Ngày 17-6, trong phiên họp dành riêng cho việc đề cử ứng cử viên Tổng Thư ký LHQ nhiệm kỳ 2012-2016, tất cả 15 nước thành viên Hội đồng Bảo an (HĐBA) LHQ đã nhất trí đề cử Tổng Thư ký đương nhiệm Ban Ki-moon tái cử nhiệm kỳ thứ hai. Sự đồng thuận này đã mở đường cho ông Ban Ki-moon tiếp tục có cơ hội nắm giữ vị trí cao nhất trong LHQ.
- Hậu thuẫn lớn
Ngay từ những ngày đầu tháng 6, Tổng thư ký LHQ Ban Ki-moon, 67 tuổi, đã tuyên bố tiếp tục tái tranh cử nhiệm kỳ 2. Không có ứng viên nào tuyên bố sẽ tham gia cuộc chạy đua vào chiếc ghế cao nhất của LHQ nên dư luận cho rằng đây chỉ là cuộc đua “độc mã” bởi không ai ngoài ông Ban nhận được sự ủng hộ cao của các cường quốc trong LHQ.
Theo giới quan sát, với sự đề cử của Hội đồng Bảo an và sự ủng hộ rộng rãi của các nước thành viên LHQ, Tổng Thư ký Ban Ki-moon chắc chắn sẽ tái đắc cử. Nhiệm kỳ hiện nay của ông sẽ kết thúc vào ngày 31-12 tới và dự kiến nhiệm kỳ tới sẽ bắt đầu từ ngày 1-1-2012.
Mỹ là quốc gia đầu tiên lên tiếng ủng hộ ông Ban Ki-moon. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Mark Toner cho biết, Nhà Trắng rất vui mừng trước kế hoạch tranh cử thêm nhiệm kỳ 2 của Tổng thư ký Ban Ki-moon. Sau đó, Pháp, Trung Quốc và Nhật Bản đều phát đi thông điệp bày tỏ sự ủng hộ ông Ban Ki-moon tái ứng cử. Trong khi đó, Bộ Ngoại giao Hàn Quốc cũng bày tỏ mong muốn ông Ban Ki-moon có thể tiếp tục đóng góp cho cộng đồng quốc tế. Để tranh thủ sự ủng hộ của nhiều quốc gia khác, trong chuyến đi gần đây đến châu Âu và châu Phi, ông đã vận động các nhà lãnh đạo ủng hộ cho mình.
Tờ Telegraph cho biết, trong suốt nhiệm kỳ, ông Ban đã từng bị chỉ trích vì không nổi trội và thiếu sự cuốn hút người khác. Nhưng ông cũng được đánh giá cao vì sự toàn tâm toàn ý khi giải quyết các vấn đề phụ nữ và giải giáp vũ khí hạt nhân. Đặc biệt, thời gian gần đây, các nước phương Tây đã đánh giá rất cao lập trường cứng rắn của Tổng thư ký LHQ với các cuộc biểu tình chống chính phủ trong thế giới Ả-rập những tháng vừa qua. Ngay từ khi nhậm chức năm 2007, ông Ban đã tự tạo hình ảnh như một người theo trường phái ngoại giao lặng lẽ, trái ngược với người tiền nhiệm Kofi Annan. Theo BBC, ông từng bị chỉ trích “quá kính trọng” các nước lớn trong LHQ cũng như thái độ rụt rè khi đối đầu với những vụ lạm dụng nhân quyền tồi tệ.
Dấu ấn nổi bật của ông Ban Ki-moon là vào tháng 9-2009, ông có một động thái chưa có tiền lệ trong lịch sử của LHQ là mạnh mẽ lên tiếng yêu cầu các nhà lãnh đạo thế giới loại bỏ vũ khí hạt nhân. Trong thời gian ông đảm nhiệm chức vụ TTK LHQ, nhiều hội nghị biến đổi khí hậu được tổ chức đã thúc đẩy vấn đề biến đổi khí hậu trở thành mối quan tâm hàng đầu của các quốc gia trên thế giới. Những hội nghị đã kêu gọi các cường quốc xóa bỏ bất đồng, hợp tác đối phó với mối đe dọa về thay đổi khí hậu có tiềm năng gây thảm họa. Trong Hội nghị khí hậu Cancun tổ chức vào tháng 1-2011, hai văn kiện được thông qua là Thỏa thuận Cancun, trong đó có việc thành lập “Quỹ khí hậu xanh”.
Thỏa thuận này khẳng định lại cam kết tại Hội nghị Copenhagen cuối năm 2008, theo đó các nước có lượng khí thải lớn sẽ đóng góp tăng dần từ 30 tỷ USD/năm lên 100 tỷ USD/năm vào năm 2020 để giúp các nước đang phát triển đối phó hiện tượng biến đổi khí hậu. Các nước cũng nhất trí tăng cường một loạt các biện pháp bảo vệ rừng nhiệt đới và thiết lập một cơ chế theo đó các nước phát triển chuyển giao công nghệ năng lượng sạch cho các nước nghèo hơn.
