| |
Với tôi, trong những lần đi công tác vùng sâu vùng xa, ngoại trừ Trường Sa được xem “vùng xa” nhất thì hai bản Búng và Cò Phạt nằm giữa vùng lõi Vườn quốc gia Pù Mát thuộc xã Môn Sơn huyện Con Cuông tỉnh Nghệ An có thể là “vùng sâu” nhất…
Vùng sâu của vùng sâu
Theo lý thuyết, từ đập Phà Lài gần đồn Biên Phòng Môn Sơn, ngồi xuồng máy độ khoảng 4 giờ sẽ vào đến bản Búng. Nhưng thực tế, tùy tình hình thời tiết và mực nước của sông Giăng mà thời gian đi có thể ngắn hoặc dài hơn.
Rời khỏi đập Phà Lài độ chừng 15 phút thì đáy xuồng máy chở 5 người chúng tôi bắt đầu va vào đá kêu lạo xạo. Từ đó trở đi, cả 5 hành khách đều phải nhảy xuống nước, bấu chân vào đá đẩy thuyền vượt thác. Suốt chặng đường kéo dài hơn 4 giờ, số lần phải nhảy xuống nước đẩy thuyền không sao đếm xuể. Số kilômét đi bộ, bấu chặt chân vào đá sỏi trơn như bôi mỡ nhiều hơn quãng đường ngồi thuyền, chân tay ai nấy rã rời, quần áo hết ướt lại khô, hết khô lại ướt. Cái thú ngồi thuyền biến mất, chỉ cầu mong sao đến nơi…
Tuy nhiên, theo thiếu tá Ninh Công Chức, Trưởng ban Vận động quần chúng Bộ đội Biên phòng Nghệ An, hành trình mùa khô vất vả nhưng không nguy hiểm. Mùa mưa, lũ từ thượng nguồn đổ về sông Giăng cuồn cuộn như thác. Thuyền nhỏ, nước xoáy, lái thuyền non kinh nghiệm một chút xảy ra tai nạn như chơi.
Tháng 9-1996, một phóng viên trên đường vượt sông Giăng vào bản Búng, bất ngờ gặp mưa lũ tràn về, thuyền bị lật. Cả phóng viên và cán bộ văn hóa xã bị lũ cuốn, may mà được thiếu úy biên phòng Nguyễn Đình Thanh cứu kịp, nhưng sau đó chính anh Thanh lại bị nước lũ cuốn trôi, đến 3 ngày sau, đồng đội mới tìm được xác.
Đường thủy vượt sông Giăng vào bản Búng, Cò Phạt của tộc người Đan Lai ở vùng lõi Vườn quốc gia Pù Mát khó khăn nguy hiểm vậy, nhưng so với đường bộ vẫn “ưu việt” chán. Đường bộ, leo núi thạo như đồng bào dân tộc thiểu số và bộ đội biên phòng cũng phải mất 2 ngày ròng. Do vậy, cuộc sống của tộc người Đan Lai ở giữa rừng quốc gia Pù Mát gần như biệt lập. Rất nhiều người già chưa biết đến cái xe đạp và chưa một lần đặt chân vào trung tâm xã…
Nối rừng xa bằng tình gần
Cho đến thời điểm này, lịch sử tộc người Đan Lai sống tập trung ở bản Búng và Cò Phạt vẫn còn rất nhiều bí ẩn. Họ ở đâu đến và vì sao sống biệt lập giữa đại ngàn hoang dã? Có rất nhiều giả thiết nhưng chưa có một kết luận khả tín. Do đường sá khó khăn nên khách đến bản Búng vẫn chỉ đếm trên đầu ngón tay. Ngoài một số cán bộ lãnh đạo tỉnh, huyện, xã đến trong những chuyến thăm hỏi, thỉnh thoảng còn có các phóng viên báo đài và một số cán bộ các ngành... Còn lại, người vào ra bản Búng thường xuyên là bộ đội biên phòng.
Những năm trước, bộ đội biên phòng Nghệ An đã vận động bà con tộc người Đan Lai sống rải rác giữa rừng quốc gia Pù Mát về định cư tập trung ở hai bản Búng và Cò Phạt. Từ đó, ngoài nhiệm vụ tuần tra bảo vệ biên giới, bộ đội biên phòng Đồn 555 Nghệ An còn có nhiệm vụ khai hoang phục hóa, tổ chức sản xuất thử rồi hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt cho bà con vốn chỉ quen với tập quán săn bắt và hái lượm.
