
Kỳ trước: Với ý đồ tái hiện lại chứng tích oai hùng một thời của hậu phương lớn, tất cả những gì có thể Út Ớt đều quơ quào vào, từ cái gian bếp đầy bồ hóng, cày, bừa, cào cỏ cho đến ổ rơm…

Ông anh Cả bán chiếc xe đạp, đài bán dẫn National mua từ Sài Gòn ra để mua ngói lợp. Lại nghiên cứu phong thủy, tự xây trên nền đất mới, cửa hướng gió Đông-Nam. Nhà mới xây xong, nhà cũ thành nhà bếp và chuồng nuôi heo. Út Ớt lớn lên ở nhà mới. Gã chẳng ưa thích gì ba gian bếp đầy những tro, bồ hóng, cứt trâu và cứt gà. Thỉnh thoảng gã mới xuống nhà bếp đun cho ông anh siêu nước hoặc nướng trộm củ khoai.
Út Ớt chỉ đạo:
Trong nhà có hầm trú ẩn tránh bom. Có ổ rơm trải chiếu ngủ mùa đông. Có cái mâm gỗ bị sứt mép nham nhở để ăn cơm. Có cái tích đựng nước vối. Có sợi dây thừng giăng ngang sát tường làm nơi treo quần áo. Có vại dưa, hũ tương, lọ mắm. Ngoài hiên có cối xay lúa.
(Gã căm ghét cái cối xay lắm. Từ năm 7 tuổi gã đã phải đánh đu với nó). Có cối giã gạo. Những công cụ sản xuất thời ấy như cày, bừa, cào cỏ, liềm, hái, cối đá đập lúa, cù néo, xe cải tiến ba bánh... trưng bày ở ngoài sân có biển đề giới thiệu rõ ràng...
Gã chắp tay sau lưng đi lòng vòng quanh nhà nuôi thỏ. Lại đập tay lên trán kêu to: - Phải có con chó đá để ở lối ngõ. Trong nhà phải dán tranh cá chép đớp trăng và khẩu hiệu “Tất cả cho tiền tuyến. Thóc không thiếu một cân. Quân không thiếu một người”.
Bác Cả sốt ruột gấp sổ tay, thô bạo ngắt lời thằng em: - Này, cái cốt lõi của vấn đề chú chưa nói tới?
- Vấn đề gì? Út Ớt ngạc nhiên.
- Tiền bạc ra sao? Đền bù giải tỏa cái chuồng thỏ này bao nhiêu. Công xá sưu tầm các thứ đồ cổ này như thế nào?
- Bác khỏi lo - Út Ớt hăng hái - Sẽ đền bù giải tỏa, đầu tư chi phí theo tầm mức quốc gia. Đấy là chưa kể những lợi nhuận sau này khi khách đến tham quan mua hàng lưu niệm.
Bác Cả yên tâm mở sổ ra ghi ghi, chép chép. Các tế bào kinh doanh hoạt động hết công suất. Tính sơ sơ, bác có thể tăng thêm thu nhập ở rất nhiều thứ.
Bảng kê khai của ông được công bố ngay sau đó. Cái nhà hậu phương lớn (tính cả đất) giá 5 triệu. Cối đá lỗ: 10 ngàn. Cối xay, cối giã, giá 100.000đ. Các thứ chum, vại, liềm, hái giá 100.000đ… Tiền công tu sửa bày biện trang trí giá 500.000đ. Tổng cộng các khoản là 7 triệu đồng.
“Tôi biếu không cho chú 2 con chó đá do chú ép tôi phải mua và bức tranh lý ngư vọng nguyệt. Còn khẩu hiệu, chú cho người vẽ dán lên. Chữ tôi xấu lắm, không vẽ được”…
Bác Cả hỏi vợ: - Bà thấy thế nào? Xưa nay, mọi việc làm ăn, ông đều phải hỏi ý kiến vợ. Vợ ông là người quyết định cuối cùng. Bà chị dâu cả của Út Ớt khẽ khàng bảo: - Còn thiếu nhiều thứ lắm. Hồi ấy tôi còn nhỏ nhưng cũng biết nhiều chuyện. Trẻ em đi học phải đội mũ rơm để chống bom bi. Nhà phải có đôi quang gánh, hai cái thúng đựng quần áo để khi cần gánh lên chạy cho nhanh. Nhà nào cũng phải có đòn cân vừa dùng để gánh lúa, vừa là vũ khí cho dân quân tuần tra. Buổi tối phải có cái nùi rơm để giữ lửa. Hồi đó không có nhiều diêm quẹt hay bật lửa như bây giờ… Trâu bò là thứ quý hiếm nên mùa đông phải có áo cho trâu. Người có thể chịu rét chứ trâu nhất thiết phải ấm...
