Bài học còn nguyên giá trị

Cách mạng Tháng Tám diễn ra cách đây 66 năm để lại cho chúng ta nhiều bài học quý giá. Đó là bài học về sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam - đội tiên phong của giai cấp công nhân, đồng thời cũng là đội tiên phong của nhân dân lao động và của dân tộc Việt Nam... Đó là bài học về vượt qua khó khăn, thách thức, tận dụng thời cơ để đưa đất nước tiến lên… Nhưng có lẽ trong thời điểm hiện nay, bài học về xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân, xây dựng nhà nước pháp quyền XHCN của dân, do dân, vì dân vẫn là bài học thiết thực nhất.

Thực tiễn cách mạng nước ta dưới sự lãnh đạo của Đảng hơn 80 năm qua đã minh chứng rõ điều đó. Chèo thuyền cũng là dân, lật thuyền cũng là dân, các bậc tiền bối đã dạy và cảnh báo cháu con như thế.

Ngày nay, người Việt Nam ta, dường như ai cũng nằm lòng lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: Dễ trăm lần không dân cũng chịu. Khó vạn lần dân liệu cũng xong.

Như thế, rõ ràng, vai trò của nhân dân mang tính quyết định cho mọi cuộc cách mạng, là chìa khóa mở toang những cánh cửa, trở ngại mà tưởng chừng không thể nào mở được.

Có dịp lần giở những trang nghị quyết Đại hội Đảng Cộng sản Việt Nam qua các thời kỳ đều thấy Đảng ta rất coi trọng xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân. Ở một đất nước có nhiều dân tộc, làm sao giữ được nét riêng của từng dân tộc mà vẫn xây dựng và giữ gìn được bản sắc văn hóa chung của toàn dân tộc, là một công việc hết sức khó khăn, cực kỳ phức tạp. Đa dạng trong sự thống nhất, dân chủ và tập trung, Đảng ta đã dựa vào sức dân, huy động sức mạnh toàn dân tộc lãnh đạo cách mạng Việt Nam vượt qua muôn trùng khó khăn, thách thức, đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác.

Bước vào giai đoạn cách mạng mới - công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế, bài học xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc lại càng thiết thực. Theo đó, trước hết phải khơi dậy được tinh thần yêu nước, yêu dân tộc, tạo sự đồng thuận của toàn xã hội để thực hiện công cuộc bảo vệ và xây dựng đất nước. Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XI đã sáng rõ. Chương trình hành động của Chính phủ, nghị quyết của Quốc hội khóa XIII nhằm đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống đã sáng rõ. Vấn đề còn lại là phải làm sao tạo được sự đồng thuận của toàn xã hội, huy động được sức dân, biến các chủ trương, chính sách, nghị quyết ấy thành hiện thực.

Để nghị quyết của Đảng, chính sách của nhà nước trở thành hiện thực, đó là câu chuyện của việc áp dụng đồng bộ nhiều giải pháp. Nhưng thiết nghĩ, xây dựng nhà nước pháp quyền XHCN của dân, do dân, vì dân là khâu đột phá, mang tính vừa cấp bách vừa lâu dài.

Trong buổi lễ nhậm chức mới đây tại kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa XIII, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã nhấn mạnh: Tập trung xây dựng hệ thống hành chính nhà nước, trước hết là Chính phủ trong sạch vững mạnh, bảo đảm quản lý thống nhất, hiệu lực, hiệu quả, góp phần xây dựng nhà nước pháp quyền XHCN của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân. Và, ngay sau đó các thành viên Chính phủ đã khởi động nhiệm kỳ của mình bằng những chương trình hành động theo hướng thiết thực vì dân.

Chính phủ mới, sức mạnh mới, chúng ta đang chờ đợi những lời hứa trước quốc dân, đồng bào ấy trở thành sự thực.

Bài học từ Cách mạng Tháng Tám - cuộc cách mạng long trời lở đất cách đây đúng 66 năm vẫn còn nguyên giá trị.

Trần Thế Tuyển

Tin cùng chuyên mục