Bài 4: Thoát chết gang tấc

Trong trường hợp cấp bách, cán bộ binh vận phải “nhảy dù” về cứ báo cáo tình hình, thỉnh thị ý kiến cấp trên. Trên đường công tác, khi đối diện với hiểm nguy, bị truy sát, cán bộ binh vận sẵn sàng nhận rủi ro cái chết về mình, nhất quyết không để liên lụy đến người khác, đến nhân dân.
Bài 4: Thoát chết gang tấc

Lặng lẽ binh vận

Trong trường hợp cấp bách, cán bộ binh vận phải “nhảy dù” về cứ báo cáo tình hình, thỉnh thị ý kiến cấp trên. Trên đường công tác, khi đối diện với hiểm nguy, bị truy sát, cán bộ binh vận sẵn sàng nhận rủi ro cái chết về mình, nhất quyết không để liên lụy đến người khác, đến nhân dân.

Những cán bộ binh vận một thời trong một dịp gặp gỡ. Từ trái sang phải là các cựu nội tuyến, cán bộ binh vận: Trương Trung Truyền, Nguyễn Văn Thảnh, Huỳnh Chí Thiện, Nguyễn Văn Kiêm.

Qua mặt kẻ địch

Khi địch tiếp tục tuyên bố làm cỏ U Minh, năm 1969, cán bộ binh vận Nguyễn Văn Thảnh (tức Chín Hoài) được điều động từ Vĩnh Long về Ban Binh vận Khu 9 đang đóng ở khu vực U Minh để nhận nhiệm vụ mới. Chiến trường ác liệt, tuyến sông Măng Thít đồn bót chúng đóng dày đặc, đường giao liên công khai từ tỉnh về khu bị cắt đứt. Đi bất hợp pháp, theo đường giao liên, sẽ đảm bảo an toàn, song thời gian lại rất lâu, không biết khi nào mới tới nơi. Cuối cùng, tổ chức quyết định Chín Hoài đi theo thế hợp pháp, dưới sự hướng dẫn của nữ giao liên - chị Ba Hạnh.

Chín Hoài kể, đi như thế thì rất nhanh, anh em thường gọi là “nhảy dù”, chỉ trong ngày sẽ tới nhưng căng lắm, an toàn không cao. Nữ giao liên dày dạn Ba Hạnh sinh hoạt cho Chín Hoài cách thức đóng cặp làm chị em họ và chỉ báo căng nhất ở trạm xét sân bay Sóc Trăng: “Làm sao vượt được thì vượt, còn không thì chết ở đó”. Trạm này, xe nào chúng cũng xét, xét cả giấy tờ của hành khách. Chín Hoài không có giấy tờ gì hết vì đi quá gấp gáp, không kịp chuẩn bị.

Trên đường công tác, lúc đợi phà sang Cần Thơ, bất chợt Chín Hoài gặp vợ đi công tác từ Cà Mau lên, trên chuyến phà ngược lại. Anh chị chỉ kịp nhắc nhau yên tâm công tác rồi mạnh ai nấy đi, không dám đứng lâu sợ gặp đám quen nhìn mặt. Tiếp tục lên đường, khoảng 15 giờ cùng ngày tới thị xã Sóc Trăng. Chị Ba Hạnh quay sang bắt chuyện với một phụ nữ ngồi cạnh rồi “vô tình” thốt lên: “Nhanh dữ, sắp đến sân bay rồi!”. Câu nói bay đến tai chàng thanh niên mặc sơ mi đóng thùng lịch sự ngồi sát cửa ra vào của xe. Không lộ một chút lo sợ, Chín Hoài tự dặn mình tùy cơ ứng biến.

Gần tới trạm xét xe, trong khi mọi người trên xe lục tục chuẩn bị giấy tờ thì Chín Hoài đã phóng tầm mắt bao quát một loạt không gian gần trạm, tìm kẽ hở của đối phương. Thấy đám sĩ quan của một trung đoàn ngụy đang đứng dày đặc ven trạm xét, chuẩn bị hành quân, xe vừa dừng, Chín Hoài lao xuống xe đầu tiên, đi nhanh vào giữa đám sĩ quan, bắt tay làm quen, nói chuyện rôm rả.

Được chàng thanh niên ăn mặc lịch lãm, tác phong trịnh trọng tay bắt mặt mừng, thăm hỏi một cách trọng hậu, đám sĩ quan khép nép đáp lại như đang được nói chuyện với sếp lớn hay thương gia giàu có. Chứng kiến cảnh ấy, lính xét xe tưởng chừng hai bên quen biết nhau từ thuở nào, chẳng dám hỏi han giấy tờ “ông lớn”. Khoảng 15 phút trôi qua, khi xét xong, tài xế kêu réo om sòm mọi người ổn định chỗ ngồi. Xe chuyển bánh. Chị Ba Hạnh lúc này mới hét lên cho tài xế biết là còn một người ở đằng kia. Vừa lúc đó, Chín Hoài nhảy phốc lên xe, trở về chỗ cũ yên vị.

Báo tử mà… không chết

Tính đủ thì ông Phạm Ngọc Thế (tức Chín Thế), có hai lần báo tử mà vẫn sống. Trong đó, một lần báo tử vào cuối năm 1966, khi ông đang làm phóng viên chiến trường thuộc Ban Binh vận Trung ương Cục miền Nam. Nay bước sang tuổi 79, ký ức về những tháng thăm ngược xuôi hoạt động, thông tin về công tác binh vận vẫn luôn tươi mới trong ông, người vẫn đau đáu với anh em binh vận trong vai trò là Chủ nhiệm Câu lạc bộ Truyền thống kháng chiến - Ban Binh vận Trung ương Cục miền Nam; Chủ nhiệm Câu lạc bộ Truyền thống kháng chiến - khối Binh vận TPHCM.

