Với nỗ lực đưa âm nhạc trở lại giá trị đích thực của nó, “Bài hát yêu thích” đã xuất hiện và khi Bảng xếp hạng âm nhạc này được đầu tư chuyên nghiệp, đổi mới sẽ là động lực rất lớn để các ca sĩ, nhạc sĩ phấn đấu chăm chút cho sản phẩm của mình công phu hơn, nhằm cho ra đời những sản phẩm âm nhạc có giá trị và đưa khán giả đến với những bài hát mà mình thực sự yêu thích.
Tuy nhiên, trong quá trình xây dựng bảng xếp hạng các ca khúc trong chương trình “Bài hát yêu thích”, hiện tượng lũng đoạn “tin nhắn rác” xuất hiện đã làm ảnh hưởng đến tính trung thực của kết quả bình chọn. Việc nói không với “sim rác” được coi là việc “xưa nay chưa từng có”, điều đó thể hiện sự quyết tâm mạnh mẽ của Ban tổ chức “Bài hát yêu thích” trong nỗ lực làm trong sạch Bảng xếp hạng và tạo ra một sân chơi công bằng cho tất cả các nghệ sĩ, khán giả yêu nhạc cả nước.
Bên cạnh đó, hát nhép, hát “đớp” đang trở thành vấn nạn càn quét nhiều chương trình âm nhạc và bị dư luận lên án gay gắt. Lâu nay, khán giả thường bị “đánh lừa” bởi công nghệ phòng thu đã “phù phép” làm thay đổi giọng hát thật của ca sĩ. Khác với nhiều chương trình âm nhạc, “Bài hát yêu thích” yêu cầu tất cả các ca sĩ phải hát live với ban nhạc. Vì thế không có gì bất ngờ khi một số ca sĩ trẻ thể hiện không thành công trong liveshow của chương trình.
Có ý kiến cho rằng để lọt các ca sĩ hát live kém vào các liveshow là lỗi của Ban tổ chức. Thiết nghĩ đây không phải là lỗi hay thiếu sót của chương trình “Bài hát yêu thích” bởi lẽ, việc trình diễn live như thế nào phụ thuộc phần lớn vào trình độ của các ca sĩ. Tự bản thân các ca sĩ đó chứ không phải ai khác sẽ là người trực tiếp đưa ra câu trả lời chính xác cho khán giả về trình độ và khả năng thực sự của mình.
Đã có rất nhiều chương trình giải trí, chương trình biểu diễn nghệ thuật thông thường, kể cả show ca nhạc truyền hình phần lớn đều yêu cầu và “tạo điều kiện” cho ca sĩ hát nhép, xem như một giải pháp an toàn cho cả đôi bên. Trong khi đó, “Bài hát yêu thích” lựa chọn một con đường riêng, việc hát live của ca sĩ trong mỗi liveshow là yêu cầu bắt buộc. Điều đó thể hiện thái độ tôn trọng khán giả và tính nghiêm túc của chương trình trong bối cảnh “vàng thau lẫn lộn”.
Hơn nữa, chương trình “Bài hát yêu thích” cũng là nơi cho tất cả các ca sĩ, dòng nhạc cùng được bình đẳng thể hiện và được coi trọng. Về thực chất, “Bài hát yêu thích” là quá trình đi tìm ca khúc được yêu thích nhất chứ không phải ca sĩ được yêu thích nhất hay bài hát được giới chuyên môn đánh giá cao. Thông thường, quan điểm của khán giả sẽ tương đồng với đánh giá của Hội đồng nghệ thuật. Nhưng đôi khi sự yêu thích của hai đối tượng này khác nhau, dẫn đến sự “vênh, lệch” nhất định là điều dễ hiểu.
Mặt khác, không thể đánh giá chất lượng của một chương trình âm nhạc nếu chỉ căn cứ vào số lượng tham gia của các sao. Bởi, thực tế đã chứng minh nhiều ca sĩ trẻ đã thể hiện các ca khúc rất tốt, được khán giả đón nhận và giữ được vị trí cao trong Bảng xếp hạng. Cho nên mới nói ca sĩ trẻ, ca sĩ nổi tiếng không phải là nhân tố quyết định, cái chính là bài hát phải được yêu thích và người nghệ sĩ ấy có chinh phục được đông đảo trái tim khán giả hay không.
Qua mỗi liveshow, chương trình đã đạt được những thành công nhất định, điều đó đã chứng minh những nỗ lực của Ban tổ chức và con đường đi riêng của “Bài hát yêu thích” là tích cực và đúng hướng. Duy trì một bảng xếp hạng âm nhạc uy tín, phản ánh chuẩn xác thị trường âm nhạc Việt Nam hiện nay, đáp ứng thị hiếu công chúng là vô cùng cần thiết. Phải chăng, “Bài hát yêu thích” đang trở thành động lực cho một nền âm nhạc mong muốn phát triển lên chuyên nghiệp như Việt Nam?