Những lực lượng “đầu gấu” đánh thuê tại Iraq

Bài 4: Lính đánh thuê đến từ đâu?

Bài liên quan:
Bài 4: Lính đánh thuê đến từ đâu?

Ngoài những công ty sừng sỏ quen biết rộng và giành nhiều hợp đồng béo bở chẳng hạn Blackwater hoặc DynCorp của Mỹ, Lầu Năm Góc còn sử dụng nhiều nhà thầu nhỏ mà nhân viên đến từ nhiều nguồn. Tính đến tháng 9-2007, có khoảng hơn 125.000 nhà thầu hoạt động tại Iraq, làm đủ thứ, từ lắp hệ thống điện, xây bệnh viện-trường học đến bảo vệ quân đội-viên chức cấp cao Mỹ. Một số nhà thầu chỉ có vài nhân viên nhưng cũng có nhà thầu - chẳng hạn KBR (thuộc Halliburton, nơi Phó Tổng thống Dick Cheney từng ngồi ghế tổng giám đốc điều hành) - có đến 50.000 nhân viên.

Cũng chẳng “ngon ăn” mấy

Bài 4: Lính đánh thuê đến từ đâu? ảnh 1
Nhân viên an ninh Nam Phi tại Iraq

Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ cho biết chi phí an ninh chiếm từ 16%-22% tổng phí các dự án tái thiết Iraq. Nói cách khác, 4 tỷ USD tiền nộp thuế của dân Mỹ đã được dùng chi cho các nhà thầu an ninh tại Iraq. Trong thực tế, việc bảo vệ quân đội và viên chức cấp cao Mỹ cũng chẳng thật sự ngon ăn. Tính đến tháng 4-2007, hơn 800 nhân viên nhà thầu an ninh thuộc nhiều quốc tịch đã thiệt mạng (3.300 bị thương); chưa kể 119 nhân viên nhà thầu an ninh Mỹ (trong đó có 95 nhân viên KBR).

Vấn đề ở chỗ không ít lực lượng an ninh thuộc các công ty nước ngoài làm ăn tại Iraq đều thuộc thành phần “máu me”. Khoảng 2.000-4.000 cựu binh và cựu cảnh sát Nam Phi đang có mặt tại Iraq. Bertus là một ví dụ. Nhân vật râu rậm này từng có 18 năm kinh nghiệm trong nghề cảnh sát, từng phục vụ trong Tiểu đoàn Koevoet nổi tiếng tàn ác thời apartheid. Bertus hiện có tên trong bảng lương Công ty Reed (thành lập năm 2003 bởi một cựu tùy viên quân sự Nam Phi tại Washington DC). Nhiều đồng nghiệp Bertus trước kia đều thuộc thành phần “có nợ máu với nhân dân” tại Nam Phi và do đó bị xã hội nước này khước từ. Nếu không đầu quân cho các công ty an ninh ở Iraq, họ cũng chẳng biết làm gì để sống (trước khi sang Iraq, Bertus sống lây lất bằng nghề chăn bò).

Theo tờ Mother Jones, dân Nam Phi có mặt khá nhiều trong các công ty an ninh tư nhân Mỹ. Trong Công ty DynCorp, người ta không khó khăn khi bắt gặp vài tay cận vệ gốc Nam Phi. Ngoài DynCorp, cận vệ Nam Phi cũng được thuê bảo vệ 500 sĩ quan cảnh sát Mỹ, đến Iraq phụ trách chương trình huấn luyện. 

Một công ty an ninh tư nước ngoài nhỏ đang bị tai tiếng không kém Blackwater là Hart Security, quy tụ chủ yếu thành phần “bất hảo” Nam Phi thời apartheid. Một trong những nhân vật trong Hart Security là Gray Branfield, nguyên là “công an chìm” từng tham gia nhiều vụ ám sát thành viên tổ chức Hội nghị quốc dân Nam Phi. Sau khi Branfield bị giết tại Kut (Tây Iraq), hồ sơ quá khứ nhân vật này mới bị phanh phui. Một công ty an ninh khác, Erinys, cũng có “vấn đề Nam Phi”. Năm 2004, một tay nhà thầu phụ của Erinys - François Strydom - bị lực lượng phiến loạn Iraq giết. Chỉ đến lúc đó người ta mới biết Strydom cũng là cựu thành viên Koevoet. Ngoài ra, cũng có nhiều thông tin cho biết Erinys có quan hệ với Ahmad Chalabi -người từng lãnh đạo tổ chức Hội nghị quốc dân Iraq (nhân vật vốn là “cục cưng” của Washington trong thời gian dài trước khi Mỹ lật đổ Baghdad nhưng sau này bị thất sủng)...