Ngay lập tức, Út Ớt bỏ rơi ông anh Cả quay sang phía chị dâu, nồng nhiệt hô hoán: - Chị lo cho em tất cả chuyện này. Em giao cho chị 10 triệu đồng. Sau này, có khách tham quan, chị là hướng dẫn viên giới thiệu mọi thứ. Chi phí thỏa đáng, có thể còn được lên ti vi nữa.
Bà chị dâu mạnh mẽ tuyên bố: - Chú yên tâm, cứ giao việc này cho chị.
Bác Cả giận tái mặt, kéo thằng em út ra xa, rít lên: - Còn tao, tao đi theo mày suốt ngày trời công cốc à!
Út Ớt vỗ về ông anh cả như nựng con nít: - Em sẽ giao cho bác việc quan trọng hơn.
Cái đầu khối vuông Rubic của gã hoạt động liên tục. Vừa tạm xong “hậu phương lớn”, gã đã nhảy tới “đường ra tiền tuyến”. Gã giao cho ông anh cả có trách nhiệm làm cố vấn hướng dẫn viên du lịch “vượt Trường Sơn”. Bác Cả dạt dào xúc động, bừng bừng khí thế “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước” năm xưa. Ông khen ngợi thằng em út có ý thức chính trị cao, có mắt nhìn địa hình đúng đắn. Đoạn vượt núi Mào Gà trên dãy 99 ngọn cũng chính là một đoạn trong chương trình huấn luyện tân binh năm xưa của ông. Hồi đó, sau một tháng luyện tập trên thao trường với những bài tập đánh vận động, đánh phá vây, đánh chốt chặn, đơn vị ông có một tuần tập hành quân vượt Trường Sơn. Mỗi người phải mang trên vai 15 cục gạch (tương đương với 30 kg) gạo một tuần, xoong nồi nấu ăn (tổng cộng trọng tải 37kg). Cán bộ khung huấn luyện đi B hồi ấy bảo, đoạn vượt núi Mào Gà có địa hình giống như đoạn vượt núi ở trạm số hai trên đường Trường Sơn. Hiểm trở và khó khăn nhất trên toàn tuyến.
Sư phụ Ngọc Hoàn lên tiếng: - Người ta đi để vui chơi, giải trí. Vậy nên an toàn vui vẻ là trên hết. Chẳng có ai dại gì bỏ tiền ra để mua cái vất vả, nguy hiểm.
Út Ớt khen phải, xoay lại lối đi. Không vượt núi nữa. “Đường ra tiền tuyến” là con đường mòn của dân chăn dê đi vòng dưới chân núi, dài khoảng hai giờ đi bộ. Có hai bãi khách ở hai đầu. Mỗi bãi khách đều có một mô hình bếp Hoàng Cầm không có khói, ba cọc tăng võng hoàn chỉnh. Khách tham quan có thể nghỉ ngơi, tổ chức nấu ăn tại bãi khách. Quanh núi Mào Gà nguồn nước rất phong phú.
Khe suối nhiều, các giếng nước của dân chăn dê cũng lắm. “Nếu cần, tắm thoải mái. Ở đây không có lam sơn chướng khí, không có rắn độc hoặc ong vò vẽ” - Bác Cả khẳng định.
Út Ớt cao hơn ông anh Cả một cái đầu, thay vì vỗ lưng thân thiết, gã vỗ vai xoa đầu ông anh: - Bác lo trọn gói vụ này?
- Công xá tính ra sao? Bác Cả nói rất to.
- Cứ làm đi, tiền công tính sau. Bác phải tin em. Em không để cho bác thiệt đâu. Bác dụ thêm được các đồng chí cựu chiến binh về đây chơi nữa. Tiền bác đút túi không hết đâu. Có khi phải gửi ngân hàng đấy.
Bài 5: Cả làng nhớ chuyện xưa
Trần Văn Tuấn
Thông tin liên quan |