Bản đồ cổ thu hút người xem

Sau khi thông tin về việc Bảo tàng Lịch sử Quốc gia Việt Nam tiếp nhận tấm bản đồ mang tên “Hoàng triều trực tỉnh địa dư toàn đồ” do triều Thanh- Trung Quốc xuất bản tại Thượng Hải năm 1904, trong đó chỉ rõ cực Nam Trung Quốc chỉ đến đảo Hải Nam, người dân nô nức tới bảo tàng, nơi trưng bày bằng chứng không thể chối cãi về chủ quyền của Việt Nam với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
Bản đồ cổ thu hút người xem

Sau khi thông tin về việc Bảo tàng Lịch sử Quốc gia Việt Nam tiếp nhận tấm bản đồ mang tên “Hoàng triều trực tỉnh địa dư toàn đồ” do triều Thanh- Trung Quốc xuất bản tại Thượng Hải năm 1904, trong đó chỉ rõ cực Nam Trung Quốc chỉ đến đảo Hải Nam, người dân nô nức tới bảo tàng, nơi trưng bày bằng chứng không thể chối cãi về chủ quyền của Việt Nam với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

Cứ liệu lịch sử đáng tin cậy

Không chỉ ở Hà Nội mà người nhiều địa phương lân cận đã liên tục đổ về Bảo tàng Lịch sử Quốc gia Việt Nam, mong muốn được tận mắt chứng kiến những bằng chứng rõ ràng khẳng định chủ quyền biển đảo của Việt Nam. Chính nhu cầu của người dân mong muốn được tiếp cận với những chứng cứ khoa học, có giá trị liên quan tới chủ quyền lãnh thổ của nước nhà, Bảo tàng Lịch sử Quốc gia Việt Nam đã lên kế hoạch khai thác và trưng bày tấm bản đồ này ngay từ chiều 27-7.

Theo chị Nguyễn Thị Tuyết, người lâu năm gắn bó với công tác truyền thông của bảo tàng, chưa có hiện vật nào có thời gian tiếp nhận và khai thác trưng bày ngắn kỷ lục như “Hoàng triều trực tỉnh địa dư toàn đồ”.

Ngay trong buổi sáng thứ bảy, ông Trần Sơn đã cùng những người bạn cựu chiến binh của mình ở Hoàng Mai - Hà Nội có mặt tại bảo tàng. “Thật quá bất ngờ và cũng thật rõ ràng về giá trị pháp lý của tấm bản đồ này. Tuy diện tích tấm bản đồ không lớn nhưng lại chuyển tải thông điệp phi thường. Chính tấm bản đồ cổ ấy một lần nữa lên tiếng khẳng định Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam, của chúng ta, chân lý đó không thể thay đổi”, người cựu binh già xúc động nói.

Chia sẻ tâm sự với những người cựu binh già, cô sinh viên Hồng Nhung, Trường Đại học Kinh tế quốc dân cho biết, ngay sau khi có thông tin về tấm bản đồ, cô đã đi xe buýt từ Gia Lâm sang bảo tàng để được tận mắt chứng kiến tấm bản đồ cổ này.

Bản đồ cổ thu hút sự quan tâm của nhiều người.

Bản đồ cổ thu hút sự quan tâm của nhiều người.

TS Mai Ngọc Hồng - người đã sưu tập được tấm bản đồ này - khẳng định rằng tấm bản đồ là sản phẩm được vua Khang Hy - Trung Quốc trực tiếp ra lệnh thực hiện. Trong suốt 196 năm liên tục chỉnh sửa, huy động lực lượng giáo sĩ, các nhà khoa học, nhà thiên văn và toán pháp, tấm bản đồ mới được hoàn thiện... Bởi thế, có thể khẳng định, đây là một cứ liệu lịch sử rất đáng tin cậy. Điều này, thật vô cùng ý nghĩa bởi lẽ tấm bản đồ thêm một lần nữa khẳng định những đòi hỏi của Trung Quốc trên biển Đông trong thời gian gần đây là hoàn toàn vô lý và vô căn cứ.
 
Còn nhiều bằng chứng chân lý

Khẳng định giá trị, tư liệu lịch sử rõ ràng của “Hoàng triều trực tỉnh địa dư toàn đồ” của Trung Quốc, nhà sử học Dương Trung Quốc cho rằng thông tin này là yếu tố quan trọng khi xác lập chủ quyền lãnh thổ, đặc biệt là trong các trường hợp có tranh chấp.

“Theo tấm bản đồ năm 1904, bản đồ của Trung Quốc vẫn luôn chỉ ra cực Nam của nước này đến đảo Hải Nam, trong khi đó, từ năm 1834, trước thời điểm “Hoàng triều trực tỉnh địa dư toàn đồ” xuất bản 70 năm, các bản đồ của Việt Nam đã thể hiện chủ quyền rõ ràng với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa”, ông Dương Trung Quốc khẳng định. Theo ông, việc tìm kiếm, sưu tầm bản đồ Việt Nam những năm về trước là có thể thực hiện được, bởi đất nước chúng ta nằm ở vị trí trọng yếu trên con đường vận tải biển, vì thế xuất hiện rất nhiều trên bản đồ hàng hải của các nước như Hà Lan, Pháp, Anh, Tây Ban Nha… Hơn thế, nhiều tư liệu quý hiếm có giá trị cao khẳng định lịch sử của đất nước vẫn còn nằm trong dân, được dân lưu giữ. Vì vậy, ông cũng mong muốn từ việc TS Mai Ngọc Hồng hiến tặng bản đồ này góp phần giúp người dân Việt Nam nhận thức sâu sắc hơn nữa về công tác thu thập các tài liệu, khẳng định chủ quyền biển đảo không chỉ ở trong nước mà còn ở nước ngoài.
 
Cùng quan điểm này, nhiều nhà khoa học, nhà sử học như TS Phan Văn Hoàng, nguyên Tổng Thư ký Hội Khoa học lịch sử TPHCM, cũng khẳng định rằng tài liệu về chủ quyền của Việt Nam với Hoàng Sa - Trường Sa có nhiều và xác đáng, nhưng chưa được hệ thống và công bố một cách quy củ. Hơn thế, việc tập hợp và hệ thống lại các tư liệu ấy nhằm cung cấp thông tin toàn diện và đầy đủ hơn với người dân trong nước và quốc tế những bằng chứng lịch sử rõ ràng về chủ quyền lãnh thổ của Việt Nam.
 
Chính từ sự kiện “Hoàng triều trực tỉnh địa dư toàn đồ” vừa được TS Mai Ngọc Hồng sưu tầm và hiến tặng bảo tàng sau 30 năm gìn giữ, chắc chắn trong thời gian tới, rất nhiều tư liệu quý trong người dân sẽ tiếp tục được công bố với mục đích làm dày thêm cơ sở và chứng cứ pháp lý, khẳng định hai quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam.

MAI AN

Tin cùng chuyên mục