Bên cạnh đó, hội nghị cũng nhất trí đặt ra mục tiêu giới hạn mức tăng của nhiệt độ Trái đất dưới 2°C, như thời kỳ tiền công nghiệp. Thỏa thuận thứ hai đạt được tại hội nghị là việc các quốc gia nhất trí gia hạn Nghị định thư Kyoto về việc cắt giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính. Theo đó, các quốc gia đã cam kết tiếp tục nỗ lực tại hội nghị ở Nam Phi năm 2011, nhấn mạnh phải tăng thêm các nền kinh tế ít carbon, tăng cường xây dựng lại lòng tin giữa các nước giàu và nước nghèo về vấn đề biến đổi khí hậu.
Tổng thư ký Ban Ki-moon cũng được đánh giá cao khi liên tục kêu gọi các nước thành viên LHQ phải đoàn kết giải quyết xung đột ở Darfur, Somalia, Bờ Biển Ngà; thúc đẩy lộ trình hòa bình Trung Đông giữa Israel-Palestine; vấn đề hạt nhân tại Triều Tiên, Iran... Dưới sự điều hành của ông Ban Ki-moon, một loạt các chiến dịch phản ứng nhanh và hiệu quả đã được triển khai để giúp đỡ các quốc gia bị thiên tai tàn phá như Haiti, Chile vào năm ngoái.
- Cuộc sống bình yên
Ông Ban Ki-moon sinh ra tại Chungju, tỉnh Chungcheong, một thành phố yên bình ở Tây Nam Seoul. Ông kết hôn với người bạn học thời phổ thông là Yoo Soon-taek và có 1 cậu con trai cùng 2 con gái. Thời đi học, ông từng trở thành ngôi sao ở Trường Trung học cơ sở Chungju, đặc biệt về khả năng học tiếng Anh rất giỏi. Năm 1962, ông Ban giành chiến thắng trong một cuộc thi viết bài luận tiếng Anh do Hội Chữ thập đỏ tổ chức và được tới Mỹ, nơi ông có cuộc gặp gỡ với Tổng thống Mỹ khi đó là John F. Kennedy. Khi các phóng viên hiện diện trong cuộc gặp gỡ này hỏi ông Ban muốn làm gì khi lớn lên, ông đã tuyên bố không ngập ngừng: “Tôi muốn trở thành một nhà ngoại giao”.
Trở về nước, ông Ban theo học ngành Quan hệ quốc tế tại Đại học Quốc gia Seoul và tiếp tục học thạc sĩ về hành chính công tại Đại học Harvard trong năm 1985. Giáo sư Joseph Nye, người giúp đỡ ông Ban trong học tập đánh giá ông là “nhân vật có khả năng phân tích rành mạch, sự khiêm tốn nhún nhường, có óc sáng tạo và tính kiên nhẫn cao độ”. Ngoài tiếng Anh, ông còn biết tiếng Pháp, tiếng Nhật.
Sau khi tốt nghiệp đại học, ông Ban làm việc ở Bộ Ngoại giao Hàn Quốc và dành nhiều thời gian công tác ở nước ngoài. Năm 2001, trong phiên họp thứ 56 của Đại hội đồng LHQ, khi Hàn Quốc đã nắm ghế chủ tịch luân phiên và ông Ban bất ngờ được lựa chọn vào ghế Chánh văn phòng của Chủ tịch Han Seung-soo. Năm 2003, ông được Tổng thống Hàn Quốc Roh Moo-hyun chọn làm cố vấn ngoại giao và một năm sau thì trở thành Ngoại trưởng. Vào ngày 13-6-2006, ông được bầu làm Tổng Thư ký kế nhiệm ông Kofi Annan, trở thành người Hàn Quốc đầu tiên nắm chức vụ cao nhất của LHQ và là người châu Á thứ hai nhận nhiệm vụ này. Trước ông Ban Ki-moon, ông U Thant, người Myanmar, đã giữ chức TTK LHQ từ năm 1961 đến 1971.
Theo thông lệ, các tổng thư ký thường phục vụ hai nhiệm kỳ liên tiếp, riêng ông Boutros Boutros-Ghali đến từ Ai Cập chỉ ngồi ở vị trí này một nhiệm kỳ do vấp phải quyền phủ quyết của Mỹ. Tổng Thư ký được bổ nhiệm bởi Đại Hội đồng, dựa trên sự tiến cử của Hội đồng Bảo an. Do vậy, sự tuyển chọn phụ thuộc vào phiếu phủ quyết của các thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an. Chức danh này không được bầu chọn theo cách phổ thông đầu phiếu. Cho đến nay vẫn chưa có tổng thư ký nào đến từ Bắc Mỹ hoặc châu Đại Dương. Có ý kiến cho rằng đã đến lúc nên bổ nhiệm một phụ nữ vào chức vụ tổng thư ký. Trong suốt 60 năm qua, tất cả tổng thư ký đều là nam giới. |
THANH HẰNG