Trở lại vùng đất thảm sát

Bài 3: Vùng đất bị lãng quên

Bài 3: Vùng đất bị lãng quên

Khi nói đến các vụ thảm sát, nhiều người thường nghĩ do quân Pháp và Mỹ gây ra nhưng khi về Bình Định thì ba từ “lính Đại Hàn” là nỗi ám ảnh… Lính Hàn tham chiến ở Việt Nam đã gây ra hàng loạt các vụ thảm sát ở miền Trung, tàn khốc nhất là ở Bình Định…

Xác người tan thành trăm mảnh

Bài 3: Vùng đất bị lãng quên ảnh 1
Ông Trần Văn Châu tại nền nhà xưa của gia đình ông, cũng là nơi xảy ra vụ thảm sát làng Nho Lâm

Trên bờ đê dài ngoằng của làng Nho Lâm, xã Phước Hưng, huyện Tuy Phước, tôi chỉ gặp được một người duy nhất để hỏi đường vì cả làng đang vào mùa gặt. Thật ngỡ ngàng khi người tôi hỏi cũng chính là người mà tôi cần tìm, ông Trần Văn Châu, người sống sót trong vụ thảm sát ở nhà bà Mai Thị Mười.

Sáng sớm ngày 23-3-1966, những loạt pháo đồng loạt nã vào xã Phước Hưng. Tiếp theo lính Hàn được các máy bay vận tải chở đến, đổ ở các điểm: Gò Bồi, Nước Mặn, Nhơn Hạnh… bắt đầu càn quét vào các thôn xóm. Khi đó, nhiều người chạy đến ẩn nấp tại nhà bà Mai Thị Mười ở xóm Miễu Bào Long nhưng lính Hàn cũng truy tìm đến. Xế trưa, lính Hàn bắt đầu lùa dân ở những xóm lân cận đến nhà bà Mười và tiến hành thảm sát. Trước tiên chúng giết phụ nữ và trẻ em, sau đó đẩy đàn ông xuống hầm rồi xả súng cùng lựu đạn xuống. Theo tổng hợp của Bảo tàng tỉnh Bình Định, trong vụ thảm sát tại Nho Lâm, lính Hàn đã giết hại 134 người dân vô tội, trong đó nhiều nhất là tại hầm của nhà bà Mười với 50 người.

Sự dã man của lính Hàn không chỉ vậy. Một số phụ nữ bị lính Hàn thay nhau hãm hiếp cho đến chết trước mặt chồng con của họ, một số khác lại bị bọn chúng bắn vào từng bộ phận cơ thể cho đến khi bất động hoàn toàn… Càng ghê sợ hơn khi lính Hàn chất rơm lên xác những người dân vô tội rồi châm lửa đốt, sau đó pháo bắn vào những xác chết cháy để xác tan thành trăm mảnh. Ông Châu dẫn tôi đến địa điểm thảm sát xưa, cũng là nhà cũ của gia đình ông, trơ trọi giữa cánh đồng cùng bia mộ tưởng niệm do chính quyền địa phương dựng lên. Nước mắt ông trào ra khi chỉ chỗ anh ông bị bắn, mẹ ông bị đốt cháy và chỗ chết của những người khác. 
        
Người duy nhất sống sót của dòng họ

Những cánh đồng thuộc xã Cát Tiến, huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định đầy ắp tiếng cười rộn ràng mùa gặt. Không xa đó là nhà ông Phạm Kình, người duy nhất trong dòng họ Phạm ở xã Cát Tiến sống sót trong vụ lính Hàn thảm sát người dân vô tội mà người dân nơi đây gọi là thảm sát Trường Thạnh.

