Bài toán giảm tải

Hôm qua, ngày 22-11, trong phiên trả lời chất vấn trước Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Quốc Triệu đã chính thức bác bỏ nguồn tin không chính xác rằng ông đã đưa ra lời hứa khắc phục tình trạng 2, 3 người bệnh nằm chung một giường… trong khoảng từ 2 đến 3 năm. Với tinh thần trách nhiệm, người đứng đầu ngành y tế đã khẳng định ông chỉ mong giải quyết cảnh nằm ghép “sớm ngày nào tốt ngày đấy” để giảm bớt nỗi khổ tâm của người bệnh và xã hội nói chung. Và từ cái giường bệnh phải nằm đầu chân xuôi ngược - gây ra những hiểu lầm không đáng có này - mới thấy công việc giảm tải các cơ sở y tế là hết sức khó khăn, cần thời gian, sự kiên nhẫn và nỗ lực chung.

Không thể phủ nhận công sức của ngành y tế trong nỗ lực chống quá tải khi dân số tăng theo cấp số nhân thì cũng đã gắng sức tăng số giường bệnh theo kịp cấp số cộng: Nếu 2 năm trước đây có 15.000 bệnh nhân phải nằm ghép giường thì nay đã giảm quá nửa, còn 6.000 người, tức là tăng thêm hơn 32.000 giường bệnh, bằng khoảng 40 bệnh viện cỡ trung bình. Trong bối cảnh chúng ta phải căng sức trên nhiều mặt trận, nguồn kinh phí rót cho ngành y tế cũng còn hạn hẹp và chậm giải ngân.

Từ đó, giải pháp xây thêm bệnh viện mới gặp nhiều khó khăn và tăng thêm giường bệnh ở các bệnh viện, nhất là tuyến trên, chủ yếu cũng nhờ sự “cơi nới” cơ sở điều trị sẵn có, cũng như giảm diện tích khu hành chính, tăng diện tích khu điều trị… Và cái gì “chắp vá” thì tất yếu là không bền vững, mang tính nhất thời thể hiện qua một báo cáo chính thức của Bộ Y tế ghi nhận sự “sống chung với quá tải”: Tại các bệnh viện tuyến TƯ, công suất sử dụng giường bệnh từ 200% đến 250%. Tình trạng quá tải xảy ra ở các bệnh viện tuyến TƯ là gần 150%, tuyến tỉnh là 125%, huyện là 115%. Điều đáng nói là “quá tải” cũng có… năm, bảy đường “quá tải” và cũng có năm, bảy cách “giảm tải”.

Thứ nhất là quá tải dân số, muốn giảm thì chỉ có cách… đặt vòng, triệt sản cũng như thực hiện các biện pháp kế hoạch hóa gia đình. Phải nói đây là áp lực rất lớn đối với ngành y tế khi phải cấp phát tới 30 triệu thẻ khám chữa bệnh miễn phí đối với các đối tượng nghèo, trẻ dưới 6 tuổi, đồng bào dân tộc và các diện chính sách ưu tiên. Và khổ ở chỗ “GDP cá nhân” càng thấp thì lại càng nhiều bệnh và càng siêng đi chữa bệnh (thống kê cho thấy tần suất chữa bệnh ở nhóm này cao gấp 1,5 lần nhóm phải đóng tiền bảo hiểm y tế).

Thứ hai, muốn giảm tải sức ép với cơ sở y tế thì phải nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, giảm hợp lý số ngày chữa bệnh và muốn vậy tất nhiên là phải chẩn bệnh đúng, mà muốn có phải phụ thuộc vào tay nghề “dao kéo” của đội ngũ y, bác sĩ. Và nói thật bài toán chất lượng nguồn nhân lực là nan giải không chỉ riêng đối với mảng y tế. Thực tế cho thấy chỉ có các bệnh viện công lớn, bệnh viện có chuyên khoa sâu, đầu ngành mới bị quá tải! Tại những nơi này, người bệnh ùn ùn kéo đến dù chỉ được bác sĩ ngó qua vài giây. Câu hỏi đặt ra là họ thật sự cần cái gì trong sự chen chúc, vô cảm ở một môi trường “nhiễm khuẩn” đến vậy? Câu trả lời nhường cho bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc, khi ông nói rằng cái chính là người ta cần sự yên tâm. Thà cực khổ mà yên tâm. Và một lời “phán” của thầy thuốc giỏi, có kinh nghiệm cũng làm nhẹ người, còn hơn là tuyến “dưới” dù có khám chi tiết, khám tỉ mẩn cả ngày mà vẫn không tìm trúng bệnh.

