
Terry Fox là một vận động viên trẻ ở Port Coquitlam, British Columbia, Canada. Vào năm 18 tuổi, Terry bị một chấn thương rất nặng ở đầu gối phải. Ban đầu, Terry nghĩ đó chỉ là chấn thương phần sụn nhưng sau đó anh thật sự hoảng hốt khi các bác sĩ thông báo rằng đó là một khối u rất nguy hiểm.
1 đô la... vì quỹ lớn

Terry Fox trên đường chạy
Vào đêm trước cuộc phẫu thuật cắt chân phải, Terry Fox đọc được bài viết về một người khuyết tật tham gia cuộc thi chạy marathon ở New York. Con người phi thường này đã chạy trên đôi chân giả để quyên tiền cho một công trình nghiên cứu về căn bệnh ung thư. Hành động này đã khơi nguồn cảm hứng cho Terry, giúp anh hình thành ý tưởng cho chương trình Marathon of Hope (Chạy vì Hy vọng). Lòng nhiệt thành trước dự án mới và ý chí mạnh mẽ đã giúp Terry vượt qua cuộc phẫu thuật đầy khó khăn. Terry phục hồi nhanh chóng và quay lại luyện tập. Anh chạy liên tục mặc cho các cơn đau và thời tiết khắc nghiệt hành hạ.
Sau khi hoàn thành 4.000km tập luyện, Terry hăm hở bắt đầu kế hoạch Marathon of Hope của mình. Ngày 12-4-1980, cuộc chạy “Marathon of Hope” của Terry bắt đầu. Terry dự định sẽ đến bờ biển Đại Tây Dương trong vòng 5 đến 6 tháng. Những ngày chạy đầu tiên, Terry rất sung sướng khi thấy mọi người xếp thành hàng để quyên góp tiền dọc hai bên đường nơi anh chạy qua. Từng đô-la được những bàn tay nhiệt thành và lòng hảo tâm đóng góp qua khắp các thành phố, thị trấn, làng mạc: St. John’s, Gander, Port-Aux-Basques Toronto, Ottawa, Quebec, Riviere-du-Loup…. Mặc cho những vết phồng rộp ở chân, mệt mỏi, đau đớn, Terry Fox vẫn tiếp tục hướng về phía Tây Canada mỗi ngày từ 4g sáng đến 5g chiều. Trong chuyến chạy bộ, Terry đã nhận được nhiều lời đề nghị giúp đỡ anh hoàn tất quãng đường còn lại. Nhưng anh đã từ chối; anh muốn mình có thể bình phục và tiếp tục chạy hết lộ trình đã vạch ra.
Vào ngày 1-2-1981, ước mơ của Terry về việc mỗi người dân Canada quyên góp 1 đô-la để chống lại căn bệnh ung thư gần như đã trở thành sự thật. Dân số Canada khi đó là 24,1 triệu người và quỹ “Marathon of Hope” đã lên đến 21,17 triệu đô-la Canada.
Người dân Canada ở khắp mọi miền đất nước bàng hoàng khi biết tin căn bệnh ung thư của Terry tái phát và kế hoạch Marathon of Hope của anh phải chấm dứt gần vịnh Thunder, Ontario. Trong vòng 143 ngày, Terry đã chạy được 5.373km. Trong thời gian chữa trị tại quê nhà, Terry nhận được tin vui: anh được trao Huân chương Danh dự Canada. Huân chương này là phần thưởng cao quý nhất dành cho một công dân Canada, được trao cho những người có đóng góp đặc biệt to lớn với quốc gia và Terry là người trẻ tuổi nhất trong lịch sử nhận được vinh dự này. Vì Terry không đủ sức khỏe để đi nhận huân chương, Toàn quyền Edward Schreyer đã thực hiện một chuyến đi đặc biệt đến vùng biển phía Tây, nơi Terry đang điều trị, để tận tay trao tặng anh Huân chương Danh dự này. Terry cũng đã nhận được rất nhiều phần thưởng cao quý khác như: Huân chương Dogwood, danh hiệu Công dân cao quý của British Columbia, giải thưởng Vận động viên có thành tích xuất sắc của Lou Marsh, giải Công dân của năm do giới báo chí bình chọn; Huy chương Terry Fox thường niên đầu tiên do Đại học Simon Fraser trao tặng, một phần thưởng cao quý để ghi nhận những sinh viên dũng cảm đối mặt với khó khăn thử thách.
