Chuyện quanh giải Nobel

Bài 3: Những chuyện bên lề

Bài 3: Những chuyện bên lề

Cũng như những sự kiện lớn khác, quanh giải Nobel luôn có nhiều chuyện hỉ nộ ái ố, từ lễ trao giải và đại tiệc xa hoa, đến sự “cạnh tranh” của các giải khác...

Ăn tiệc chính xác như khoa học

Hàng năm, vào ngày 10-12, cả thế giới lại chú ý về Thụy Điển: lễ trao giải Nobel long trọng và xa hoa ở Stockholm. Hơn một thế kỷ nay, mọi nghi thức của buổi lễ ngày 10-12 luôn diễn ra chính xác từng phút.

Đúng 15g, trời mùa đông Bắc Âu bắt đầu sẩm tối, các nhà khoa học được giải tập trung tại đại sảnh Tòa thị chính Stockholm để cùng đến Nhà hát thành phố. 16g30, nhạc lễ nổi lên và mọi người đứng dậy đón chào Hoàng gia Thụy Điển. Phần tiếp theo là những diễn văn chào mừng, trao chứng nhận và huy chương vàng Nobel. Sau đó, các nhà khoa học lên những cỗ xe ngựa lộng lẫy trở về Tòa thị chính dự tiệc kiểu “đại yến hoàng gia”. Có đúng 1.350 thực khách ngồi vào 65 bàn xếp theo hình quạt tỏa ra từ bàn chính của Quốc vương Thụy Điển. Các phòng tiệc đều được thắp nến sáng rực, chiếu lấp lánh những bộ đồ ăn bằng bạc mạ vàng. Đúng 19g, khui rượu sâm banh, bắt đầu tiệc. Thực đơn cố định hơn 100 năm qua: hải sản khai vị, món chính là thịt tuần lộc và tráng miệng bằng kem. Sau tiệc, mọi người chuyển sang phòng khách lớn để chủ nhân các giải Nobel lần lượt được quốc vương tiếp kiến, mỗi người được chính xác 5 phút. Đến đúng 23g, tiệc kết thúc.

Hướng dẫn... đoạt giải Nobel

Nhà khoa học người Australia, Peter Doherty, đoạt giải Nobel sinh học–y học 1996, đã đưa ra nhiều lời khuyên cho người muốn... đoạt giải Nobel trong cuốn sách “Đoạt giải Nobel – Hướng dẫn cho người bắt đầu”. Sau các phần kể về cuộc sống của một nhà khoa học, trong chương “Cách đoạt giải Nobel”, ông nêu kinh nghiệm cá nhân về những “quy tắc” phải theo để có thể... đoạt giải Nobel. Có thể đọc thấy: phải gìn giữ sức khỏe để sống đủ lâu vì có thể cả 50 năm sau, khám phá của bạn mới được Ủy ban Nobel công nhận; cố gắng giải quyết những vấn đề lớn và có những khám phá lớn; không chấp nhận mọi thứ như vẻ ngoài và có thói quen suy nghĩ trái các quy luật; chuyên sâu vào một lĩnh vực; khi đã có ý tưởng lớn, hãy bảo vệ nó... Ngoài ra, phải biết cách viết công trình nghiên cứu theo cách dễ đọc, hấp dẫn và rõ ràng bằng tiếng Anh.

Tuy nhiên, Doherty thừa nhận, không có sách hướng dẫn hoặc khóa học nào có thể chỉ ra con đường đoạt giải Nobel, với phần lớn mọi người, cơ hội để đoạt giải Nobel còn khó hơn đoạt một huy chương vàng Olympic!

Ngân hàng “tinh trùng Nobel”

Năm 1980, triệu phú Rober Graham ở California (Mỹ) đã thành lập ngân hàng tinh trùng, kêu gọi những nhân vật đoạt giải Nobel đóng góp “hạt giống tốt” của họ. Những người đoạt giải Nobel không hào hứng tham gia nên Graham tìm đến cả các nhà khoa học trẻ nổi tiếng, nhà vô địch Olympic, triệu phú tay trắng làm nên... Phụ nữ muốn thụ tinh nhân tạo từ tinh trùng của ngân hàng cũng phải chứng minh mình rất thông minh. Tuy nhiên, đến năm 1999, ngân hàng đã... đóng cửa sau khi đã cung cấp tinh trùng sinh được 215 đứa trẻ.

