Thành phố Hồ Chí Minh - 30 năm đổi mới và phát triển
Mới chỉ vài năm bước sang thời kỳ đổi mới nên TPHCM vẫn còn nhiều hộ dân rất khó khăn, đặc biệt ở khu vực nông thôn. Đầu năm 1992, thành phố có gần 122.000 hộ nghèo, chiếm 17% tổng số hộ dân. Riêng 6 huyện ngoại thành có hơn 57.000 hộ đói nghèo, trong đó có 9.000 hộ phải cứu trợ thường xuyên. Đây là điều day dứt và là mục tiêu phải giải quyết được lãnh đạo TPHCM đặt ra.
Nông dân nuôi bò sữa tại xã Tân Thông Hội, huyện Củ Chi từ nguồn vốn xóa đói giảm nghèo của TPHCM. Ảnh: CAO THĂNG
Từ ý tưởng “giúp cần câu”
“Chú Hai à! Nhà nước cho quà tụi tui cảm ơn lắm. Nhưng nếu có cách nào giúp tụi tui đỡ nghèo thì tốt hơn, chứ không lẽ lúc nào cũng chờ nhận quà, nhận trợ cấp hả chú?”, những lần đi tặng quà nhân dịp lễ, tết cho các hộ nghèo, ông Phạm Văn Thanh - thường được gọi là Hai Thanh, bấy giờ là Phó ban Thường trực Phân ban nông thôn Thành ủy TPHCM - đều nghe người dân hỏi câu này. Ông nghe và khổ tâm lắm. Ông cứ tự hỏi: “Ngày xưa dân đùm bọc, thậm chí vét từng hạt gạo cuối cùng dưới đáy khạp để nuôi bộ đội chiến đấu với kẻ thù. Làm cách mạng mục đích cuối cùng là đem lại tự do, no ấm cho người dân. Vậy nhưng đất nước giải phóng hơn chục năm rồi, nhiều hộ dân vẫn còn nghèo đói quá. Yêu nước là phải yêu dân, mà đã yêu dân thì không thể để dân đói được”.
Và rồi ông nghiệm ra một điều: Muốn các hộ thoát nghèo một cách căn cơ cần phải “giúp cần câu hơn cho xâu cá”. Thật ra, trước tháng 10-1991 (thời điểm diễn ra Đại hội Đảng bộ TPHCM lần V), việc giúp các hộ nghèo theo hình thức bà con giúp đỡ lẫn nhau đã diễn ra nhưng chỉ với những hình thức đơn lẻ, theo kiểu nhà nào trồng tỉa, chăn nuôi cần gì thì hàng xóm phụ giúp chứ chưa tạo thành phong trào rộng khắp để cả xã hội cùng góp nguồn lực tham gia. Từ sự đề xuất của ông Thanh và những người khác, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ TPHCM lần V chủ trương thực hiện thí điểm mô hình vận động tương trợ giúp hộ nghèo vượt khó. Ấp Cây Sộp xã Tân An Hội huyện Củ Chi được chọn thực hiện thí điểm. Sau đó mô hình được nhân rộng sang các xã còn lại của huyện Củ Chi, tiếp đến là các huyện Cần Giờ, Nhà Bè, Bình Chánh...; và rồi tiếp tục thực hiện ở các phường có nông nghiệp của quận 8, quận Bình Thạnh, quận Gò Vấp, quận Tân Bình. Ngay từ lúc khai sinh, chương trình đã thay đổi phương thức chăm lo cho người nghèo, từ trợ cấp, cứu trợ chuyển sang trợ giúp để người nghèo tự vươn lên. “Đến tháng 10-1992, chương trình được mở rộng ra toàn thành phố với tên gọi chương trình “Xóa đói giảm nghèo”. Huyện nông thôn ngoại thành và quận nội thành có mức chuẩn nghèo riêng vì mức sống của bà con ở hai khu vực này khác nhau. Phân ban nông thôn Thành ủy được giao nhiệm vụ là cơ quan thường trực của chương trình. Thật ra, lúc đó đây là cách làm mới nên cũng có ý kiến nghi ngại. Thậm chí, một đồng chí trong Bộ Chính trị còn đặt vấn đề: “Đảng đã lãnh đạo thì người dân làm sao đói để mà phải xóa đói?”. Chỉ đến khi TPHCM thực hiện chương trình có hiệu quả thì trung ương mới nhìn nhận cách làm của TPHCM, từ đó áp dụng trong cả nước”, ông Thanh kể về những ngày đầu của chương trình “Xóa đói giảm nghèo”.
