Đánh giá về tác động của Chỉ thị 58 “Về đẩy mạnh ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin, phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa” cũng như sự phát triển vượt bậc của thị trường viễn thông Việt Nam, nhiều chuyên gia khẳng định: viễn thông chính là lĩnh vực mở cửa thành công nhất của nền kinh tế Việt Nam trong 10 năm qua.
Từ là dịch vụ xa xỉ, đắt đỏ, điện thoại di động và internet đã trở thành hàng hóa bình dân, được phổ cập mọi tầng lớp xã hội và khá toàn diện trên đất nước, kể cả những vùng hẻo lánh, vùng sâu, vùng xa. 10 năm trước, không ai nghĩ những người chạy xe ôm, bán rau, phụ hồ, nông dân... có thể được sử dụng điện thoại thì bây giờ chiếc điện thoại di động đã trở thành vật dụng quá bình thường và hữu ích trong cuộc sống của họ. 10 năm trước, ít ai dám nghĩ ở tận quần đảo Trường Sa hay vùng biên giới Hà Giang xa xôi lại có internet và điện thoại di động thì hiện nay những điều đó đang hiện hữu và trở thành một điều đương nhiên của cuộc sống. Ngay việc điều hành hoạt động của các doanh nghiệp từ nhỏ đến lớn, rồi của các cơ quan Nhà nước từ trung ương đến địa phương hiện nay cũng phụ thuộc rất nhiều vào các dịch vụ viễn thông, nhất là internet.
Dịch vụ phổ cập rộng khắp, cước dịch vụ thấp, giá thành thiết bị đầu cuối rẻ giúp người dân được hưởng thụ những dịch vụ công nghệ cao đó. Chưa hết, theo Bộ TT-TT, năm 2009, công nghiệp CNTT và viễn thông đạt doanh thu hơn 13 tỷ USD (chiếm 11% GDP cả nước) thực sự trở thành một trong những ngành kinh tế chủ lực của nền kinh tế quốc dân.
Theo TS Mai Liêm Trực (nguyên Thứ trưởng Bộ Bưu chính - Viễn thông, nay là Bộ TT-TT), bài học lớn nhất trong việc mở cửa và phát triển của thị trường viễn thông Việt Nam trong 10 năm qua là ý chí của những người lãnh đạo. Được xem là một lĩnh vực nhạy cảm, bị nhiều người phản đối quyết liệt khi đặt ra chuyện mở cửa thị trường. Thế nhưng, với quyết tâm chính trị cao và hướng tới lợi ích của người dân, chúng ta đã thành công trong việc mở cửa, tạo ra sự cạnh tranh bình đẳng giữa các doanh nghiệp. Đó là chưa kể việc Việt Nam đang dần trở thành một trong những nước có nền viễn thông phát triển, hiện đại của thế giới...
Nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, sự thành công của việc mở cửa thị trường viễn thông Việt Nam cũng như sau 10 năm thực hiện Chỉ thị 58 cần có sự đánh giá, tổng kết, toàn diện nhằm rút ra những bài học cần thiết không chỉ đối với lĩnh vực viễn thông mà còn đối với những ngành kinh tế khác. Điều đó sẽ giúp ích rất nhiều cho các cơ quan chức năng trong việc hoạch định chính sách trong bối cảnh hội nhập kinh tế toàn cầu, cũng như mục tiêu công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước của chúng ta.
TS Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Trung ương cho rằng, khi thị trường mở cửa, các ngành gia nhập đều có những điều kiện nhất định. Về bản chất, chúng ta cần một nền công nghiệp, cần một sự cạnh tranh với thế giới, cần có sự hiện diện của các doanh nghiệp Việt Nam trong chuỗi của sản phẩm đó. Trong quan hệ so sánh với thị trường ô tô, điện, dược phẩm, hàng điện tử, tài chính... thì thị trường viễn thông và cách mở cửa thị trường viễn thông đã đi đúng hướng. Các doanh nghiệp viễn thông đã tham gia thị trường một cách có điều kiện.
Thị trường viễn thông ngày càng mở rộng và càng ngày có sự cạnh tranh quyết liệt, đúng theo quy luật của thị trường. Nhưng điều quan trọng nhất là giá cước các dịch vụ viễn thông ngày càng rẻ, dịch vụ phong phú và chất lượng ngày tốt hơn; đồng thời các doanh nghiệp Việt Nam ngày càng lớn mạnh, làm chủ thị trường cũng như từng bước vươn ra thế giới. Đó là chuyện mà không phải ngành kinh tế Việt Nam nào cũng làm được, dù đã thực hiện việc mở cửa thị trường.
Trần Lưu