Người anh hùng của Canada
Terry ra đi vào ngày 28-6-1981, một tháng trước sinh nhật lần thứ 23 của mình, tại Bệnh viện Royal Columbia, thành phố New Westminster, British Columbia. “Terry đã hoàn thành những cây số cuối cùng của cuộc đời mình”, thay mặt những người chăm sóc anh, Alison Sinson nói. “Anh ấy đã để lại cho chúng ta một điều vô cùng quý giá, đó là Hy vọng. Nó sẽ trường tồn và trở thành di sản tinh thần của đất nước chúng ta”. Cả nước Canada treo cờ rủ và tổ chức quốc tang để bày tỏ lòng ngưỡng mộ và tiếc thương vô ngần đối với người anh hùng của họ.
Tiếp theo Terry Fox, vào tháng 5-1985, Steve Fonyo - 19 tuổi, người cũng bị mất một chân vì bệnh ung thư, đã khởi xướng và hoàn thành một cuộc chạy marathon xuyên quốc qua trên chặng đường 7.924km trong hơn 14 tháng và quyên góp được 13 triệu đô-la cho công trình nghiên cứu bệnh ung thư. Cũng trong năm 1981, người dân ở khắp nơi trên thế giới đã tổ chức các cuộc chạy vì Terry. Những chính khách hàng đầu Canada đã cùng tham gia cuộc chạy ở Ottawa, và cuộc chạy của các nhà ngoại giao ở London, Anh cũng nằm trong các hoạt động hưởng ứng lời kêu gọi và tinh thần Terry Fox. Một ngôi trường và một trung tâm rèn luyện sức khỏe ở Canada đã được xây dựng để tưởng nhớ anh.
Nhiều năm sau ngày mất của Terry, anh đã được vinh danh theo nhiều cách khác nhau: một đỉnh núi thuộc dãy Rocky gần Jasper, British Columbia, đã được đặt tên Terry Fox để tưởng nhớ anh; đoạn đường chạy cuối cùng của Terry dài 83km trên xa lộ Trans-Canada nối giữa vịnh Thunder và Nipigon, Ontario, được đổi tên thành đường Terry Fox; Giải thưởng nhân đạo Terry Fox của Chính phủ Canada được lập ra để khen thưởng những sinh viên thể hiện được các phẩm chất tốt đẹp nhất của tinh thần công dân và lòng nhân ái. Bộ Bưu chính Canada đã phát hành một bộ tem về Terry vào năm 1992, 11 năm sau khi anh qua đời. Một bộ tem khác cũng được in vào năm 2000.
Ngày Terry Fox Một năm sau ngày mất của Terry Fox, chương trình Marathon of Hope đã vươn rộng ra quy mô toàn cầu. Các cuộc chạy marathon Terry Fox được tổ chức tại hơn 50 quốc gia, đem về hơn 360 triệu đô-la đóng góp của các cá nhân và tổ chức vào quỹ nghiên cứu phòng chống ung thư Terry Fox Foundation. Chính nhờ một phần đóng góp của quỹ Terry Fox, hàng ngàn bệnh nhân ung thư Canada hiện nay đã có thể sống khỏe mạnh hơn, điều mà trước đây Terry chưa được thụ hưởng. |
__________
Kỳ tới Bài 7: Nơi người bệnh trả viện phí “theo túi tiền”
(*) Sách do Công ty Văn hóa Trí Việt (First News) phối hợp với NXB Tổng hợp TPHCM xuất bản.
GIANG SĨ NHƠN
Thông tin liên quan:
Bài 1: Vượt 5.000km để chạm đến ước mơ
Bài 2: Tình bạn vĩ đại và cuộc đời vĩ đại
Bài 3: Hai vận động viên “ngoại hạng”
Bài 4: “Tia chớp” trên đường đua
Bài 5: “Bàn chân” vàng phẫu thuật