Xác định cách làm “giúp cần câu hơn cho xâu cá”, chương trình đề ra nhiều cách làm thiết thực, tạo điều kiện để hộ nghèo thêm động lực, tự tin vươn lên thoát nghèo. Sự kết hợp nguồn lực đầu tư của nhà nước và xã hội, của các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp trong và ngoài nước qua các chương trình hỗ trợ vốn làm ăn, mở lớp dạy nghề, giới thiệu việc làm cho lao động nghèo, miễn giảm học phí, hỗ trợ giá điện, nước... đã giúp người nghèo vươn lên, đủ sức thoát nghèo bằng chính năng lực của mình, kiếm được thu nhập không chỉ đủ trang trải cuộc sống cơ bản tối thiểu mà còn tích lũy để dần khá lên. Với nhiều phương thức sáng tạo, hiệu quả trong thực hiện chương trình “Xóa đói giảm nghèo” (từ năm 2009, bắt đầu giai đoạn 3 của chương trình đổi tên thành “Giảm hộ nghèo, tăng hộ khá”), TPHCM trở thành một trong những địa phương đi đầu trong cả nước về xóa đói giảm nghèo.
Đến niềm vui trong ngôi nhà nghĩa tình
|
Để Việt Nam có được ngày hòa bình, độc lập dân tộc đã có hàng triệu cán bộ, chiến sĩ, đồng bào cả nước anh dũng hy sinh, hàng chục triệu người để lại một phần thân thể nơi chiến trường.
“Ăn quả nhớ người trồng cây”, ngay sau ngày thống nhất đất nước, Đảng bộ và nhân dân TPHCM đặc biệt quan tâm đến đời sống của các gia đình thương binh - liệt sĩ, diện chính sách có công với cách mạng, xem đây là nhiệm vụ chính trị ưu tiên hàng đầu. Nhưng thời kỳ đầu mới giải phóng, nền kinh tế thành phố hầu như chưa phát triển, ngân sách eo hẹp nên dù rất muốn cũng không thể chăm lo được nhiều. Bước đầu, thành phố mới chỉ có thể cấp khung nhà, sửa chữa và xây dựng lại những căn nhà bị chiến tranh tàn phá nặng nề cho các gia đình có công cách mạng. Tháng 2-1982, chương trình chăm lo cho gia đình chính sách có công chuyển bước đáng ghi nhớ khi cán bộ, công nhân viên Công ty sửa chữa nhà (thuộc Sở Nhà đất TPHCM) đóng góp xây dựng căn nhà cho gia đình anh Đào Văn Của và chị Nguyễn Thị Tuyết - hai vợ chồng đều là thương binh 1/4 - ở ấp Phước Hòa xã Phước Hiệp huyện Củ Chi. Từ đây, cụm từ “nhà tình nghĩa” hình thành. Từ điểm sáng nghĩa tình này, huyện Củ Chi khởi phát sáng kiến vận dụng phương châm nhà nước và nhân dân cùng chăm lo diện chính sách có công. Hưởng ứng sáng kiến này, cả thành phố bắt đầu dấy lên phong trào xây nhà tình nghĩa để cải thiện chỗ ở cho người có công. Đặc biệt, sau khi Đài Truyền hình TPHCM phối hợp với huyện Củ Chi thực hiện phóng sự “Trở về điểm hẹn” chiếu trên đài truyền hình, phong trào lan tỏa khắp nơi. Từ TPHCM, “dấu son” nhà tình nghĩa lan rộng về các địa phương trong cả nước, trở thành điểm sáng tri ân của phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”.
Nghĩa tình với những gia đình chính sách có công xem như đã thực hiện được phần nào, nhưng TPHCM vẫn còn đó một bộ phận nhân dân lao động nghèo, bộ đội xuất ngũ, công nhân viên... đời sống rất khó khăn. Quanh năm suốt tháng chịu cảnh dãi nắng dầm mưa dưới những căn nhà tranh tre, mái lá, trống trước hở sau, xiêu vẹo, dột nát nên với họ, có được căn nhà tinh tươm là điều khó mơ thấy. Ấy vậy mà đó lại là giấc mơ có thật. Tháng 6-1998, Thành ủy TPHCM ban hành Chỉ thị 19/CT-TU về việc mở cuộc vận động phong trào xây dựng nhà tình thương cho hộ lao động nghèo của thành phố. Một tháng sau, UBND TPHCM có Quyết định số 3698/QĐ-UB-VX về việc thành lập Ban vận động xây dựng nhà tình nghĩa - nhà tình thương thành phố, UB Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TPHCM là cơ quan thường trực của ban vận động. Với truyền thống đoàn kết, tương thân tương trợ, “lá lành đùm lá rách”, 17 năm qua, người dân thành phố tích cực hưởng ứng cuộc vận động, người có công góp công, người có của góp của đem lại niềm vui cho người nghèo. Ý Đảng - lòng dân hội tụ trên những nụ cười rạng rỡ, qua những giọt nước mắt mừng vui trong căn nhà mới khang trang. Nói như cụ ông Trần Văn Tư, 87 tuổi, ngụ xã Tân Nhựt huyện Bình Chánh: “Từng sống qua nhiều chế độ, tôi chưa thấy chế độ nào xây nhà cho dân nghèo. Chỉ có chế độ này mới có mà thôi...”.
HOÀI NAM - ÁI CHÂN
- Bài 6: Nền kinh tế thị trường sơ khai