Kinh hoàng tiêu thụ rượu, bia
>> Bài 2: Rượu vào, dao kiếm ra
>> Bài 1: Những cung đường ăn nhậu
“Số vụ tai nạn giao thông (TNGT) liên quan đến rượu bia chiếm khoảng 50% - 60% tổng số vụ TNGT trên địa bàn TP”, ông Nguyễn Ngọc Tường, Phó Trưởng ban An toàn giao thông TPHCM, nhận định.
Đùa với tử thần
Ông Nguyễn Ngọc Tường cho biết, 10 tháng đầu năm 2016, trên địa bàn TPHCM xảy ra 3.236 vụ TNGT, tăng 198 vụ (6,5%) so với cùng kỳ; làm 664 người chết, tăng 72 người (12%); 2.627 người bị thương, giảm 27 người. So chỉ tiêu giảm 5% số vụ TNGT thì cả 3 mặt đều chưa đạt: 2 mặt có số vụ và số người chết đều tăng, chỉ có số người bị thương giảm nhưng giảm không nhiều. Sự phức tạp về an toàn giao thông như trên có phần nguyên nhân từ rượu, bia. “Số vụ TNGT có nguồn gốc từ rượu, bia chiếm khoảng 50% - 60% tổng số vụ TNGT. Đặc biệt, nhiều khu vực như các quận, huyện vùng ven (quận 9, Bình Tân, Thủ Đức, huyện Bình Chánh, Hóc Môn…), phần lớn TNGT có liên quan đến rượu, bia”, ông Nguyễn Ngọc Tường lo ngại.
|
Theo Phòng Cảnh sát giao thông đường bộ - đường sắt (PC67) - Công an TPHCM, từ đầu năm đến nay, lực lượng CSGT TPHCM đã kiểm tra, phát hiện và lập biên bản xử lý 21.195 trường hợp vi phạm lái xe có sử dựng rượu, bia vượt quá quy định. Trong đó, 498 trường hợp lái xe ô tô, 20.697 trường hợp lái mô tô. Người lái xe có nồng độ cồn trong cơ thể dễ mất kiểm soát hành vi, gián tiếp dẫn đến việc điều khiển xe vi phạm các lỗi là nguyên nhân trực tiếp gây ra TNGT như: chạy quá tốc độ quy định; lưu thông không đúng phần đường, làn đường quy định; đi vào đường cấm, đường một chiều; không chấp hành hiệu lệnh của đèn tín hiệu giao thông...
Không những thế, thời gian qua, rất nhiều vụ TNGT do bản thân người tham gia giao thông tự gây ra, trong đó có nguyên nhân do uống rượu bia, không kiểm soát được bản thân nên tự gây họa. Đến nay, TP ghi nhận có 149 người tử vong do nạn nhân tự gây ra. Ông Nguyễn Ngọc Tường chia sẻ, người sử dụng rượu bia ít khi tự nhận mình là… người say nên thường chủ quan, ỷ y vào khả năng điều khiển tay lái dẫn đến TNGT. Tóm lại, người uống rượu rồi lái xe, trước hết là nguy hiểm cho bản thân mình, tiếp đó có nguy cơ ảnh hưởng tới an toàn của những người khác.
Cán bộ Đội Cảnh sát giao thông Đa Phước (PC67 - Công an TPHCM) kiểm tra nồng độ cồn của một người điều khiển phương tiện lưu thông trên quốc lộ 50, huyện Bình Chánh. Ảnh: TUẤN VŨ
Trung tá Huỳnh Trung Phong, Phó trưởng PC67 (Công an TPHCM), cho hay: “Người lái xe có sử dụng rượu, bia tập trung ở độ tuổi thanh thiếu niên và tuổi lao động. Thời điểm lái xe khi có men rượu thường xảy ra vào khung giờ từ 20 đến 24 giờ, rơi vào ngày cuối tuần hoặc lễ, tết”. Cũng theo trung tá Huỳnh Trung Phong, thói quen sử dụng rượu, bia trong giao tiếp, sinh hoạt của người dân còn nhiều, cùng với ý thức chấp hành Luật Giao thông đường bộ của một bộ phận người tham gia giao thông còn kém nên tình trạng sử dụng rượu, bia trước khi lái xe vẫn phổ biến, nhất là tại các tuyến đường tập trung nhiều quán ăn, nhà hàng...
Xử lý 1 vụ của “bợm nhậu” bằng 5 - 7 vụ thông thường
Trung tá Huỳnh Trung Phong cho biết, khi xử lý, xử phạt người tham gia giao thông có sử dụng rượu bia, CSGT gặp khó khăn hơn. Một số trường hợp khi bị dừng phương tiện để kiểm tra, đã có thái độ không hợp tác, lời nói, cử chỉ xúc phạm lực lượng kiểm tra, không ký tên vào biên bản vi phạm, kéo dài thời gian xử lý; thậm chí có biểu hiện chống người thi hành công vụ. Ông Nguyễn Ngọc Tường cho hay, xử lý 1 trường hợp “bợm nhậu” vi phạm giao thông bằng 5 -7 vụ khác, rất mất thời gian và... dễ xảy ra tranh cãi. Bởi người đã có nồng độ cồn, ít khi chịu nhận mình say rượu mà luôn cho rằng mình “tỉnh”, rồi nói năng mất kiểm soát, cự cãi. Không ít lần, CSGT phải nhờ sự hỗ trợ của các lực lượng khác như hình sự, cơ động, phản ứng nhanh và công an địa phương phối hợp để xử lý các trường hợp trên.
Nhiều chuyên gia đánh giá, mức phạt đối với lái xe có sử dụng rượu, bia hiện nay đảm bảo tính răn đe. Người vi phạm tùy theo mức độ mà xử lý, trường hợp sử dụng rượu mà gây TNGT thì truy tố. Chỉ cần người lái ô tô có mùi rượu bia là đã bị xử phạt. Thời gian qua, ngoài việc nâng cao mức phạt, còn có hình thức phạt bổ sung là tạm giữ phương tiện nhằm hạn chế việc sau khi xử phạt người vi phạm lại tiếp tục điều khiển phương tiện dễ dẫn đến TNGT.
Tuy nhiên, để giảm TNGT xảy ra do lái xe đã sử dụng rượu, bia, trung tá Huỳnh Trung Phong nhấn mạnh, không phải ở việc mức phạt cao hay thấp, có đủ sức răn đe hay không mà cốt yếu ở ý thức của người tham gia giao thông nhận thấy được việc lái xe trong tình trạng có rượu, bia là rất nguy hiểm đến tính mạng của bản thân cũng như cho người khác.
| |
MẠNH HÒA