
Cao Sinh Kim là giám đốc ngân hàng một thành phố, bị bắt vì tội nhận hối lộ, tham ô và phải chịu mức án tử hình. Ở trong tù, Cao Kim Sinh khóc mất cả tiếng, nước mắt rửa mặt. Nghĩ đến cha mẹ già cổ lai hy, ông ta khóc không thể tận hiếu; nghĩ đến vợ chính trực, ông ta hối hận không yêu vợ nhiều hơn.
Cảm giác nhục nhã và tội lỗi giày vò ông ta, đứng trong vòng vây của tường cao cửa sắt họ Cao viết ra những dòng “Thư tự bạch”.
Bước lên từ khốn khó

Tôi sinh ra trong một gia đình nông dân nghèo khổ, là con một của họ Cao. Gia cảnh khó khăn khiến cho tôi từ nhỏ đã nếm đủ mùi đắng cay và ấm lạnh của thế thái. Tôi rất khát vọng đi khỏi vùng núi bốn bề bế tắc, muốn học hết đại học để nhảy ra khỏi cảnh đời nông dân, không lặp lại cuộc sống gian khổ mặt nhòm đất lưng đội trời.
Vậy là tôi cố công học tập tốt, ở trung học thành tích lúc nào cũng đứng đầu lớp. Nhưng đám mây đen “Đại cách mạng văn hóa” bao trùm, học sinh tốt nghiệp trung học phải về nhà, trên tay tôi lại cầm cái cuốc ngàn năm cha ông đã cầm.
Lòng tôi đau tựa dao cắt, nhìn thấy mẹ mặc áo vá chằng vá đụp, ăn cơm với rau rừng, sống cuộc sống gian nan cực khổ, tôi càng quyết tâm phải rời khỏi cái thôn nghèo khổ lạc hậu này. Sau 10 năm “cải cách văn hóa” kết thúc, tôi lại thi đại học, quyết tâm của tôi sống lại. Qua nửa năm ngày đêm phấn đấu ôn tập, tôi thi đậu với thành tích xuất sắc vào Khoa Kinh tế của Trường Hạ Môn, trở thành sinh viên đại học đầu tiên của thôn núi nhỏ này.
Cha mẹ vui mừng lấy vạt áo lau nước mắt hết lần này rồi lần khác. Trái tim tôi bay về tương lai, tờ giấy thông báo vừa nhận được trong tay như biến thành bằng tốt nghiệp đại học và cuộc sống đầy màu sắc đang chờ đón...
Đầu năm 1985, tôi được điều về làm phó chủ nhiệm văn phòng ngân hàng nhân dân của một đặc khu. Lúc mới đến, không khí xây dựng của đặc khu lôi cuốn tôi. Khi tôi nhìn thấy từng khối nhà cao tầng được xây dựng, nhìn thấy từng công trường náo nhiệt trong lòng có một cảm giác lâng lâng. Vừa lúc đó thể chế tài chính của đặc khu đang bước vào cải cách, rất nhiều vấn đề cấp bách được đặt ra.
Vậy là lãnh đạo giao cho tôi nhiệm vụ thảo một bản luận văn về phương hướng hoạt động phát triển và cơ chế vận hành của ngân hàng đặc khu. Tôi dựa vào kinh nghiệm công tác nhiều năm và tri thức chuyên nghiệp, kết hợp tình hình thực tế của đặc khu viết bản “Báo cáo cải cách thể chế ngân hàng Trung Quốc” được lãnh đạo khen ngợi và đồng nghiệp nể trọng. Không lâu tôi từ phó chủ nhiệm được đề bạt lên làm chủ nhiệm. Theo đà tích cực và nhiệt tình công tác, tôi ngày càng được tín nhiệm và con đường làm quan mở rộng.