Như thế câu hỏi đặt ra trong “giảm tải” là làm sao thu hẹp khoảng cách về chất lượng khám, chữa bệnh giữa các cơ sở y tế tuyến trên và tuyến dưới? Đó là câu hỏi mang tính đánh đố vì ai cũng biết chắc dù có đầu tư bạc tỷ cả về trang thiết bị lẫn nguồn nhân lực thì điều trị chuyên sâu ở tuyến dưới vẫn thua đứt tuyến trên.

Và dường như biết rõ tình hình, Bộ Y tế mới chỉ dám thực hiện “phác đồ” cử cán bộ y tế chuyên môn đi luân phiên, hỗ trợ cho tuyến dưới. Và dù kết quả công bố sau 2 năm thực hiện cách làm “cầm tay chỉ việc” này - còn gọi là Đề án 1816 - là giảm được 30% bệnh nhân chuyển tuyến tại các cơ sở được hỗ trợ, thì đó cũng chỉ là giải pháp tình thế, mới giải quyết phần ngọn của vấn đề “quá tải”. Vì thực tế cho thấy sau khi các bác sĩ đầu ngành rút đi, các cơ sở y tế tuyến dưới lại lâm cảnh “giường không, nhà trống” với các thiết bị y tế tối tân buộc phải trùm mền, và cái vòng luẩn quẩn quá tải - chuyển giao - luân phiên - quá tải lại lặp lại như cái vòng sinh, lão, bệnh, tử của đời người.

Muốn thoát sự quá tải, giải pháp then chốt nhất vẫn không nằm ngoài yếu tố con người. Điều đó được minh chứng qua thất bại của một số bệnh viện vệ tinh, khi mang “thương hiệu” của một bệnh viện mạnh vẫn tỏ ra yếu đuối trước bệnh tật và bão lốc thị trường. Người ta lý giải đúng nguyên do là thiếu bác sĩ giỏi, có uy tín trong nghề.

Một con số thống kê tương đối cho thấy tỷ lệ bác sĩ, điều dưỡng, dược sĩ/một ngàn dân của Việt Nam mới đạt gần 50% so với khuyến cáo của WHO (Tổ chức Y tế thế giới) và có tới 2/3 số cán bộ y tế ở trình độ cao đẳng, trung cấp. Và như vậy thì làm sao chúng ta có được một đội ngũ bác sĩ giỏi ở tuyến cơ sở để đủ sức sàng lọc các loại bệnh, để định hướng bệnh nào cần điều trị tại chỗ, bệnh nào phải chuyển đi, nhằm kéo giảm sự quá tải cho tuyến trên? Dĩ nhiên trong chuyện thu hút hiền tài này, chúng ta cần có sự đãi ngộ xứng đáng để người có chuyên môn chọn giải pháp “3 cùng” ở lại với tuyến dưới, chứ không phải “luân phiên” dăm ba bữa lại nhấp nhổm trở về với “trên”.

Tại Thái Lan, nếu lương của bác sĩ tuyến thành phố là 800 USD, thì ở tuyến quận huyện là 1.000 USD và ở vùng sâu, vùng xa tới 1.200 USD hoặc cao hơn. Đó là cách “giảm tải” hữu hiệu mà chúng ta cần học hỏi. Còn khá nhiều phương án khác như củng cố mạng lưới bảo hiểm, phát triển khu vực y tế tư nhân và nhất là giáo dục ý thức người dân. Muốn thế, lãnh đạo các địa phương phải làm gương đi… khám, chữa bệnh và điều trị tại cơ sở y tế của địa bàn mình quản lý, chứ không phải bệnh gì cũng đưa lên tuyến trên… Và thật sự chúng ta cần sự nỗ lực chung của các ngành, các cấp, của toàn cộng đồng nhằm chia sẻ bài toán quá tải với ngành y tế.

B. AN

Tin cùng chuyên mục