
Chúng tôi rời đường 1 để di chuyển xuống phía Đông. Nếu bây giờ có ai hỏi hồi ấy đi theo con đường nào thì tôi cũng chịu. Chỉ biết rằng từ Rừng Lá trở đi chúng tôi toàn hành quân theo những con đường đất đỏ giữa những cánh rừng cao su tưởng như không bao giờ hết. Những cánh rừng cao su bất tận như đại ngàn Trường Sơn che chở chúng tôi năm nào.
Qua sông hú vía
Ngày thứ 22, 10-4-1975

Quân đoàn 3 tiến vào Sài Gòn từ hướng Bắc
Nằm trong đội hình chính của lữ đoàn xe tăng 203 từ Khánh Sơn, chúng tôi bắt đầu hành trình Nam tiến. Thực ra hai tiểu đoàn 4 và 5 của lữ đoàn đã lên đường từ mấy ngày trước. Đó là những đơn vị xe tăng và xe bọc thép bơi nước được phái đi trước vì không phải chờ khắc phục cầu đường. Họ có nhiệm vụ tiến công mở đường cho cả Binh đoàn Hương Giang hành quân tiến theo đường 1. Còn các đơn vị xe tăng chủ lực của chúng tôi đến hôm nay mới lên đường. Mấy ngày trước chúng tôi đã được thông báo về bức điện của Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp gửi các đơn vị và tất cả chúng tôi đều ghi hai chữ “thần tốc” lên tháp pháo xe tăng.
Vừa mới đi được mấy chục cây số chúng tôi đã phải dừng chân trước cầu Câu Lâu. Cây cầu Câu Lâu bắc qua sông Thu Bồn bị địch phá mất 3 nhịp. Tuy đã được nối bằng “cầu Mỹ” - loại cầu dã chiến gồm những khung thép hình chữ nhật được ghép nối với nhau bởi những chốt thép - song không đủ trọng tải cho xe tăng đi qua. Một phương án vòng tránh được đưa ra là đi qua một cây cầu ở phía thượng lưu cách đó chừng 10km cũng phá sản vì khi chiếc xe tăng đầu tiên bò ra đến giữa cầu thì cầu sập. Cuối cùng chúng tôi đành kiên nhẫn đợi qua phà dã chiến với tốc độ 2 tiếng đồng hồ một xe. Tuy bực bội vì hành quân chậm nhưng con sông Thu Bồn đẹp như tranh vẫn làm tôi ngơ ngẩn.
Qua được cầu Câu Lâu, chúng tôi đến cầu Mộ Đức - cũng lại một cây cầu bị địch phá và nối tạm bằng “cầu Mỹ”. Chúng tôi lại nằm dài chờ đợi công binh làm ngầm. Sau gần một ngày chờ đợi chiếc xe đầu tiên qua đến giữa ngầm thì chết máy, nước tràn vào động cơ. Đã khó khăn lại càng thêm khó khăn vì không thể kéo được xe lên để tiếp tục thi công. Đúng lúc đó lữ đoàn phó phụ trách về kỹ thuật Dương Xuân Tụ quyết định: “Cho thằng 389 qua thử xem sao!”. Đây là quyết định táo bạo và liều lĩnh vì theo thiết kế cầu Mỹ chỉ chịu được trọng tải 8 tấn, nếu nhân với hệ số an toàn 3 thì nó cũng chỉ chịu được tối đa 24 tấn. Trong khi đó xe tăng của chúng tôi nặng gần 40 tấn. Thế là toàn bộ thành viên 389 xuống xe, chỉ còn mình lái xe Trần Hữu Nghị điều khiển xe qua cầu.
Tất cả lái xe của đại đội tôi đứng tập trung ở đầu cầu hồi hộp theo dõi. Thực ra nếu cầu sập thì cũng chỉ một mình 389 nằm lại nhưng nguy cơ lớn hơn là toàn bộ mạch máu giao thông trên đường 1 qua đây sẽ bị ngưng trệ. Quả thật đây là những giây phút cực kỳ căng thẳng đối với chúng tôi nên tất cả nín thở nhìn vào từng mắt xích xe 389 khi nó lăn vào phần cầu Mỹ. Cả nhịp cầu oằn xuống, lắc lư như đưa võng nhưng không sao cả. Vâng! Không sao cả. Chúng tôi ôm lấy nhau nhảy tưng tưng lên mừng rơi nước mắt. Từ đó trở đi, cứ gặp “cầu Mỹ” là bọn tôi xem xét qua loa rồi vượt. Phải công nhận bọn Mỹ tính toán kết cấu thật “siêu”, trọng tải vượt gấp rưỡi giới hạn an toàn mà vẫn gánh ngon.
Ngày thứ 36, 24-4-1975
Sau hơn chục ngày hành quân chúng tôi đã có mặt ở Rừng Lá - phía Bắc Xuân Lộc vài chục cây số. Từ đây chúng tôi rời đường 1 để di chuyển xuống phía Đông. Nếu bây giờ có ai hỏi hồi ấy đi theo con đường nào thì tôi cũng chịu. Chỉ biết rằng từ Rừng Lá trở đi chúng tôi toàn hành quân theo những con đường đất đỏ giữa những cánh rừng cao su tưởng như không bao giờ hết. Những cánh rừng cao su bất tận lại như đại ngàn Trường Sơn che chở chúng tôi năm nào. Tôi tin rằng kẻ địch sẽ không thể ngờ có cả một binh đoàn đã bí mật cơ động và rồi sẽ thọc một mũi dao vào sườn chúng từ hướng Đông. Có điều buồn là xe 386 của đại đội trưởng Thận phải nằm lại vì hỏng không khắc phục được. Nhưng cũng may lữ đoàn đã bổ sung cho anh một chiếc T54B- xe 843 để thay thế.
Gần lắm Sài Gòn
Ngày thứ 38, 26-4-1975
Xuyên rừng cao su đi trong gần 2 ngày, chúng tôi đã tới đồn điền Ông Quế - vị trí tập kết chiến dịch chỉ cách Sài Gòn khoảng 50km. Tại đây chúng tôi biết chiến dịch cuối cùng tiến công giải phóng Sài Gòn được mang tên Chiến dịch Hồ Chí Minh và nhiệm vụ của “C4” chúng tôi là nằm trong lực lượng thọc sâu của binh đoàn đánh vào dinh Độc Lập. Chỉ với những tấm bản đồ du lịch, chúng tôi cũng đã xác định được đường đi đến mục tiêu và thuộc lòng câu: “Qua cầu Sài Gòn đến ngã tư thứ bảy thì rẽ trái”. Đây đã là đất Đồng Nai. Chúng tôi biết rằng những ngày sắp tới sẽ vô cùng ác liệt vì kẻ địch sẽ không dễ dàng buông súng nên xe nào cũng nhận thêm hàng chục viên đạn pháo ngoài cơ số.
Ngay chiều hôm đó, những trận đánh mở màn cho chiến dịch Hồ Chí Minh bắt đầu. Tiểu đoàn 2 được giao nhiệm vụ phối thuộc với bộ binh đánh chiếm Trường thiết giáp Long Thành, thị xã Bà Rịa và thành phố Vũng Tàu. Còn chúng tôi vẫn án binh bất động.
---------------
Bài 4: Thời khắc không thể nguôi quên
Nguyễn Khắc Nguyệt
Thông tin liên quan |