
Đúng vào thời điểm khó khăn nhất của cuộc đời, sự xuất hiện của Charlie Wilson đã làm cho Joanne cảm thấy như được hồi sinh. Thật ra, cả hai đã bắt đầu quen biết nhau từ hai năm trước trong một buổi dạ hội ở River-Oaks, sau khi Charlie thành công trong việc vận động một điều khoản bổ sung cho đạo luật về dầu khí, chuyện mà chồng Joanne trước đó đã đánh giá là “không có cơ hội”. Trong khi kể cho Charlie nghe về Pakistan, Joanne đã không thể rời mắt khỏi ông nghị có sức hấp dẫn này.
Cuộc gặp định mệnh

Charlie Wilson (phải) tại Afghanistan với các tay súng Mujahedin
Khi nhận được cú điện thoại cầu cứu của Joanne, Charlie ngay lập tức có mặt. Bản thân Charlie đã là một “liều thuốc tiên” đối với Joanne. “Charlie một lần nữa lại dạy cho tôi biết cười và làm cho cuộc sống của tôi trở nên tuyệt vời” - Joanne khẳng định. Joanne lại có một sức sống mới để can thiệp vào cuộc chiến tại Afghanistan. “Tôi đã trò chuyện với Zia và cố gắng thuyết phục ông ta - Joanne nhớ lại - Tôi sợ rằng có ai đó trong Chính phủ Pakistan sẽ chuẩn bị một báo cáo về Charlie và thuyết phục Zia không nên quan hệ với ông ấy.
Tôi đã phải nói rằng: “Đây chính là con người thực sự có thể giúp các ngài””. Về phần Charlie, Joanne cũng dễ dàng khiến nghị sĩ này phải xiêu lòng để dính líu vào Afghanistan: “Anh là người có ảnh hưởng, đồng thời là một chính trị gia tuyệt vời, chỉ cần nghĩ rằng, anh có thể làm được điều gì!” - Charlie đã bị thuyết phục bằng những lời ngon ngọt như vậy.
Charlie còn bỏ hết mọi việc tới River-Oaks để gặp một người mà Joanne hết lòng ca ngợi. “Anh sẽ thích ông ấy ngay - Joanne nói với Charlie - Đã có 18 cuốn sách khác nhau viết về ông ấy, một người có được phần thưởng của tất cả các nước trên thế giới. Mỗi khi trên thế giới xảy ra thảm họa là Charles Fosett có mặt ở đó. Anh sẽ chưa bao giờ gặp con người tương tự như vậy”.
Những ai không biết nhiều về Joanne Herring có thể cho những lời nói của bà chỉ mang tính phóng đại. Tuy nhiên, phần lớn những gì bà ta kể về Fosett đều là sự thực, kể cả việc ông ta đã lôi kéo Joanne đến với Afghanistan như thế nào. Sau khi Liên Xô đưa quân vào Afghanistan, Fosett (lúc này đã 64 tuổi) đã kể cho Joanne nghe về dự định của mình sẽ rời Houston, tới khu vực rừng núi của Afghanistan để dạy các tay súng Mujahedin về chiến thuật đánh du kích mà ông ta đã học được từ khi còn phục vụ trong quân đoàn lê dương nước ngoài.
Sau khi mọi lời khuyên đều không ngăn cản được quyết tâm của Fosett, bạn bè đã tổ chức một bữa tiệc chia tay với ông ta tại một nhà hàng sang trọng nhất ở Houston. Sáng hôm sau, Joanne còn đích thân tiễn Fosett ra sân bay.
Theo lời Joanne thì chỉ nửa năm sau, khi đang có mặt ở nhà tại River-Oaks, bà ta đã nhận được thư của Fosett mời cùng tới Afghanistan. Đọc xong thư, Joanne ngay lập tức bay tới Islamabad, trước khi cùng Fosett vượt biên giới Afghanistan để vào vùng chiến sự. Joanne biết chuyện kể về chuyến đi mạo hiểm này chắc chắn sẽ gây được sự hưởng ứng nhiệt liệt của Charlie.
