Tội phạm chứng khoán

Bài 4: “Công” của những gương mặt đen

Bài 4: “Công” của những gương mặt đen

Nhìn một mặt khác, những gương mặt đen trên thị trường Wall Street cũng đã “có công” khi góp phần chỉ ra những lỗ hổng. Bài học từ các vụ bê bối do họ gây ra đã thúc đẩy cải tổ hệ thống tài chính và thị trường chứng khoán (TTCK) chặt chẽ hơn.

  • Từ chuyên gia giao dịch nội gián
Bài 4: “Công” của những gương mặt đen ảnh 1
Ivan Boesky trong “vòng vây” báo chí khi vụ việc đổ bể

Vụ Ivan Boesky giữa những năm 1980 được xem là một trong những vụ giao dịch nội gián lớn nhất Wall Street. Boesky sinh năm 1937 ở Detroit, tốt nghiệp Trường Luật Detroit (nay thuộc Đại học Michigan). Giữa thập niên 1960, Boesky bắt đầu làm luật sư tập sự ở Wall Street. Đến năm 1986, Boesky nhanh chóng nổi lên như một tay buôn chứng khoán có hạng, kiếm khoảng 200 triệu USD từ những vụ sáp nhập công ty.

Ủy ban giao dịch chứng khoán Mỹ (SEC) nghi ngờ nên điều tra và phát hiện Boesky đầu tư “thắng” chủ yếu nhờ thông tin nội gián. Boesky sau đó nhận 3,5 năm tù, bị cấm hoạt động liên quan chứng khoán suốt đời và bị phạt 100 triệu USD. Tuy nhiên, Boesky được tha chỉ sau 2 năm ngồi tù.

Trong bộ phim “Wall Street” năm 1987, nhân vật Gordon Gekko chính là lấy từ hình mẫu Boesky. Câu chuyện của Boesky còn được kể trong cuốn sách của James B. Steward đoạt giải Pulitzer, “Den of Thieves” (Hang ổ của những kẻ cắp). Từ sau vụ Boesky, Wall Street đã cải tổ việc quản lý giao dịch nội gián hiệu quả hơn.

Trong vụ này phải kể đến Michael Milken, một “bạn làm ăn” chí cốt của Boesky. Milken sinh năm 1946 ở California. Đây là tay chuyên mua bán trái phiếu lãi cao (trái phiếu rủi ro - junk bond), có ảnh hưởng lớn trong việc phát triển thị trường junk bonk những thập niên 1970 và 1980, thời bùng nổ những vụ thôn tính, sáp nhập công ty.

Milken còn được gọi là “vua junk bond”, được xem là “nhà cải cách tài chính”, một hình mẫu về sự tham lam của Wall Street những năm 1980. Milken đã tiết lộ nhiều thông tin nội gián, giúp Boesky “làm ăn”. Sau cuộc điều tra các vụ giao dịch nội gián liên quan Boesky, năm 1989, Milken bị tòa án quận Nam New York cáo buộc 98 tội gian lận và lừa đảo. Tuy bị kêu án 10 năm tù nhưng Milken chỉ phải ngồi 22 tháng (từ tháng 3-1991 đến 1-1993). Khi ra tù, Milken còn tài sản ròng hơn 1 tỷ USD sau khi đã nộp 900 triệu USD tiền phạt và bồi thường. Đến đầu năm 2007, Milken có tài sản ước khoảng 2,1 tỷ USD, được Forbes xếp hạng giàu thứ 458 trên thế giới.

  • Đến cựu Chủ tịch NYSE

Richard Whitney sinh năm 1888 trong một gia đình giàu có ở Boston, tốt nghiệp Đại học Harvard. Tham gia TTCK New York (NYSE) từ năm 1912, năm 1919 Whitney được bầu vào HĐQT TTCK New York (NYSE). Khi Wall Street bắt đầu sụp đổ cuối tháng 10-1929, các chủ ngân hàng đứng đầu Wall Street đã họp và cử Whitney làm đại diện nhằm tìm cách ngăn TTCK tụt dốc. Với vai trò quyền chủ tịch, Whitney nhanh chóng nổi tiếng sau nhiều hành động khác như mở cửa trễ hoặc đóng cửa thị trường. Đầu năm 1930, “nhà tài chính sáng giá” Whitney được bầu làm chủ tịch NYSE.

