GS-TS Mạch Quang Thắng (ảnh), Vụ trưởng Vụ Quản lý khoa học, Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh, trao đổi với PV Báo SGGP về các giải pháp xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý, nhất là ở cấp trung ương, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp CNH-HĐH và hội nhập quốc tế. Đồng chí nói:
Về việc xây dựng đội ngũ cán bộ, theo tôi cần quan tâm các giải pháp.
Thứ nhất, phải là giải pháp về chính sách cán bộ. Chính sách cán bộ không phù hợp (chưa nói đến sai) thì hậu quả rất lớn. Chính sách cán bộ phải chống được đặc quyền đặc lợi, nhất là đối với cán bộ chủ chốt, cán bộ Trung ương. Theo tôi, giải pháp chính sách cán bộ rất quan trọng và phải xóa bỏ được đặc quyền đặc lợi. Chính sách cán bộ hiện nay khiến nhiều người phấn đấu vì đặc quyền đặc lợi chứ không phải phấn đấu vì chuyên môn.
Chúng ta đã từng nói phải đưa tất cả mọi thứ vào lương nhưng đến nay vẫn chưa làm được, trong khi nhiều nước làm được. Mọi tiêu chuẩn của cán bộ nên đưa vào lương, nếu họ sử dụng tiết kiệm sẽ được dôi dư và họ cũng không có cơ hội để sử dụng lãng phí công sản. Chúng ta đang đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, tấm gương đạo đức, phong cách Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhưng tinh thần tiết kiệm đã được thực hiện từ trên xuống dưới hay chưa, thì cần phải xem lại.
Tôi cho là phải thể chế hóa để đưa tất cả vào lương. Muốn thế phải cải cách lương vì hiện nay lương ở Việt Nam đang rất phi khoa học. Lương của cán bộ cấp cao quá thấp. Muốn chống tham nhũng, muốn bỏ đặc quyền đặc lợi phải bảo đảm lương đủ để cán bộ sống đàng hoàng cho mình và gia đình, để người cán bộ, đảng viên các cấp đi đứng, suy nghĩ, hội họp không bị vướng bận bởi cuộc sống cơm áo hàng ngày. Toàn bộ cơ chế hiện nay chưa giúp cán bộ thoát khỏi điều đó. Cơ chế nằm trong tay Đảng, Nhà nước ta, vì vậy hoàn toàn có thể thay đổi.
Giải pháp thứ hai, phải có cơ chế, quy định để cán bộ sống trong sạch, không vi phạm.
Thứ ba, phải có cơ chế kiểm soát tốt để những người đứng đầu, cán bộ có thẩm quyền khi làm sai phải có người nhắc. Tự mình nhắc mình đã đành nhưng nếu tự nhắc mình chưa tốt thì phải có cơ chế nhắc.
Nhưng theo tôi, cùng với cơ chế kiểm soát, kiểm tra thật chặt chẽ, rất cần việc tự mình răn mình, nhất là các đồng chí cán bộ cấp cao.
- PV: Nhiều đảng viên, cán bộ muốn sống tốt nhưng bị môi trường xung quanh cuốn đi...
GS MẠCH QUANG THẮNG: Toàn xã hội phải tạo ra môi trường lành mạnh để con người phát triển một cách trong sạch. Muốn có môi trường xã hội lành mạnh phải bắt đầu từ cấp trung ương như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã chỉ ra. Bài học sụp đổ của Đảng Cộng sản Liên Xô vẫn còn nguyên giá trị. Vì vậy, phải tạo bằng được một môi trường lành mạnh để các cán bộ cấp cao, cán bộ quản lý, mọi đảng viên hoạt động tốt. Điều này khó khăn, đòi hỏi thời gian nhưng phải làm bằng được. Phải xóa bỏ sức hút của đặc quyền đặc lợi, sức hút của những người làm quan. Hãy học tập Bác Hồ: Đảng ta là Đảng của những người để hy sinh cho lợi ích chung chứ không phải để làm quan phát tài.
- Những vấn đề cấp bách mà Nghị quyết Trung ương 4 chỉ ra cũng đã từng được đề cập. Theo GS phải làm thế nào để lần này tạo được sự chuyển biến?
Những vấn đề cấp bách đã được nói rất nhiều, Trung ương 6 lần 2 đã nói, rất đầy đủ, thấm thía. Vấn đề là phải có cơ chế, biện pháp cụ thể. Cần phải thực hiện việc chất vấn trong Đảng, bỏ phiếu tín nhiệm đối với cán bộ một cách nghiêm túc như Nghị quyết Trung ương 4 đã đề ra. Làm được, tạo được chuyển biến sẽ lấy được niềm tin của nhân dân. Muốn vậy phải có “bàn tay sắt” của Đảng.
Lâm Nguyên thực hiện
| |
| |