàng hải hiện đại, máy định vị, máy tầm ngư, hệ thống thông tin liên lạc... phục vụ tốt hoạt động khai thác trên ngư trường, đảm bảo an toàn cho người và phương tiện vươn ra đánh bắt xa bờ. Hầu hết những ngư dân đầu tư đóng mới tàu cá bằng nguồn vốn tự có của gia đình kết hợp với vốn vay ngân hàng. Một số hộ cùng lúc đóng mới 2 - 3 phương tiện trị giá 5 - 7 tỷ đồng. Đến thời điểm này, Kiên Giang hiện có đoàn tàu cá hơn 12.000 chiếc, với tổng công suất gần 1,5 triệu CV, trong đó trên 11.800 tàu khai thác đánh bắt và 252 tàu dịch vụ hậu cần nghề cá.

Chúng tôi đến cảng Trần Đề sau cơn bão số 1 năm nay. Tàu cá của các tỉnh nằm xếp lớp 2 bên cầu cảng trú bão. Hết bão, nhiều tàu cá lại chuẩn bị ra khơi. Không thể đếm được có bao nhiêu tàu cập cảng trú bão nhưng theo ông Trân Văn Chiểu, Giám đốc cảng Trần Đề, có tới cả ngàn chiếc. Ông Chiểu cho biết: trong hệ thống cảng biển ĐBSCL, cảng Trần Đề được biết đến như một “nút” giao thông thủy thuận lợi. Cảng nằm cuối nguồn sông Hậu, cách cửa biển Trần Đề chừng 3km. Là cảng bãi bùn, kín gió nên tàu neo đậu rất êm. Và từ đây, các tàu chạy ra biển khoảng 2 giờ là khai thác được.

Cảng Trần Đề được xây dựng từ năm 1980 nhưng mãi đến năm 2002 mới được đầu tư nâng cấp trở thành cảng lớn, khá hiện đại. Chỉ riêng ngư dân ở khu vực này đã có 245 tàu đủ tiêu chuẩn khai thác xa bờ. Gia đình bác Tám Ngà (gồm bác và 3 người con) có trên 20 tàu đánh bắt xa bờ. Các anh Ba Hồng, Trần Văn Xếp từ một người làm công đóng đáy, giờ mỗi người cũng có đến cả chục chiếc tàu. Trong hệ thống cảng Trần Đề, người ta đang xây dựng 3 bến cá được coi là “vệ tinh” ở Bãi Giá, Mỏ Ó. Hệ thống hậu cần nghề cá ở cảng Trần Đề khá hoàn chỉnh. Đã có 71 tổ chức, cá nhân tham gia phục vụ nghề cá, được coi là khép kín từ khâu thu mua, chế biến, đóng tàu, vận chuyển đến làm nước đá, cây xăng, phục vụ ăn uống… nói chung là phục vụ tận “răng” cho các tàu khai thác biển.

Cảng Trần Đề cách thành phố Cần Thơ khoảng 80km (dọc sông Hậu). Trước kia đường sá đi lại khó khăn, phải qua tỉnh lộ 8 về Sóc Trăng mới lên Cần Thơ được, còn bây giờ có tuyến đường Nam sông Hậu đã tạo rất nhiều thuận lợi trong việc vận chuyển, giao thương qua lại.

Không chỉ có cảng cá Trần Đề, thời gian qua, cùng với việc phát triển nghề cá, nhiều địa phương trong vùng đã đầu tư xây dựng trên 20 cảng cá, bến cá và hàng trăm cơ sở đóng sửa tàu thuyền cùng với các chợ - vựa cá mua bán thủy hải sản tập trung, đặt nền móng cho chiến lược phát triển kinh tế biển.

Nghề khai thác biển tạo nhiều việc làm cho lao động ven biển. Ảnh: B.Đại

Nghề khai thác biển tạo nhiều việc làm cho lao động ven biển. Ảnh: B.Đại

Liên kết trên biển

Sau 3 năm thực hiện Chỉ thị 02 của UBND tỉnh Bạc Liêu về việc liên kết thành lập tổ, đội khai thác thủy sản trên biển, đến nay, ngư dân Bạc Liêu đã thành lập được 43 tổ khai thác hải sản gồm 274 tàu, với hơn 1.500 lao động. Số tàu gia nhập tổ, đội chiếm hơn 24% tổng số tàu trong toàn tỉnh. Mỗi tổ có từ 3 tàu trở lên, hoạt động theo tiêu chí cùng nghề, cùng ngư trường, cùng địa bàn cư trú, cùng họ hàng, dòng tộc hoặc bạn bè thân thích.

