
Vào buổi sáng ngày 30-9-1969, tôi ra khỏi giường, mở cửa trước ra đường cao tốc Pacific Coast và nhặt tờ Thời báo Los Angeles lên. Đã thành lệ, tôi quay về phòng ngủ nhìn ra bãi biển và vào giường đọc báo.
- Không thể che giấu tội ác

Thiếu tá không quân Mỹ R.H. Su-mếch-cơ bị bắt ngày 11-2-1965 tại xã Đức Ninh, Quảng Bình. Ảnh: VĂN BẢO
Câu chuyện chính của tờ báo hôm nay là trường hợp lính mũ nồi xanh, hay còn gọi là lực lượng đặc nhiệm, giết người. Tôi đã theo dõi câu chuyện này được vài tuần trên hầu hết mọi tờ tạp chí. Kể từ tháng bảy, đại tá chỉ huy lực lượng tại Việt Nam, Robert Rhault và năm sĩ quan tình báo khác dưới quyền ông này bị buộc tội chủ mưu giết người. Một trung sĩ và sĩ quan khác cũng đang bị giam giữ.
Các phát ngôn viên của cả Lầu Năm Góc và Nhà Trắng đều bác bỏ bất kỳ sự dính líu nào của Nhà Trắng trong quá trình ra quyết định. Nhưng câu chuyện này và cả những câu chuyện khác nữa mặc nhiên cho rằng những lời bác bỏ đó không đúng (gần đây, cuốn nhật ký của ông H.R.Haldeman, tổng tham mưu trưởng dưới thời Nixon đều xác nhận rằng tất cả mọi quyết định đều do Nixon và Kissinger đưa ra).
Tôi nằm trên giường, lắng nghe tiếng sóng biển và những gì đã đọc. Trong thời chiến, liệu việc giết người theo lệnh cấp trên có thể coi là giết người được không? Câu trả lời là “đúng” khi tôi còn đang được huấn luyện làm lính bộ binh. Giết dân thường và tù binh trong khi đang bị giam giữ? Chắc chắn rồi. Do đó, tình cờ tôi có được một câu hỏi rộng hơn cho câu trả lời đó, bao gồm tất cả các vụ giết chóc trong một cuộc chiến phi nghĩa như cuộc chiến ở Việt Nam.
Tôi không hy vọng là Bộ trưởng Resor hay Tướng Abrams, Tham mưu trưởng lực lượng quân đội Mỹ ở Việt Nam, đồng ý với tôi về điều đó, nhưng trong những tình huống cụ thể như thế này thì họ bắt buộc phải đồng ý. Một tầm nhìn dần dần hình thành trong óc tôi: những lời dối trá về một vụ giết người.
Đây là chế độ mà tôi đang phục vụ, tôi là một phần của chế độ này đã 12 năm nay, kể cả thời gian tôi phục vụ trong hải quân. Đó là một chế độ nói dối ở tất cả các cấp từ cao xuống thấp - từ hạ sĩ tới tổng tham mưu trưởng - để che giấu tội ác giết người. Và tình trạng này vẫn đang tiếp diễn. Tôi nghĩ: tôi không muốn là một phần của chế độ đó nữa. Tôi sẽ không là một phần của cái máy nói dối này, sự che giấu này, tội ác giết người này nữa.
Tôi chợt nảy ra một ý rằng sẽ không tiếp tục che giấu những gì tôi có trong két sắt an toàn ở Công ty Rand là 7.000 trang tài liệu minh chứng cho sự nói dối của bốn vị tổng thống và chính quyền của họ trong vòng 23 năm để che giấu các kế hoạch và hành động của vụ giết người hàng loạt. Bằng cách nào đó, tôi sẽ công bố tập tài liệu này. Trước tiên phải nhân bản tài liệu. Nói dối công chúng, về bất kỳ điều gì và trên hết nói dối về những vấn đề sống còn, chiến tranh và hòa bình là một việc làm nghiêm trọng. Trách nhiệm về việc giết chóc hay sẵn sàng giết chóc không phải là cái anh có thể đổ lỗi cho người khác, kể cả tổng thống cũng không thể làm như vậy được.