David Plotz, phóng viên tạp chí điện tử Slate, tự gọi là “thám tử tinh trùng” khi đi tìm hiểu và viết sách về khoảng 30 “em bé Nobel” trong số đó, được cha mẹ chúng đồng ý nói chuyện. Sau cuộc điều tra, Plotz cho biết, không tìm được bằng chứng cho thấy điều gì đặc biệt về mặt khoa học ở những trẻ này dù có những đứa rất thông minh. Chẳng hạn, có trẻ khoảng mười mấy tuổi đã học toán và vật lý ở trình độ rất cao so với tuổi. Hoặc một số trẻ rất xuất sắc về âm nhạc, có cô bé hát rất hay, một bé gái khác múa rất giỏi... “Nhưng nhìn chung, những trẻ này chỉ hơi nhỉnh hơn trung bình”, Plotz kết luận.

Các giải “cạnh tranh”

Tuần này, tại Hội nghị kỹ thuật nanoTX07 ở Dallas (Mỹ), “Quỹ Nobel từ thiện” dự định trao “Giải Năng lượng Michael Nobel” nhưng phải hoãn lại do bị Quỹ Nobel Thụy Điển phản đối, cho rằng chỉ có họ được “độc quyền” sử dụng tên Nobel và cáo buộc các nhà sáng lập Quỹ Nobel từ thiện tìm cách lợi dụng sự nổi tiếng của cái tên Nobel.

Quỹ Nobel từ thiện đăng ký ở Thụy Sĩ, nhằm thúc đẩy sử dụng các nguồn năng lượng tái sinh và bảo vệ môi trường, do 4 nhân vật sáng lập là tiến sĩ Michael Nobel – thuộc một chi có cụ tổ là Immanuel Nobel, cha của Alfred Nobel – cùng Gustaf, Peter và Philip Nobel, 3 người cũng trong họ tộc Nobel. Michael Nobel – từng có 10 năm làm chủ tịch Quỹ Nobel Thụy Điển – cho biết, giải thưởng mới mang chính tên ông sẽ không bị hủy bỏ và sẽ trao giải đầu tiên vào năm 2009.

Nếu Quỹ Nobel vẫn phản đối, ông có thể đưa ra tòa án phân xử. Các nhà sáng lập Quỹ Nobel từ thiện còn cáo buộc chính Quỹ Nobel đang lợi dụng tên Nobel khi xin tài trợ từ các đại gia như Samsung, Ericsson, Volvo... Năm nay, lần đầu tiên lễ trao giải Nobel không truyền hình trực tiếp trên truyền hình, có thông tin rằng một đài truyền hình thương mại đã đưa ra đề nghị rất hấp dẫn để mua bản quyền truyền hình...

Vào tháng 6-2008, thế giới có thêm một giải khoa học lớn là “Giải Kavli”, được Viện Hàn lâm Khoa học tự nhiên và Văn học Na Uy, Bộ Giáo dục–Nghiên cứu Na Uy và Quỹ Kavli xét duyệt. Mỗi giải trị giá 1 triệu USD, trao 2 năm/lần cho 3 lĩnh vực vật lý thiên văn, công nghệ nano và khoa học thần kinh. Tài trợ là Fred Kavli, 79 tuổi, một doanh nhân Na Uy lập công ty thành đạt ở Mỹ, hàng đầu thế giới về cung cấp bộ cảm biến dùng cho xe hơi và máy bay. Từ khi thành lập năm 2000, Quỹ Kavli đã tài trợ hơn 100 triệu USD cho nghiên cứu khoa học.

Bài 3: Những chuyện bên lề ảnh 1

Bà Lessing nhận hoa chúc mừng

HỒNG CHUYÊN (tổng hợp)

Bài liên quan:

- Bài 1: Nobel 2007 – giải thưởng và dự đoán

- Bài 2: Lịch sử và những kỷ lục

Tin cùng chuyên mục