Hiện nay, số tổ tàu hậu cần nghề cá này đang hoạt động hiệu quả trong việc thu gom hàng hóa của các tàu khai thác mang vào bờ bán và tiếp tế nhiên liệu, ngư lưới cụ, lương thực thực phẩm cho các tàu tiếp tục bám biển khai thác, hạn chế phải vào bờ để giảm tiêu hao nhiên liệu cho mỗi lần ra vào bến. Việc các hộ ngư dân trong tỉnh liên kết thành lập các tổ hậu cần nghề cá là rất cần thiết, không chỉ mang lại hiệu quả kinh tế mà còn giúp các hộ ngư dân có thêm cơ hội đoàn kết, gắn bó, đùm bọc giúp đỡ nhau trong quá trình đánh bắt thủy sản trên đại dương, góp phần bảo vệ chủ quyền vùng biển thiêng liêng của Tổ quốc...

Ông Lê Đồng Dương, Chi cục trưởng Chi cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản Bạc Liêu cho biết: Toàn tỉnh hiện có hơn 1.200 tàu cá, gần 7.000 người chuyên lao động bằng nghề đánh bắt thủy sản. Ngoài ra, còn hàng ngàn người chủ yếu sống bằng nghề dịch vụ hậu cần biển. Tại Bến Tre, Chi cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản Bến Tre cho biết, năm 2012 tập hợp khoảng 900 tàu đánh bắt xa bờ (trong tổng số 1.700 tàu) vào các tổ, đội. Bến Tre hiện đã có 23 tổ với 130 tàu liên kết đánh bắt xa bờ. Bến Tre có gần 4.400 tàu các loại, với 25.000 lao động; năm 2011 đánh bắt được 120.000 tấn hải sản.

Tương tự, để đối phó với giá xăng dầu vật tư tăng cao, ngư dân đánh bắt xa bờ ở Sóc Trăng đã có hình thức liên kết đánh bắt thủy sản trên biển theo hình thức tổ sản xuất. Mô hình này trước đây sơ khai nhưng càng ngày càng phát triển và đem lại hiệu quả cao, giảm bớt chi phí cho các tàu cá. Thường mỗi tổ liên kết sản xuất đánh bắt thủy sản có từ 5 đến 6 tàu đánh bắt xa bờ công suất từ 90 CV trở lên.

Ở vùng biển phía Tây Cà Mau, Kiên Giang đã xuất hiện hàng trăm tàu trọng tải lớn cung cấp lương thực, thực phẩm, xăng dầu và mua hải sản ngay trên biển. Ngư dân gọi là tàu rỗi. Ông Võ Chí Sĩ, Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ nguồn lợi thủy sản Cà Mau, cho biết: “Riêng tỉnh Cà Mau có khoảng 159 tàu rỗi làm dịch vụ hậu cần nghề cá trên biển”. Thị trấn Sông Đốc (Trần Văn Thời, Cà Mau) có đội tàu mạnh nhất tỉnh Cà Mau với 1.188 chiếc. Hiện ngư dân Sông Đốc vẫn bám biển, trúng mùa tôm cá.

Nhiều năm qua, phát triển kinh tế ĐBSCL chủ yếu dựa vào khai thác tài nguyên ở đất liền, kinh tế biển chưa được khai thác đúng mức. ĐBSCL mới phát triển một phần trong kinh tế biển là nuôi trồng thủy sản, đánh bắt thủy hải sản, nhưng phương tiện đánh bắt còn thô sơ, tàu công suất lớn phục vụ đánh bắt xa bờ còn nhiều hạn chế. Cần phải có một chiến lược cho nghề biển ở ĐBSCL như chiến lược tam nông thời gian qua để thế mạnh kinh tế biển vùng này phát huy đúng tầm.

Ông Đặng Thành có tàu khai thác biển, lại có cửa hàng xăng dầu ở thị trấn Sông Đốc, nói: “Bây giờ, bà con ngư dân hợp đồng, liên kết với nhau chặt chẽ lắm. Tàu nào khai thác thì cứ bám biển khai thác, tàu nào làm hậu cần thì ra vô làm hậu cần”.

Bà Trần Thị Dung, chủ đoàn tàu 20 chiếc ở cửa biển Sông Đốc, tâm đắc: “Trên biển, tàu mua tôm cá đông, dễ chịu lắm. Ai bán tôm cá cho tàu lạ thì lấy tiền mặt. Ai bán cho tàu quen thì vô đất liền lấy tiền, không sao hết”.

Bình - Trường - Phong

Thông tin liên quan

- Bài 1: Lá chắn rừng phòng hộ

- Bài 2: Khai thác chưa đúng tiềm năng

Tin cùng chuyên mục