Nếu nói thể thao Việt Nam thất bại nặng nề tại Asiad có thể vô tình làm hỏng đi hình ảnh tuyệt vời của điền kinh Việt Nam. Những VĐV Việt Nam thực sự đã làm nhiều nước châu Á thán phục khi thành công trên đường chạy, ở những nội dung cực khó của môn “thể thao nữ hoàng”.
Cần nhìn nhận rằng, Asiad 16 đã trở thành một bài học lớn, đặc biệt quan trọng đối với thể thao nước nhà. Nó là dấu hiệu cho thấy một chu kỳ thành công kể từ năm 2003 đang sắp kết thúc do sức ép thành tích nên thay vì đầu tư chiều sâu lại phát triển dàn trải quá mức hòng tìm kiếm số lượng huy chương. Tuy nhiên, cũng từ Asiad 16, có thể khẳng định nếu có định hướng đúng, thể thao Việt Nam vẫn tạo được chỗ đứng ở đấu trường đẳng cấp cao.
Hơn phân nửa số HCV mà đoàn Việt Nam bị “hụt” đến từ các môn ít tính phổ biến như Wushu, cầu mây. Các môn này chỉ có vài nước đăng ký tranh tài và không khó để những quốc gia sản sinh ra môn chơi đó đoạt vị trí số 1. Tại Asiad 16, đội cầu mây Việt Nam chỉ cần thắng 2 trận đã vào đến chung kết nhưng cứ gặp Thái Lan là thua.
Nếu sa đà vào việc cố gắng đầu tư cho những môn như vậy thì thể thao Việt Nam khó gặt hái được gì. Như ở môn cầu mây, lứa của Lưu Thị Thanh chia tay là xem như Việt Nam phải làm lại từ đầu. Trong khi đó, dù là môn thi đấu Olympic, đã từng đoạt HCV Asiad, HCB Olympic nhưng Taekwondo Việt Nam ngày càng kém hơn do thiếu lực lượng kế thừa vì không còn được đầu tư trọng tâm.
Tại Asiad lần này, lần đầu tiên Việt Nam có huy chương ở môn điền kinh, mà lại đoạt đến 3 HCB, 2 HCĐ ở những nội dung mà bất cứ quốc gia nào cũng khao khát có thành tích. Có được những chiếc huy chương quý giá ấy là cả quá trình phấn đấu hơn 5 năm của mỗi VĐV, không hề phụ thuộc vào may rủi. Nói cách khác, thành công của điền kinh là dẫn chứng sống động nhất cho thấy, nếu đầu tư một cách chuyên sâu, chúng ta hoàn toàn có được những thành tựu mà mới vài năm trước còn xem đấy là giấc mơ.
Cử đi lực lượng đông nhất, thi đấu nhiều môn nhất nhưng lại có ít HCV nhất trong thập niên phát triển tốt nhất quả đúng là cả một vấn đề nghiêm trọng cần được đánh giá kỹ lưỡng. Sự phát triển ồ ạt về số lượng vừa ngốn tiền ngân sách vừa làm giảm đi sự đầu tư cho những môn có tiềm năng và phổ biến. Thông thường, càng là những môn ít phổ biến lại càng phải tập trung VĐV lâu hơn để có cơ hội tập luyện chung trong khi những môn như cầu lông, điền kinh, bóng bàn… đều đã xã hội hóa rộng rãi. Nghĩa là chúng ta đang lãng phí tiền ngân sách chỉ vì không định hướng dài hơi và có trọng tâm cho nền thể thao nước nhà.
VIỆT TÂM