Quyết định của bà ta xuất phát từ nhận định rằng hai người đàn ông này có một điểm chung quan trọng - đó là luôn khát khao vinh quang và mạo hiểm. Fosett nhanh chóng giành được sự kính trọng đặc biệt của Charlie Wilson. Đối với nghị sĩ ưa thích phiêu lưu này, Fosett là một anh hùng.
Bắt đầu cuộc phiêu lưu
Từ thời điểm này, Charlie bắt đầu quyết tâm dấn thân vào cuộc phiêu lưu tại Afghanistan cùng với người tình và thần tượng của mình. Vai trò của một nghị sĩ đầy quyền lực như Charlie đã có đóng góp quyết định vào chiến dịch can thiệp của CIA tại Afghanistan.
Bước đi đầu tiên của bộ ba này là cho dàn dựng một bộ phim xuyên tạc về vai trò của quân đội Xô viết tại Afghanistan. Tiếp đó, những bước vận động tiếp theo nhằm lu loa rằng, “các chiến sĩ đấu tranh vì tự do” tại Afghanistan đang chết dần chết mòn vì sự thiếu cương quyết của các nghị sĩ Mỹ. Nhưng đối với Joanne, hàng triệu USD đổ vào cho các tay súng Mujahedin là chưa đủ. Bà ta cần Charlie Wilson đỡ đầu trực tiếp cho cuộc chiến của những tay súng Hồi giáo tại Afghanistan.
Thế là Charlie đặt chân tới Islamabad nhằm thuyết phục Tổng thống Zia ul-Haq ủng hộ cho lực lượng Mujahedin. Đổi lại, nghị sĩ này hứa hẹn sẽ cung cấp cho Pakistan hệ thống radar đời mới để lắp đặt trên các máy bay F-16 của nước này (từ trước đó luôn bị Mỹ từ chối). Bước tiếp theo, Charlie liên tục gặp gỡ các sếp của CIA là William Casey và Howard Hart, thúc giục họ nhanh chóng mở hầu bao. Chỉ một thời gian ngắn sau, hàng trăm triệu đô la đã được rót cho lực lượng Mujahedin do thủ lĩnh Gulbuddin Hekmatyar đứng đầu, bất chấp việc nhân vật này từng được Mỹ xếp vào danh sách những ông trùm buôn ma túy.
Nhiều quan chức tình báo Mỹ trước đó vẫn tuyên bố, sự can thiệp bí mật của Mỹ tại Afghanistan “là một trong những chiến dịch lớn nhất và thành công nhất trong lịch sử của CIA”. Nhưng những tuyên bố kiểu này đã bặt tăm sau sự kiện 11-9, khi những kẻ một thời từng được CIA đổ tiền nuôi dưỡng và huấn luyện đã quay trở lại tấn công chính những ông chủ cũ. Người Mỹ không thể ngờ rằng, trong lúc vẫn đang nhận những khoản viện trợ khổng lồ từ CIA, Hekmatyar đã có mối quan hệ khăng khít với bin Laden ngay từ năm 1984.
Nhiều thủ phạm trong hàng loạt các vụ tấn công khủng bố nhằm vào người Mỹ sau này - như vụ tiêu diệt 19 lính Mỹ tại Dhahran (Arab Saudi) năm 1996, vụ đánh bom các đại sứ quán Mỹ tại Kenya và Tanzania năm 1998, vụ tấn công khu trục hạm US Cole năm 2000 và nhất là vụ khủng bố kinh hoàng 11-9, đã từng có mặt trong đội ngũ hàng chục ngàn tay súng Hồi giáo được CIA tài trợ và huấn luyện tại Afghanistan. Có lẽ không cần bình luận gì thêm nếu biết rằng, ngay sau khi biết được thủ phạm thực sự của vụ 11-9, Tổng thống Bush đã lặp lại câu hỏi sau với nhiều quan chức xung quanh mình: “Vì sao họ lại căm thù chúng ta?”.
Linh Nga
Thông tin liên quan |
|