Hồi ký của Thủ tướng Nehru(*)

Bài 5:Bom nổ giữa nghị trường

Nhiều điều đã xảy ra trong khoảng mười năm, từ năm 1919 đến 1929 và bộ mặt của Ấn Độ đã khác đi nhưng vẫn còn đó những điểm tương đồng: sự căng thẳng chính trị ngày một lớn dần, không khí đấu tranh bao trùm khắp nơi.
Bài 5:Bom nổ giữa nghị trường

Nhiều điều đã xảy ra trong khoảng mười năm, từ năm 1919 đến 1929 và bộ mặt của Ấn Độ đã khác đi nhưng vẫn còn đó những điểm tương đồng: sự căng thẳng chính trị ngày một lớn dần, không khí đấu tranh bao trùm khắp nơi.

Tháp tùng Gandhiji

Bài 5:Bom nổ giữa nghị trường ảnh 1
Hình thủ tướng Nehru lên tem

Gandhiji vẫn đứng ngoài các vấn đề chính trị, ngoại trừ vai trò của ông tại đại hội ở Calcutta. Tuy nhiên, ông vẫn theo dõi kỹ các sự kiện chính trị và thường được các lãnh đạo đảng Quốc đại tham khảo. Hoạt động chính của ông suốt nhiều năm là việc tuyên truyền cho phong trào dùng “vải thô” và vì mục đích này ông đã có nhiều chuyến đi trên khắp Ấn Độ.

Ông lần lượt đến từng tỉnh và đi thăm mọi quận hạt, thành phố cũng như đến những miền quê xa xôi. Bằng cách đó ông đã ngao du nhiều lần trên đất nước Ấn Độ và biết được nhiều nơi từ Bắc chí Nam, từ những dãy núi phía Đông đến những vùng biển phía Tây. Tôi không nghĩ là có một người nào khác đã từng đi khắp Ấn Độ nhiều như ông.

Không chỉ đi bằng tàu hỏa, xe hơi, Gandhiji còn đi bộ nữa. Và cũng bằng cách này, hàng triệu người dân có thể được nhìn ông thật gần, thậm chí có thể sờ chạm tới ông. Tôi đi theo ông thỉnh thoảng từng đợt vài ngày và mặc dù đã từng thấy, tôi vẫn không khỏi kinh ngạc về sức hấp dẫn dị thường của ông đối với đám đông. Tôi không đi theo ông khắp cả mọi nơi vì thấy cũng không giúp gì được nhiều cho ông. Tôi có nhiều việc khác phải làm. Ở một chừng mực nào đó, tôi thấy bực bội vì những bận tâm quá nhiều của Gandhiji đối với những vấn đề không phải chính trị và chẳng bao giờ tôi có thể hiểu được tường tận ý nghĩ của ông.

Quốc hội, như tôi đã nói, đã trở thành một cơ chế ngủ gật và ít ai còn quan tâm đến những hoạt động chán ngắt của nó. Một ngày kia nó đã được đánh thức một cách thô bạo khi Baghat Singh và B.K.Dutt ném hai quả bom vào trong phòng hội họp. Không ai bị thương nặng và có lẽ, như lời tuyên bố của các thủ phạm sau đó, những quả bom này chỉ nhằm gây tiếng vang và tạo ra một sự khuấy động, chứ không phải để gây thương tích.

Quả thật là họ đã tạo ra được một sự khuấy động ở cả bên trong và bên ngoài Quốc hội. Tại Bengal và các nơi khác dường như đang có một sự tái phát các hoạt động khủng bố, các tòa án được thiết lập, số người bị bắt tăng nhanh trong các nhà tù.

Trong vụ xử những kẻ khủng bố ở Lahore cảnh sát đã có những hành động quá mức khiến cho dư luận cả nước bàn tán. Để phản đối kiểu đối xử tồi tệ trong nhà tù cũng như trước tòa án, hầu hết các tù nhân đều tuyệt thực. Cuộc tuyệt thực này kéo dài nhiều tuần và gây xôn xao trên toàn quốc. Khi tôi đến Lahore thì cuộc tuyệt thực đã diễn ra đã được một tháng. Tôi được phép thăm một vài tù nhân trong nhà lao nên tôi đã tận dụng cơ hội này. Sau những thảo luận, một số luật mới được ban hành. Các luật lệ mới này, có vẻ như hứa hẹn một sự thay đổi khá hơn, thực ra chẳng có gì khác.