Lúc đó, khoảng 12 giờ một ngày cuối năm 1966. Thông thường giờ này chúng không đi càn. Nhưng bữa đó, buổi càn trái quy luật. Chín Thế cùng thanh niên, du kích địa phương đang ở trong 2 mẫu mía thuộc huyện Cần Đước, Long An. Máy bay rần rần phía trên. Tiếng chửi vẳng qua radio: “Mày cho ông già 81 (súng cối 81 - PV) ho giùm tao coi, ho mấy tiếng”. “Ho” tức là bắn cối, nổ ầm ầm vang trời đất. Thanh niên chạy trắng đồng. Đó là những người dân trong vùng, gồm nhiều tín đồ Cao Đài mặc đồ trắng. Chiếc trực thăng rượt theo khi nhận ra toàn người dân thì bay ngược lại, bỏ đi. Lợi dụng tình huống này, mọi người trong đoàn thoát đi, theo thế hợp pháp của dân.

Còn lại Chín Thế cùng 4 anh em du kích tìm đường tránh đụng giặc. 5 người vừa đặt chân lên cầu khỉ ba nhịp thì tiếng máy bay trinh sát L19 xoay vòng trên đầu. Chiếc “đầm già” hạ thấp độ cao, chỉnh ngắm mục tiêu, chuẩn bị bắn hỏa tiễn xâu chùm hàng dọc như xâu táo. Nhớ đến một đồng chí văn công của Long An trên đường về thăm gia đình, gặp “đầm già” L19 nhưng không bắn tự vệ dẫn đến bị bắn cái một chết liền, Chín Thế hô lên: “Bắn!”. Thực tế lúc ấy, anh em chỉ dùng súng ngắn bắn đầm già. Song ở khoảng cách thấp, chỉ chừng ba trăm mét, thấy súng quân ta nhá lửa, địch cũng ngán ngại, phải bay lên cao rồi mới quay lại bắn chặn đầu nhóm cán bộ. Tiếng hỏa tiễn bay cái “phà” qua đầu, nhóm cán bộ thoát chết trong gang tấc.

Lần thứ ba trong ngày, chiếc đầm già quay ngược trở lại. Một mình Chín Thế chạy bất tử vô một căn nhà trống lợp lá dừa nước. “Lúc đó tôi chẳng nghĩ gì. Tôi vô cửa trước, vọt cửa sau, vừa lúc chúng bắn căn nhà cái rầm. Căn nhà bốc cháy”, Chín Thế nhớ lại. Hú hồn hú vía, Chín Thế lội qua con kênh sau nhà, lựa chỗ chôn giấu tài liệu về hoạt động binh vận, vứt bỏ đôi dép râu, rồi vô nhà dân cách đó chừng nửa kilômét. Tính tìm chỗ nương thân, song thấy nhà chỉ có cụ già và một đám trẻ nhỏ, anh tự nhủ: “Mình đi, nếu có chết thì chỉ chết một mình, còn ở lại, có khi sẽ chết cả nhà dân”. Nghĩ vậy, anh liền xin 1 chiếc áo pijama nam để thay và chiếc nón nhựa trắng nhằm hóa trang hợp pháp như người dân trong vùng. Rồi anh bước ra khỏi nhà.

Vừa đi chừng 200m, 2 chiếc trực thăng rà theo, bắn ù ù tối tăm mặt mũi. Địch bắn theo tọa độ. Rất may những loạt đầu tiên lại lệch, đạn bay trên tầm đầu người, găm xuống đoạn đường trước mặt người chiến sĩ tuyên truyền về hoạt động binh vận những lỗ tròn đều tăm tắp như đào sẵn hố trồng cây. Vãi đạn như chấu. Chín Thế chân không dép bước qua đoạn đường lỗ chỗ, tính chạy nhanh tìm chỗ nấp trốn máy bay. “Ông ơi, ông đi bình tĩnh chứ đừng có chạy. Nãy giờ nó theo là nó nghi thôi. Chứ ông chạy là nó bắn ông chết”, tiếng người đàn ông ở chòi vịt, một cơ sở của ta, gọi với ra. Chín Thế làm theo cho đến khi lẩn được vào bụi tre gần nhất. Mất điểm, chiếc đầm già bỏ đi.

21 giờ cùng ngày, Chín Thế gặp lại anh em du kích trong khu vực những căn nhà bị bắn cháy mới hay mọi người đang chuẩn bị được 4 tấm ván, còn thiếu 2 tấm để hoàn thiện chiếc hòm. Anh em cũng vừa uống ly rượu để lấy tinh thần đi bới xác Chín Thế. Gặp người trở về từ cõi chết, rượu chia ly trở thành rượu đoàn tụ.

ĐƯỜNG LOAN

>> Bài 9: Thế chấp mạng sống

>> Bài 8: Nở hoa trong lòng địch

>> Bài 7: “Vợ” của… nhiều người

>> Bài 6: Anh Dũng nhận ra anh hùng

>> Bài 5: Quân ta đối diện quân mình

>> Bài 3: Trong đỏ, vỏ xanh

>> Bài 2: Đơn thân trong lòng địch

>> Bài 1: Sống giữa hai làn đạn

Tin cùng chuyên mục