Bài toán khó của nông dân

Đã hơn 10 năm trở lại đây, kể từ khi hạt gạo Việt Nam có vị trí trên thị trường thế giới, sản lượng sản xuất và xuất khẩu lúa gạo tăng đều, ngành nông nghiệp quốc gia từng bước được hiện đại hóa, nông dân lại thường xuyên đối mặt với khó khăn. Đây quả là một nghịch lý.

Năm nào cũng vậy, cứ vào mùa thu hoạch 2 vụ lúa chính ở ĐBSCL (đông-xuân và hè-thu), câu chuyện cây lúa - hạt gạo lại nóng lên, tập trung quanh chuyện giá mua, giá bán, giá thành, lời lỗ.

Đầu tiên là giá thành sản xuất. Quyết định số 140/TTg năm 1997 quy định chủ tịch UBND tỉnh là người công bố giá mua lúa ngay từ đầu vụ. Sau này, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Tài chính công bố giá thành sản xuất nhưng đến thời điểm hiện tại, có nơi do địa phương công bố, có nơi chưa và Bộ Tài chính vẫn… chưa tính xong giá thành lúa đông-xuân trong khi lúa hè-thu sắp sửa thu hoạch.

Riêng Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) tự công bố giá thành và thu mua lúa theo… giá thành mà mình công bố.

Giá bán lúa cũng vậy. Nông dân là người sản xuất ra hạt lúa nhưng chưa bao giờ họ được định giá sản phẩm do mình làm ra. Ngược lại, họ phải bán theo giá do VFA đưa ra. Thực tế trong những vụ lúa vừa qua, khi nông dân thu hoạch lúa (cuối năm 2009), VFA nói không có thị trường, VFA hạ giá thu mua lúa. Khi nông dân vừa hết lúa, VFA nói có thị trường và giá gạo thế giới lên cao, VFA xuất khẩu gạo giá cao. Sang năm 2010, khi nông dân thu hoạch lúa, VFA nói không có thị trường, lại giảm giá để mua lúa dự trữ.

Theo chủ trương của Chính phủ, doanh nghiệp thu mua lúa phải đảm bảo nông dân “có lời 30%”. Theo đó, giá thu mua lúa bằng chính giá thành cộng với khoản lời này. Theo cách tính của một nông dân ở Đồng Tháp, nếu 1kg lúa có giá thành 2.200 đồng (theo cách tính của VFA), cộng với 30% lời theo quy định (660 đồng), tính ra giá bán lúa là 2.860 đồng/kg. Tuy nhiên, trong thực tế, giá thành sản xuất cao hơn cách tính của VFA nhiều, và giá mua lúa tại kho của VFA cũng cao hơn một chút.

Vụ hè-thu năm 2009, VFA mua lúa tại kho là 3.800 đồng/kg, giá lúa tại ruộng khoảng 3.300 đồng/kg. Nếu theo cách tính giá thành của VFA, 1kg lúa nông dân sẽ lãi khoảng 440 đồng/kg. Tuy nhiên, thực tế giá thành của vụ hè-thu, theo cách tính của nông dân và của các chuyên gia là 2.900 đồng/kg. Nếu lãi khoảng 30% nữa (870 đồng/kg), giá bán phải là 3.770 đồng. Tính ra, nông dân bị lỗ 470 đồng/kg.

Trong thực tế, không phải vụ sản xuất nào nông dân cũng bị lỗ. Thông thường, vụ lúa đông-xuân nông dân thường có lời. Nhưng khoản lời theo cách tính giá thành chênh lệch như vậy không đáng là bao so với công sức đã bỏ ra. Thêm nữa, đầu vụ giá lúa có thể là 4.000 đồng/kg, nông dân đã bán hết ngay vì họ không có điều kiện tạm trữ. Đến khi cuối vụ, giá lúa lên khoảng 5.000 - 5.500 đồng/kg thì khoản lời này đã rơi vào nhóm trung gian (thương lái, doanh nghiệp).

Nói rõ hơn, căn cứ vào giá lúa trên thị trường so với giá thành, ai cũng thấy là nông dân được lời cao. Nhưng thực tế, khoản lời này không nằm trong túi nông dân mà nằm trong túi thương lái và doanh nghiệp.

Tóm lại, từ thực tế ngành lúa gạo cho thấy chính VFA ấn định giá thu mua lúa trong nước, rồi VFA tìm kiếm thị trường xuất khẩu gạo, VFA ký hợp đồng xuất khẩu gạo, VFA ấn định giá bán gạo xuất khẩu.

Nông dân là người sản xuất ra hạt lúa, nhưng chẳng tính được gì ngoài nỗi lo mùa màng thất bát, túng thiếu, khó khăn, đau ốm, bệnh tật… Đây mới chính là bài toán khó của nông dân!

Trần Minh Trường

Tin cùng chuyên mục