Ông Phạm Kình năm nay đã 80 tuổi, tóc bạc, người gầy, chân yếu nhưng vẫn còn minh mẫn. Rít một hơi thuốc lá, ông Kình kể: “Vào ngày 23-9-1966, một tốp lính Hàn kéo vào xóm nhà ông Hờn, là ngôi nhà có những căn hầm kiên cố, nhiều người đã đến đây nấp khi nghe tiếng pháo từ sáng sớm. Tốp lính Hàn này đến miệng hầm, ra hiệu cho mọi người ra khỏi hầm, đứng tập trung trước sân nhà ông Hờn, đàn bà con gái một hàng, đàn ông con trai đứng sang hàng khác. Bị một tên lính Hàn lôi đi, tôi sợ quá nên giật tay lại rồi chạy ra bờ ao. Chẳng biết sao bọn lính chẳng thèm đuổi theo nên tôi nằm nấp luôn ở đó. Tôi nghe tiếng súng nổ, ngay loạt đạn đầu tiên còn nghe tiếng khóc của trẻ con nhưng đến các loạt đạn sau thì không còn tiếng la khóc gì cả. Đến chiều tối, tôi bò vào xem, chỉ thấy một đống xác người, máu đầy mặt đất”. Trong vụ thảm sát này, dòng họ nhà ông có 18 người bị giết chết, trong đó có người vợ và bốn người con của ông, đứa nhỏ nhất khi đó mới 3 tháng tuổi.

Cùng ngày, cảnh thảm sát diễn ra trên khắp các thôn xóm Trường Thạnh: ở xóm Nam Trường Thạnh, 18 người bị lính Hàn dùng súng đại liên nã vào, 18 người nhà ông Nguyễn Phàm cũng bị bắn chết… Sau trận thảm sát, cả thôn Trường Thạnh không còn một bóng người, thôn xóm chìm vào sự yên lặng rùng rợn, tan hoang.

Lạnh ngắt ngôi mộ tập thể

Tôi đến xã Tây Vinh, huyện Tây Sơn cũng trong một buổi chiều mùa gặt, lúa phơi đầy hiên nhà, những ụ rơm cao ngất… Không xa ruộng đồng của người dân xã Tây Vinh là ngôi mộ tập thể, chôn 380 người dân vô tội bị lính Hàn giết hại. “Có ai còn nguyên vẹn đâu”, ông Hồ Xuân Cảnh, người chăm nom ngôi mộ tập thể này cho biết. Vụ thảm sát tàn bạo nhất của lính Hàn ở vùng này là vụ Gò Dài vào ngày 26-2-1966. Sau khi lùng sục các thôn xóm, chúng gom 380 người lại ở phía miệng hầm Gò Dài, hãm hiếp phụ nữ rồi dùng lê đâm cho đến chết, trẻ con thì bị bỏ vào lửa, đàn ông thì nhét xuống hầm, dùng súng và lựu đạn để giết. Cái chết của những người dân vô tội càng bi thương hơn khi 15 ngày sau mới được mang đi chôn. 

Theo số liệu xã Tây Vinh, lính Hàn còn gây ra vụ thảm sát 64 người ở Gò An Phúc vào ngày 7-2-1966, 33 người tại sông Cạn ngày 12-2-1966 , 99 người ở Lộc An ngày 23-2-1966… Theo một thống kê chưa đầy đủ, trong năm 1966, lính Hàn đã thảm sát 728 người ở xã Tây Vinh, huyện Tây Sơn, Bình Định. Khi nhắc đến vụ thảm sát ở đám ruộng cánh buồm vào ngày 15-2-1966, mắt ông Nguyễn Tấn Lân chuyển sang đỏ ngầu vì ông là người sống sót trong vụ đó nhưng mẹ và em gái ông thì chết không toàn thây. Ở địa điểm này, lính Hàn bắt 6 gia đình gồm 65 người rồi dùng súng và lựu đạn xả vào mọi người như khi diễn tập, khi đó ông Lân mới 14 tuổi.

Trầm ngâm bên tách trà sáng, ông Đinh Bá Hòa, Phó Giám đốc Bảo tàng tỉnh Bình Định nói: “Đây là những vụ thảm sát quy mô còn những vụ thảm sát lẻ tẻ thì chúng tôi chưa thể thống kê hết… Đến nay mới ước tính có khoảng 1.200 người dân vô tội trên đất Bình Định bị lính Hàn sát hại”.

Bài cuối: Không được lãng quên quá khứ

Bá Tân

Bài liên quan:

- Bài 1: Vết sẹo thành rãnh trên thái dương

- Bài 2: Thoát chết trong gang tấc

Tin cùng chuyên mục