Khi đến Iraq vào tháng 4-2003 với nhiệm vụ quản trị dân sự lâm thời Iraq, tướng hưu Mỹ Jay Garner cũng thuê hai cựu đặc nhiệm Nam Phi tên Lion và Louwtjie làm cận vệ riêng (hai người này là nhân viên Công ty an ninh Meteoric Tactical Solutions). Sau khi Jay Garner bị thay bởi Paul Bremer, cặp Lion và Louwtjie chuyển sang làm việc cho Bernard Kerik (cựu ủy viên cảnh sát New York; được Bremer đưa đến Iraq để chịu trách nhiệm huấn luyện lực lượng cảnh sát). Tuy nhiên, vụ việc bắt đầu “lùm xùm” vào tháng 3-2004 khi Lion và Louwtjie bị bắt tại Harare (Zimbabwe), cùng gương mặt đầy tai tiếng Simon Mann (bạn của Tim Spicer, người sáng lập Công ty an ninh tư Aegis Defence Services).

Điều tra cho thấy nhóm Simon Mann chuẩn bị gom 61 khẩu AK-47, 45.000 băng đạn, 150 lựu đạn; cùng 65 tay súng đánh thuê chuyên nghiệp lên đường sang Equatorial Guinea để tham gia âm mưu lật đổ Chính phủ Teodoro Obiang Nguema Mbasogo. Thật không may, một nguồn tin từ Nam Phi đã “xì” ra cho Nguema Mbasogo và thế là kế hoạch bại lộ. Có lần khi được hỏi về Lion và Louwtjie, Jay Garner nói: “Có gì ngạc nhiên đâu nào”!...

Quan hệ gần gũi với chính giới

Cần nói thêm, chương trình tái thiết Iraq đã đem lại những khoản lợi nhuận khổng lồ cho các công ty Mỹ. Cơ quan phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) là nơi tổ chức các gói thầu. Hầu hết đương sự “đón” thầu đều là công ty có quan hệ gần gũi với chính giới: KBR (nói ở trên); Bechtel Corp (ban giám đốc đương nhiệm gồm cựu Bộ trưởng Quốc phòng Caspar Weinberger và cựu Ngoại trưởng George Shultz, từng bỏ ra 2/3 tiền vốn công ty cho đảng Cộng hòa trong chiến dịch tranh cử tổng thống năm 2000); cùng các đại Công ty Louis Berger Group (nhà thầu xây dựng chính tại Afghanistan thời hậu Taliban); Fluor Corporation; Parsons Corporation; và đặc biệt Halliburton.

New York Times cho biết chi nhánh KBR (Kellogg Brown & Root) của công ty đã trúng hợp đồng xây nhà tù nhốt Taliban – al-Qaeda tại Vịnh Guantánamo (Cuba) và ẵm nhiều gói thầu khác, từ dịch vụ “bán cơm” cho lính Mỹ tại Uzbekistan, xây doanh trại, lắp trạm phát điện, đến bán xăng cho xe nhà binh... Sau vụ 11-9, Quốc hội Mỹ đã chuẩn y 30 tỷ USD cho ngân sách khẩn cấp quốc phòng và 1/2 trong số đó đã lọt vào túi Ngũ Giác Đài. Quan hệ KBR-Lầu Năm Góc (và cả với Dick Cheney) không phải mới. Năm 1992, trong những ngày cuối cùng Dick Cheney ngồi ghế Bộ trưởng Quốc phòng, KBR đã trúng một hợp đồng 3,9 triệu USD với Lầu Năm Góc; và trong 5 năm Cheney làm sếp Lầu Năm Góc, Halliburton trúng gấp đôi số hợp đồng quốc phòng với trị giá 2,3 tỷ USD.

Kỳ tới Bài 5: Vì sao Mỹ “tư nhân hóa” quân đội?

LÊ THẢO CHI

Bài liên quan:

- Bài 1: Vụ bê bối Blackwater

- Bài 2: “Quan hệ” giữa Blackwater và đảng Cộng hòa

- Bài 3: Quân đoàn lê dương Aegis

Tin cùng chuyên mục