Bài học lắng nghe nhân dân

Vừa qua, có một số vụ việc thể hiện tinh thần lắng nghe tiếng nói người dân, được dư luận quan tâm, ủng hộ.

Vừa qua, có một số vụ việc thể hiện tinh thần lắng nghe tiếng nói người dân, được dư luận quan tâm, ủng hộ.

Đó là việc lấy ý kiến của người dân về thiết kế đầu máy, toa xe tuyến metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên (TPHCM). Dù đa số người đến xem và cho ý kiến chưa từng đi metro, nhưng với mong muốn riêng, cùng với tinh thần trách nhiệm của người dân TP, đã có nhiều ý kiến được những người tổ chức đánh giá cao và cho biết sẽ xem xét sửa chữa. Xét cho cùng, nhà đầu tư hoàn toàn có quyền thực hiện theo cái mẫu chung (của các tuyến metro trên thế giới) và theo ý riêng của mình, nhưng việc trưng cầu ý kiến đã thể hiện sự tôn trọng người dân, những chủ thể sẽ sử dụng phương tiện giao thông này trong nay mai, đồng thời để có cái nhìn khách quan, toàn diện về công trình, nhằm có thể đáp ứng được nhu cầu của người dân một cách tốt nhất.

Sau vụ đình công của một số công nhân để nêu ý kiến về Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014, Chính phủ và nhiều ban ngành đã tích cực tuyên truyền, giải thích với công nhân về những điểm tiến bộ của Luật Bảo hiểm xã hội 2014, đồng thời lắng nghe ý kiến, nguyện vọng của công nhân. Sau đó, Chính phủ đã tuyên bố sẽ kiến nghị Quốc hội xem xét điều chỉnh một số quy định của luật này cho phù hợp với thực tiễn và nguyện vọng chính đáng của công nhân theo hướng linh động.

Trước đó nữa, Chính phủ đã thực sự cầu thị trong việc lắng nghe ý kiến của nhân dân về việc đăng cai ASIAD 2019, sau cùng đã có quyết định rút lại quyền đăng cai, dù trước đó đã trải qua một cuộc cạnh tranh để có được quyền này từ Ủy ban Olympic châu Á. Trong vụ việc này, tiếng nói của dư luận, công luận (đặc biệt là báo chí) được thể hiện khá mạnh mẽ, với sự phân tích, lý giải khá xác đáng, gắn với điều kiện thực tế về kinh tế - xã hội của nước ta cũng như từ kinh nghiệm của một số nước khác đã từng đăng cai các giải thể thao lớn.

Có thể thấy rằng người dân ngày càng ý thức hơn trong việc tham gia đóng góp, xây dựng đất nước, xây dựng cộng đồng. Không phải chỉ với những vấn đề gắn chặt với lợi ích riêng thì người dân mới lên tiếng, cả với những vấn đề có liên quan đến lợi ích chung, đến sự phát triển của đất nước, của địa phương… Chẳng hạn, ở TPHCM vừa qua, dư luận cũng thể hiện quan điểm khá rõ liên quan đến việc đốn một số cây xanh phục vụ việc xây dựng tuyến metro số 1, hay việc phá dỡ một phần tòa nhà Thương xá Tax, việc chọn màu sơn tòa nhà Bưu điện TPHCM… Những ý kiến này sau đó được các cơ quan chức năng ghi nhận một cách nghiêm túc. Mới nhất là Bưu điện TPHCM sau khi nghe tư vấn của các chuyên gia đã tổ chức sơn lại tòa nhà cho gần giống với màu đã ăn sâu vào tiềm thức của người dân, đồng thời cho phù hợp với cảnh quan chung của các công trình kiến trúc ở khu vực này. Như vậy, rất nhiều ý kiến phản biện của người dân, của các tổ chức đã được lắng nghe, xử lý.

Rõ ràng, với trình độ nhận thức ngày càng nâng cao của người dân, cũng như vai trò làm chủ của người dân ngày càng được thể hiện rõ, cùng với sự tham gia chủ động, tích cực của các cơ quan truyền thông, kể cả mạng xã hội, các cơ quan chức năng phải luôn ý thức rằng việc lắng nghe ý kiến của người dân là một yêu cầu cần thiết. Lắng nghe không phải là một “thủ thuật” nhằm hoàn tất một quy trình ban hành quyết sách, quyết định, mà phải là một công đoạn chính thức để quyết sách, quyết định đó thực sự hợp lý, thực sự đáp ứng được nguyện vọng của người dân. Do đó, lắng nghe phải bằng tâm thế thực sự thành tâm, cầu thị, tôn trọng nhân dân; lắng nghe để hoàn thiện hơn, để phục vụ nhân dân tốt hơn; lắng nghe đồng thời với việc chấp nhận chỉ trích, phản biện, nhất là các ý kiến xác đáng; lắng nghe gắn với tâm thế sẽ phải điều chỉnh, khắc phục, sửa chữa nếu quyết định đó, hoặc dự thảo đó có điểm chưa hợp lý, chưa phù hợp.

Qua các vụ việc vừa rồi, lắng nghe thực sự là một bài học đối với nhiều cơ quan chức năng, kể cả cơ quan có quyền lực rất cao là Quốc hội, Chính phủ. Dẫu biết rằng ở nước ta, việc tôn trọng ý kiến của nhân dân, tôn trọng quyền làm chủ của nhân dân là một quan điểm thống nhất và xuyên suốt, nhưng trong quá trình điều hành thực tế, có lúc, có nơi, có cơ quan đã xem nhẹ điều này, dẫn đến việc ban hành một số quyết định chưa hợp lòng dân. Qua các bài học gần đây, cần thiết phải thực sự xem trọng việc lắng nghe ý kiến của nhân dân, nhất là với các quyết sách có liên quan đến lợi ích của đông đảo người dân. Đó thực sự là một biện pháp phát huy quyền làm chủ của người dân, là một biện pháp an dân.

VÂN TÂM

Tin cùng chuyên mục