Bị tiền bạc ghìm vào lao tù
Thiên đường và địa ngục có lúc chỉ cách một bước chân. Khi tôi rời thủ đô đậm không khí chính trị và xa vợ, tôi giống như mũi tên rời cung, bắn đến vương quốc tự do. Vinh dự, địa vị, khen ngợi..., tiền tài, gái đẹp, dục vọng..., tôi cứ lâng lâng, dần dần coi quyền lực của Đảng và nhân dân giao cho thành thủ đoạn thực hiện ước mơ từ nhỏ: kiếm nhiều tiền, thay đổi cuộc đời khổ cực.
Người bắn phát đạn pháo đầu tiên vào tôi là Ngô Nguyên Gia, mới ngoài 30 tuổi. Sau khi tốt nghiệp trung học chuyên nghiệp anh ta đến Đông Bắc làm kế toán nhà máy giày, về sau xin thôi việc đi xuống miền Nam, sống dựa vào ba tấc lưỡi dẻo quẹo.
Năm 1988, anh ta làm phó giám đốc nhà máy thêu hoa xuất khẩu của đặc khu. Anh ta là bạn rượu thịt tôi quen biết trên bàn nhậu. Vì liên doanh với Mỹ làm áo thêu hoa nên nhà máy cần gấp một khoản tiền lớn. Qua tìm hiểu kỹ, tôi nhận định nhà máy này đúng là cần tiền dùng vào kinh doanh, được tập đoàn Hùng Hoa bảo lãnh, tôi duyệt cho anh ta vay khoản tiền này. Ngô Nguyên Gia rất mừng, anh ta nói hôm sau nhất định cảm ơn tôi.
Với tôi lúc này, giao dịch quyền - tiền trong kinh doanh tuy có nghe nói nhưng nhận nhiệm vụ chưa lâu, tôi chưa có gan dám nhận hối lộ. Trước Tết năm 1989, Ngô Nguyên Gia đưa cho tôi một “phong bì đỏ” lớn, khi tôi mở ra xem là 18.000 tệ. Tôi hơi run, hỏi hóa đơn xuất tiền như thế nào, khi Ngô Nguyên Gia cho biết bằng hình thức phiếu khai thác hàng hoặc đưa vào tiền thưởng công nhân, tôi mới yên tâm nhận.
Trong môi trường thuận lợi này, trên con đường công danh bình thản, trong làn sóng cải cách mở cửa, dần dần tôi rơi vào vũng lầy mênh mông. Sau khi bị những “viên đạn bọc đường” bắn trúng loạt đầu, cán cân tâm lý tôi đã có phần nghiêng ngả.
Đường đường là một giám đốc ngân hàng, trong tay nắm quyền lớn nhưng lại chỉ có thể nhìn người khác đi chơi nhà hàng cao cấp, tiêu tiền như nước, tôi cảm thấy cuộc sống của mình quả là hổ thẹn! Người giàu và người nghèo, người thiện và người ác, không ai không cần tiền.
Và tôi ngày càng dấn sâu vào dục vọng tiền tài. Tôi hiểu ra mối quan hệ đặc biệt giữa quyền lực và tiền tài. Ai muốn vay tiền thì mời tặng quà, đó là đạo lý! Tôi ngồi trên ghế báu giám đốc ngân hàng, trong mắt tôi quyền càng lớn thì chiếm hữu tiền càng nhiều. Cứ thế, theo đà thăng quan tiến chức, quyền lực mở rộng, lòng tham chiếm cứ linh hồn, vô số những điều xấu của tội ác theo đó xuất hiện...
Ngày 26-8-1996, Cao Kim Sinh bị giải vào tù, cái uy phong giám đốc ngân hàng rơi rụng, giá trị ông thần tài trong nháy mắt không còn....
Bài 4: Giết chết thanh xuân con mình
(*) Tác giả Hề Hoa, người dịch Nguyễn Khắc Khoái, NXB CAND, DN sách Thành Nghĩa phát hành.
Mạnh Minh lược ghi