“Bấm gân tay” nhận con nuôi

“Bấm gân tay” nhận con nuôi

Người ta thường nói “bấm đầu ngón tay” để tính một việc gì đó, làm một việc gì đó... Nhưng ở đây, nhân vật của bài viết này lại có cách nói vui là “bấm gân tay” với cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng, bởi anh mang bệnh phong. Bị bệnh đã là một nỗi khổ, nỗi vất vả cho chính bản thân mình, nhưng người đàn ông dân tộc Thanh này - cùng với vợ cũng là người “đồng bệnh”, dân tộc Thái - đã cưu mang những đứa trẻ không nơi nương tựa, nuôi cho đến khi chúng “đủ lông đủ cánh bay đi” rồi “bấm gân tay” để tính ngày chúng về...…

Đồng vợ, đồng chồng

“Bấm gân tay” nhận con nuôi ảnh 1
Lộc Văn Giao nâng niu tấm ảnh của hai đức con mới gửi về.

Đầu xuân chúng tôi trở lại thăm Bệnh viện Phong da liễu Trung ương tại xã Quỳnh Lập, huyện Quỳnh Lưu (Nghệ An). Gặp lại chúng tôi, anh Lộc Văn Giao khoe ngay: “Tết ni hai đứa trong miền Nam không về, nhưng bọn hắn viết thư và gửi quà về”. Đó là anh Giao đang khoe về 2 đứa con nuôi hiện làm công nhân trong miền Nam.

Năm 1973, Lộc Văn Giao gặp Kim Thị Xuân ở Châu Cường (huyện Quì Hợp). Hai người từ “đồng bệnh” - nên gặp nhau tại nơi chữa trị, sau đó là “đồng lòng”, hiểu nhau rồi lấy nhau. Năm 1983, hai vợ chồng xuống Quỳnh Lập an cư. Cuộc sống gia đình đầm ấm nhưng anh chị không có con vì nhiều lý do. Một sự tình cờ như sắp đặt của số phận đã đến với đôi vợ chồng này.

Cách đây 23 năm, trong một đêm biển động dữ dội, nhà anh chị bỗng có tiếng gõ cửa. Một phụ nữ trẻ xưng tên là Mỳ và kể lể hoàn cảnh về mình rất thương tâm, muốn được nương nhờ tại nơi không mấy ai lui tới này. Nửa tin nửa ngờ, hai vợ chồng ngập ngừng nhưng thấy chị ta bụng mang dạ chửa nên đã chấp nhận.

Cảnh nhà vốn khó, hai anh chị phải làm thêm việc, ăn uống dè xẻn để chăm nuôi cho người đàn bà có sức sinh con. 3 tháng sau, sản phụ sinh một đứa con trai và chỉ được 4 ngày, chị ta đã bỏ trốn, để lại núm ruột đỏ hỏn cho hai vợ chồng tàn tật. Mọi người bảo vợ chồng Giao dễ tin người nhưng ai cũng hiểu và vun góp giúp nuôi đứa trẻ, mong âu đó cũng là cái phúc trời ban cho đôi vợ chồng này. Đứa bé được đặt tên là Lộc Kim Thiệp.

Ngày ngày, anh chị cố gắng tằn tiện, cuốc đất trồng rau đem bán… để có sữa cho đứa nhỏ. Mặc dù những ngón tay nhức buốt, nhưng anh Giao vẫn vác bộ đồ nghề mượn được ra ngoài quốc lộ 1 sửa xe đạp. Những công việc “góp nhặt” từ hai đôi bàn tay không còn lành lặn và tình thương yêu vô bờ đã nuôi cậu bé Thiệp khôn lớn, được đi học. Nhọc nhằn của vợ chồng anh Giao đã được đền đáp bằng sự ngoan ngoãn, chăm làm của cậu bé Thiệp.

Cuộc đời vẫn đẹp sao...

Rồi gia đình này có thêm hai thành viên. Năm 1991, trong một lần về quê ở Châu Hoàn (Quì Châu), vợ chồng anh Giao nghe chuyện về một cô bé mới 3 tuổi đã phải chịu nhiều bất hạnh. Bố chết, mẹ đi lấy chồng xa nên bé phải sống nay nhà này mai nhà khác ở trong vùng. Mặc dù đang rất khó khăn nhưng anh chị quyết tâm xin bé về nuôi và đặt tên là Lộc Thị Thiếp. Thêm một miệng ăn, vợ chồng Giao anh lại tiếp tục “bấm gân tay” bớt đi một chút nhu cầu của mình và làm thêm nhiều việc để nuôi hai đứa trẻ.

Chuyện chưa dừng ở đó, trong một lần về quê, Lộc Văn Giao lại gặp một cảnh ngộ éo le và thế là trong nhà có thêm Lộc Thị Thu. Lộc Kim Giao cười cười nhớ lại: “Đúng là khi nớ vợ chồng tôi khá liều, lỡ không nuôi được thì… Nhưng nghĩ cháu Thu đã mười lăm tuổi, nó cũng đã làm được ít việc, mang nó về ở cùng còn hơn để nó bơ vơ”.

Bây giờ cuộc sống của gia đình Lộc Kim Giao đã đỡ vất vả hơn nhiều. Cũng như những người có cùng hoàn cảnh, gia đình họ được sự quan tâm giúp đỡ của nhà nước, các tổ chức hảo tâm và cộng đồng. “Có điều kiện kinh tế, vợ chồng tôi càng muốn có thêm con, chỉ sợ không còn sức. Giờ vắng con nít thì buồn lắm” - Lộc Kim Giao tâm sự.

Sau khi 3 đứa con trước lớn lên thì vợ chồng họ lại về quê nhận ngay một đứa trẻ có hoàn cảnh đặc biệt khác. Cô bé tên là Lộc Thị Dương, hiện đang học lớp 9 Trường THCS Hoàng Mai. Mục tiêu của vợ chồng Giao là cho đứa con này học lên nữa vì “hắn ưng đi học”. Trong bức thư viết chung của 2 anh em Thiệp và Thiếp gửi về trong tết vừa qua, Lộc Văn Giao cứ đọc đi đọc lại cho chúng tôi nghe: “Các con nhớ bố, nhớ mẹ, nhớ em Dương…”. Rồi anh thở dài: “2 cái tết rồi chúng không về được”!

Chiều ở biển Quỳnh Lập sóng biển vỗ như gần hơn. Tôi chợt nhận ra một điều, khi nói về những đứa con, Lộc Văn Giao luôn hướng ra cửa như ngóng đợi, đôi tay không còn lành lặn nâng lên hạ xuống liên tục. Cụ Lê Văn Tứ, 87 tuổi - một trong vài vị cao niên ở Quỳnh Lập - cảm thán: “Cuộc đời chỉ mong có được nhiều người như vợ chồng hắn”.
 

Lê Duy Cường

Tin cùng chuyên mục