Chức chủ tịch bất đắc dĩ

Những tháng cuối mùa hè và đầu mùa thu là những tháng mà các Ủy ban Quốc đại cấp tỉnh bận rộn với việc bầu cử chủ tịch cho khóa họp tại Lahore của đảng Quốc đại. Cuộc bầu cử này là một quá trình dài ngày và thường diễn ra từ tháng tám cho đến tháng mười. Vào năm 1929 gần như đã có sự nhất trí toàn bộ để bầu cho Gandhiji.

Sự mong muốn lần thứ hai để bầu ông vào chức chủ tịch này dĩ nhiên đã không đẩy ông lên một thứ bậc cao hơn trong đảng Quốc đại, vì ông vốn đã là một loại siêu chủ tịch trong nhiều năm qua. Tuy nhiên người ta cảm thấy rằng, vì cuộc đấu tranh đã sắp tới và trên thực tế ông là người lãnh đạo nó, cho nên ông có thể cũng là người lãnh đạo hợp pháp của Đảng Quốc đại nhân dịp này. Ngoài ra cũng không có người nào xứng đáng hơn để bầu vào chức chủ tịch.

Thế là Gandhiji được các ủy ban cấp tỉnh bầu vào chức chủ tịch. Nhưng ông chẳng quan tâm đến chuyện này. Một cuộc họp của Ủy ban Quốc đại toàn Ấn được triệu tập tại Lucknow để có quyết định cuối cùng và cho đến gần giờ chót tất cả chúng tôi đều nghĩ là ông sẽ đồng ý. Nhưng vào phút chót ông lại đẩy tên tôi lên phía trước. Ủy ban Trung ương có phần ngạc nhiên vì sự từ chối cuối cùng của ông và thấy phần nào bực tức vì bị đặt vào một tình thế khó xử. Vì không còn có ai khác và trong tinh thần nhẫn nhịn, cuối cùng họ đã bầu tôi.

Tôi chưa bao giờ có một cảm giác nhục nhã và buồn lòng như thế. Không phải vì tôi nhạy cảm với vấn đề danh dự, vì đây là một vinh dự lớn và tôi sẽ rất vui mừng nếu được bầu chọn theo cách thông thường. Nhưng ở đây tôi không vào bằng cửa chính. Tôi xuất hiện thình lình qua cánh cửa sập trên nóc và gây bối rối cho cử tọa khiến họ đến phải chấp nhận. Họ cố nuốt viên thuốc đắng mà không nhăn mặt. Niềm kiêu hãnh của tôi bị xúc phạm và gần như muốn trả lại cái vinh dự ấy. May thay, tôi kìm nén được nhưng trong lòng nặng trĩu.

Việc tôi được bầu chọn thực ra là một vinh dự lớn và là một trách nhiệm lớn cho tôi. Hiếm khi có trường hợp một người con nối tiếp cha mình tức thời trên chiếc ghế chủ tịch. Người ta thường nói rằng tôi là vị chủ tịch trẻ nhất của đảng Quốc đại - tôi vừa đúng bốn mươi tuổi khi nhận chức này. Nhưng có vẻ không đúng như thế. Vì tôi ít khi được xem là có những phong cách của một chính khách và cũng chẳng ai bảo tôi là người có học vấn cao siêu cho nên mọi người không cho là tôi lớn tuổi, dù rằng điều này đã được bộc lộ qua mái tóc bạc màu và nét mặt của tôi.

Giang Sĩ Nhơn lược ghi


Bài 6: Hành trình qua những nhà lao

Tin bài liên quan
- Bài 4: Sống giữa lòng châu Âu mới

Tin cùng chuyên mục