Hàng ngày, bộ đội biên phòng đến từng nhà thăm hỏi, nhắc nhở bà con ra đồng, lên rẫy làm việc. Người nào đau ốm, bộ đội cho thuốc uống. Trẻ con trốn học, bộ đội đến tận nhà tìm… Do vậy, muốn tìm hiểu thông tin về bản có bao nhiêu nóc nhà, bao nhiêu nhân khẩu, người già, người trẻ; tập quán sản xuất, sinh hoạt… cứ hỏi bộ đội biên phòng.
Đến nay, tộc người Đan Lai ở xã Môn Sơn huyện Con Cuông tỉnh Nghệ An đã có 164 hộ/787 khẩu sinh sống ở 2 bản Cò Phạt và bản Búng. Riêng bản Búng có 87 hộ. Từ việc ma chay cưới hỏi, mâu thuẫn gia đình, gia tộc đến những việc cụ thể như làm nhà, sửa đường, làm hố ủ phân hữu cơ… dân bản đều hỏi ý kiến hoặc nhờ bộ đội biên phòng giải quyết, giúp đỡ.
“Vào những tháng mưa lũ, không có thuyền, có lúc ở đây hầu như bị cô lập hoàn toàn. Lương thực thực phẩm thiếu, bộ đội đói nhưng ở trạm có gì ăn được, anh em cũng đều mang ra chia cho dân”, Thiếu tá Võ Văn Quỳnh, tổ trưởng tổ vận động quần chúng bản Búng cho biết.
Sau những lần khảo sát thực tế, chứng kiến vai trò không thể thay thế của bộ đội biên phòng ở “vùng sâu trong vùng sâu” này, tháng 11-2010, Ban Tổ chức Chương trình Nghĩa tình Trường Sơn Báo SGGP đã quyết định phối hợp với Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Nghệ An khởi công xây dựng một trạm xá phục vụ chăm sóc sức khỏe cho hơn 80 hộ dân Đan Lai ở bản Búng.
Công trình có tổng vốn đầu tư 1 tỷ đồng, do Tập đoàn Dệt may Việt Nam tài trợ, Bộ đội Biên phòng Nghệ An tổ chức thi công và sẽ cử y, bác sĩ quân đội trực tiếp quản lý, khám chữa bệnh thường xuyên cho bà con dân bản. Cùng với một phân hiệu trường tiểu học tại bản Búng, trạm xá của Chương trình Nghĩa tình Trường Sơn khi khánh thành sẽ là hai điểm sáng phúc lợi văn hóa xã hội giữa vùng sâu heo hút Trường Sơn này.
Cuối năm 2010, trong chuyến đi từ bản Búng ra, chúng tôi thấy xe ủi làm đường vào bản Búng đang ủi đất nham nhở. Và nghe nói, 2 cụm cấp nước, công suất hơn 12m³/giờ cho bản Búng và Cò Phạt cũng đang được triển khai… Hy vọng không bao lâu nữa, khi những công trình trên hoàn thành, bà con tộc người Đan Lai sẽ vĩnh viễn không còn bị cô lập giữa đại ngàn Trường Sơn như các thế hệ cha ông của họ.
Ngày 19-12-2006, Chính phủ đã có Quyết định 280/QĐ-TTg phê duyệt Đề án: ‘’Bảo tồn và phát triển bền vững tộc người thiểu số Đan Lai tại vùng lõi Vườn quốc gia Pù Mát huyện Con Cuông, tỉnh Nghệ An’’. Tuy nhiên, vì nhiều lý do quá trình triển khai đề án gặp nhiều khó khăn nên hiệu quả còn hạn chế. Từ thực trạng trên, Bộ Tư lệnh BĐBP đã chỉ đạo Bộ Chỉ huy BĐBP Nghệ An tiến hành khảo sát, đánh giá tình hình và trao đổi với lãnh đạo UBND huyện Con Cuông thống nhất ý kiến đề xuất và được Thường trực Tỉnh ủy, UBND tỉnh Nghệ An nhất trí giao cho BĐBP Nghệ An lập dự án hợp phần ‘’Bảo tồn và phát triển bền vững tộc người thiểu số Đan Lai hiện đang sinh sống tại bản Búng và bản Cò Phạt xã Môn Sơn’’. |
MAI HƯƠNG