- Đã đến lúc bỏ lá phiếu!
Mối quan tâm của tôi là về nội dung của những lời nói dối hiện nay: những lời nói dối che giấu cái gì, tạo điều kiện cho cái gì. Điều không hay là ở chỗ họ cho rằng những vụ giết chóc trong quá khứ là giết người, nhưng cá nhân tôi không muốn xét xử hay tống giam ai. Tôi quan tâm tới việc làm thế nào để chấm dứt giết chóc trong những năm tháng sắp tới.
Đúng là tài liệu này không chứng minh những gì cần phơi bày về chiến lược bí mật của Nixon nhưng tài liệu cho thấy những gì mà Nixon đang làm về cơ bản là giống các tổng thống tiền nhiệm của ông ta đã làm. Khi tôi cho rằng ông ta sẵn sàng lừa dối Quốc hội và người dân Mỹ về những gì ông ta đang làm, mục đích chính của ông ta là gì thì nghiên cứu này cho thấy bốn người tiền nhiệm của ông ta làm đúng y hệt như vậy.
Chỉ đơn giản công bố nghiên cứu của McNamara sẽ không thể kết thúc chiến tranh hay đến gần ngày kết thúc chiến tranh. Nhưng điều đó sẽ góp một phần nào và trong tâm trạng hiện nay của tôi thì đó là lý do để công bố. Nếu tôi công bố nghiên cứu đó - lý tưởng nhất thì sau đó sẽ có những cuộc điều trần trước Quốc hội dựa vào những gì được công bố, sẽ có các nhân chứng thề chỉ nói sự thật, hoặc tài liệu này sẽ được công bố - thì lúc đó Nixon sẽ phải lo lắng rằng chính sách bí mật của ông ta sẽ không thể được bảo vệ khỏi những cuộc tranh cãi và thách thức đầy nghi ngờ. Trên thực tế, tôi hy vọng sẽ có những tác động mà tôi đã kiếm tìm 18 tháng trước đó, nếu tôi tiết lộ nghiên cứu này cho tờ Thời báo New York. Điều đó sẽ cảnh báo tổng thống rằng chính sách của ông ta đã mất đi tính vô hình và ông ta sẽ từ bỏ nó.
Trong 2 tuần đó, tôi đã đọc xong phần đầu tiên của nghiên cứu, về nguồn gốc của cuộc chiến tranh. Câu chuyện trên tờ Thời báo Los Angeles vào buổi sáng, vượt lên trên tất cả ảnh hưởng của các tháng truớc đó, đã đẩy tôi qua ranh giới. Tôi cảm thấy mình sẵn sàng ngồi tù chỉ để tố cáo những lời nói dối về vụ giết người này. Một khi tôi bắt đầu suy nghĩ về điều đó, tôi thấy rằng sẽ có lợi nếu như công bố giai đoạn lịch sử này - giá như có thể làm nhanh, trước khi Nixon biến cuộc chiến tranh thành cuộc chiến tranh Nixon. Đã đến lúc tôi bỏ lá phiếu của mình.
Hồ sơ Lầu Năm Góc - “Lịch sử quá trình hoạch định chính sách của Mỹ tại Việt Nam, 1945-1968” - được McNamara bắt đầu tiến hành từ giữa năm 1967, là một nghiên cứu chính thức xét về nội dung và thời gian và công việc nghiên cứu tiếp tục đến đầu năm 1969 nhưng các tác giả và người giám sát nghiên cứu quyết định ngừng nghiên cứu vào ngày 31-3-1968. |
Bài 5: Thời báo New York
(*) “Những bí mật về chiến tranh Việt Nam” do NXB CAND phối hợp cùng Công ty Văn hóa Phương Nam phát hành.
GIA BÌNH lược ghi
Thông tin liên quan |