Mất ròng rã 7 năm nộp hồ sơ, đàm phán và đáp ứng các điều kiện đặt ra của nước sở tại, chôm chôm Việt Nam mới được cấp phép nhập khẩu vào thị trường New Zealand. Đối với thị trường Mỹ, mất đến 10 năm đàm phán, quốc gia này mới mở cửa cho Việt Nam xuất khẩu trái vú sữa. Tính đến nay, rau quả Việt Nam đã có mặt ở 60 quốc gia và vùng lãnh thổ, nhưng các thị trường cao cấp, khó tính chỉ chiếm khoảng 10% thị phần!
Theo Bộ Công thương, kim ngạch xuất khẩu năm 2018 của rau quả có khả năng cán đích 4 tỷ USD, vượt qua cả dầu thô, nhưng giá trị cạnh tranh vẫn rất thấp và khâu bảo quản vẫn là điểm yếu cơ bản của ngành rau quả nước ta. Hiện nay, Việt Nam xuất sang Mỹ số lượng lớn nhất vẫn là nhãn và thanh long vì 2 loại trái này có thời gian bảo quản tương đối dài. Trái nhãn bảo quản được 45 ngày, thanh long được 30 ngày. Tuy vậy, với thời gian ấy, nhãn và thanh long sang Mỹ bằng tàu biển cũng chỉ đến được những bang gần, không đủ thời gian tới những bang xa hơn. Trong khi đó, chôm chôm với thời hạn bảo quản chỉ khoảng một tuần, nếu xuất sang Mỹ buộc phải đi máy bay, mà giá cước máy bay rất cao, khiến cho xuất khẩu chôm chôm sang Mỹ bị hạn chế khá nhiều. Còn trái vải gần như không còn được các doanh nghiệp xuất khẩu sang Mỹ do thời gian bảo quản quá ngắn.
Ở chiều ngược lại, nhiều loại trái cây nhập khẩu vào nước ta từ Mỹ, Nhật Bản, Australia, New Zealand… đang bày bán trong các siêu thị đều tươi ngon và có giá khá cao, thậm chí phải đặt hàng trước mới mua được (kim ngạch 11 tháng vừa qua là 1,57 tỷ USD). Một chùm nho Ruby Roman nhập từ Nhật (khoảng 30 trái) có giá hơn 11 triệu đồng; một quả xoài đỏ khoảng nửa ký có giá 1,7 triệu đồng; dưa lưới Nhật 2,5 triệu đồng/trái nhưng vẫn “cháy” hàng. Nghịch lý nhất là quả cherry. Dù nhiều người vẫn biết đây là loài cây… mọc hoang ở nước ngoài, giá bình thường khoảng 1 USD/kg, nhưng khi nhập về Việt Nam, giá bán trung bình trên 400.000 đồng/kg. Mặc dù giá rất đắt nhưng người tiêu dùng trong nước vẫn chọn mua, vì sao? Vì lạ, ngon, hay tâm lý sính ngoại? Có lẽ là có đủ các lý do ấy, nhưng hơn hết là trái cây nước ngoài được nhập về Việt Nam hầu hết đều gắn mác “organic” (hữu cơ), quy trình trồng trọt đều bằng thủ công, sản phẩm đạt tiêu chuẩn an toàn, chất lượng cao nên người mua tin tưởng.
Thực tế cho thấy, bên cạnh những tiềm năng, lợi thế, hiện nay ngành sản xuất rau quả Việt Nam đứng trước không ít khó khăn, thách thức trước những quy định ngặt nghèo của nước sở tại về kiểm tra chất lượng, dịch bệnh, đóng gói…, nhất là công nghệ bảo quản. Nếu như Nhật Bản có công nghệ bảo quản đông lạnh tế bào, giữ được trái cây tươi lâu cả năm trời, chất lượng vẫn đảm bảo thì trái cây Việt Nam vẫn bảo quản theo phương pháp… giữ mát là chính. Hay như một số quốc gia yêu cầu phải chiếu xạ, mà nước ta chỉ có một nhà máy chiếu xạ ở TPHCM, thì việc vận chuyển từ các vùng miền khác về để chiếu xạ mất rất nhiều thời gian và làm đội chi phí, hiệu quả không cao.
Có thể thấy, thành công của xuất khẩu rau quả năm 2018 là rất lớn. Đây được coi là kỳ tích của quá trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp khi chỉ cách đây vài năm, xuất khẩu rau quả là lĩnh vực yếu kém của nông nghiệp. Nhờ sự linh hoạt trong xoay trục tăng trưởng, chuyển ưu tiên từ lúa gạo sang trái cây, thủy sản, cộng với sự vào cuộc của các địa phương trong việc vận động nông dân sản xuất an toàn, thu hút đầu tư của doanh nghiệp, nhiều loại trái cây của Việt Nam như thanh long, xoài, chôm chôm, chanh leo, nhãn, vải… đã được các thị trường khó tính chấp nhận.
Các chuyên gia trong ngành nông nghiệp cho rằng, thời gian tới, rau quả Việt Nam xuất khẩu có thể sẽ phải cạnh tranh với các sản phẩm cùng loại tại các thị trường truyền thống. Để đẩy mạnh xuất khẩu, ngành rau và trái cây cần tiếp tục rà soát quy hoạch nhằm ổn định nguồn cung, tăng cường chuỗi liên kết, thu hút sự tham gia tích cực hơn của doanh nghiệp. Muốn xuất khẩu thành công một loại trái cây thì phải quy hoạch thành vùng chuyên canh lớn, thực hiện đúng các tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP để đáp ứng đúng yêu cầu của các nước nhập khẩu về truy xuất nguồn gốc, kiểm dịch thực vật, an toàn thực phẩm, đồng thời phải phát triển công nghệ bảo quản trái cây để giữ được lâu mà vẫn đảm bảo chất lượng.
Bên cạnh đó, Chính phủ cần xem xét việc đầu tư kho lạnh, cơ sở đóng gói và cơ sở chiếu xạ đủ tiêu chuẩn tại vùng trồng để giảm chi phí cho doanh nghiệp; hàng không Việt Nam nên trợ giá cước vận chuyển cho doanh nghiệp xuất khẩu, đồng thời Cục Bảo vệ thực vật và ngành nông nghiệp các địa phương cần hướng dẫn nông dân cách làm mới hiệu quả và tuân thủ quy định tiêu chuẩn chất lượng của nhà nhập khẩu.
Về phía các doanh nghiệp, cần tổ chức liên kết sản xuất theo nhu cầu và bám sát theo tiêu chuẩn, yêu cầu chất lượng, an toàn thực phẩm của các thị trường nhập khẩu. Đặc biệt, doanh nghiệp trong ngành rau quả cần tiếp tục chú trọng phát triển, ứng dụng các quy trình công nghệ bảo quản trái cây sau thu hoạch, chế biến sâu để duy trì và đẩy mạnh xuất khẩu sang các thị trường khó tính như EU, Mỹ, Australia, Nhật Bản, Hàn Quốc…