Whitney nghỉ làm Chủ tịch NYSE từ năm 1935 nhưng vẫn còn chân trong HĐQT. Các khoản đầu tư riêng của Whitney vào nhiều nơi bị thua lỗ đáng kể. Để bù đắp thiệt hại và duy trì lối sống xa hoa, Whitney bắt đầu vay mượn và khi hết chỗ vay liền chuyển sang biển thủ, từ trộm quỹ hưu trí của NYSE, quỹ CLB thuyền buồm, đến trộm cả 800.000 USD trái phiếu của cha dượng...

Đầu tháng 3-1938, kiểm soát viên NYSE phát hiện bằng chứng Whitney biển thủ và công ty ông ta sắp vỡ nợ. Chỉ vài ngày sau, Whitney và công ty tuyên bố phá sản. Ngày 10-3-1938, Whitney bị tòa án quận New York chính thức truy tố tội biển thủ.

Ngày 12-4-1938, hàng ngàn người ở nhà ga trung tâm đã chứng kiến cảnh Whitney, đại gia Wall Street một thời, bị còng tay áp giải lên xe lửa về nhà tù Sing Sing khét tiếng. Whitney là tù nhân gương mẫu và được tha tháng 8-1941, sau 3 năm 4 tháng tù, với cam kết không tái phạm. Bị cấm hoạt động liên quan chứng khoán suốt đời, Whitney sống âm thầm ở New Jersey đến khi chết năm 1974.

Sau vụ sụp đổ Wall Street 1929, một ủy ban điều tra của quốc hội phát hiện các ngân hàng đã có nhiều hoạt động lạm dụng. Từ đó dẫn đến việc cải cách hệ thống tài chính Mỹ, quốc hội đã thông qua Luật chứng khoán 1933 và Luật TTCK 1934, tiếp đó là thành lập cơ chế giám sát thi hành các luật mới là SEC vào năm 1935.

  • Và bậc thầy thổi phồng

Philip Musica sinh ra và lớn lên trong một gia đình nhập cư nghèo Italia, trở thành một chính trị gia và doanh nhân có tiếng. Năm 1937, một nhóm đảng viên Cộng hòa còn tính đề cử Musica ra tranh cử... tổng thống Mỹ. Tuy nhiên, từ trước năm 30 tuổi, Musica đã có 2 tiền án lừa đảo liên quan hối lộ hải quan và vay tiền bằng giấy tờ giả. Do đó, từ năm 1919, Musica đã dùng tên giả là Frank Donald Coster, lập ra Công ty dược Adelphi, chuyên sản xuất mỹ phẩm và chất dưỡng tóc có độ cồn cao, chủ yếu bán sỉ cho dân buôn rượu lậu đem về... chưng cất lấy rượu bán lại.

Ngoài ra, biệt tài khác của Musica là thổi phồng các đầu tư ảo để lừa đảo. Năm 1925, Musica mua lại công ty 90 năm tuổi McKesson & Robbins và trong suốt 12 năm sau đó đã lập chuỗi phân phối thuốc khắp nước. Cùng 3 em trai, Musica lập các kế hoạch thổi phồng tài sản để thu hút các nhà đầu tư, lập mạng lưới phân phối, mua bán, thanh toán giả lòng vòng để ăn chia nhau, mãi đến cuối năm 1938 mới bị phát hiện.

Ngày 6-12-1938, SEC mở cuộc điều tra McKesson & Robbins, cổ phiếu của công ty bị ngưng giao dịch ở NYSE. Tuần sau đó, Musica bị bắt và được cho tại ngoại, sau đó Musica đã tự sát bằng súng. Vụ lừa đảo của Musica và công ty McKesson & Robbins đã dẫn tới nhiều thay đổi quan trọng theo đề nghị của SEC, trong đó có các thủ tục bổ nhiệm kiểm toán và tiến hành kiểm toán, cải tiến mạnh chất lượng kiểm toán.

HỒNG CHUYÊN

Thông tin liên quan:

Bài 3: Từ tin tặc cổ phiếu đến kỹ thuật thổi phồng

Bài 2: Những “chuyên gia nước bọt” 

Bài 1: Mafia trong Wall Street!

Tin cùng chuyên mục