Bản lĩnh doanh nghiệp

Cùng với sự suy giảm kinh tế toàn cầu, sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp trong nước đang gặp vô vàn khó khăn. Giá cả nguyên vật liệu và xăng dầu biến động khó lường, lúc tăng lúc giảm mà tăng nhiều hơn giảm. Lãi suất ngân hàng mặc dù có hạ so với đỉnh điểm, song vẫn còn cao ngất ngưởng và doanh nghiệp rất khó tiếp cận vốn vay. Trong tình hình vật giá leo thang, nhiều doanh nghiệp phải tăng lương để giữ chân người lao động.

Thị trường tiêu thụ sản phẩm không được mở rộng do phương thức phân phối còn hạn chế làm cho hàng hóa không đến tay người tiêu dùng. Chu kỳ tái sản xuất và tái sản xuất mở rộng bị ngắt quãng, đồng vốn bị chôn chặt, không thể sinh sôi nảy nở…

Trong lúc khó khăn tứ bề, ngành điện lại tăng giá - quả là một “cú đấm” quá mạnh có thể làm gục ngã những doanh nghiệp vốn đã yếu ớt, thoi thóp. Doanh nghiệp đứng trước tình cảnh trên ví như con thuyền bồng bềnh giữa biển khơi trong dông bão, có thể lật nhào bất cứ lúc nào.

Tất cả các ngành sản xuất kinh doanh và dịch vụ đều phải sử dụng đến điện. Thậm chí có nhiều ngành (sản xuất nhựa, luyện kim…) điện là nguồn năng lượng chủ lực không thể thay thế.

Bởi vậy khi giá điện tăng chắc chắn sẽ đẩy giá thành sản phẩm và dịch vụ tăng theo. Giá điện tăng lúc này chẳng khác nào thêm một luồng gió xoáy lớn thổi vào cơn dông bão vốn đã vật vã doanh nghiệp nhiều tháng qua. Tuy nhiên, chính trong lúc này, các doanh nghiệp rất cần sự tỉnh táo, khôn khéo lái con thuyền vượt qua dông bão.

Thông thường, khi giá thành sản phẩm tăng, doanh nghiệp sẽ có cớ để tăng giá bán hàng hóa. Nhưng trong tình hình hiện nay, nếu doanh nghiệp cũng “té nước theo mưa” tăng giá bán hàng hóa sẽ là hành động tự sát. Bởi lẽ, nền kinh tế nước ta đang trong tình trạng giảm phát. Sức mua của xã hội giảm sút. Hàng hóa của nhiều doanh nghiệp tồn đọng, không tiêu thụ được. Nếu hàng hóa tiếp tục tăng giá, tình trạng giảm phát sẽ ngày càng nghiêm trọng hơn. Người dân trước đây đã tiết kiệm chi tiêu, nay càng tiết kiệm hơn. Doanh nghiệp sẽ rơi vào cơn khốn quẫn hơn trước.

Vậy con đường nào giúp doanh nghiệp thoát khỏi cơn bĩ cực này?

Theo các chuyên gia, trước hết doanh nghiệp phải tổ chức lại sản xuất kinh doanh theo hướng tiết kiệm chi phí nguyên nhiên liệu, tiết kiệm nhân lực, đặc biệt là tiết kiệm điện. Khi doanh nghiệp giảm chi phí sản xuất kinh doanh thì lợi nhuận sẽ tăng lên, đủ để bù đắp vào phần giá điện tăng. Các doanh nghiệp cần rà soát trang thiết bị, phải nhanh chóng thay thế dây chuyền, thiết bị sản xuất cũ - vốn tiêu tốn nhiều điện năng - bằng các thiết bị mới tiên tiến, hiện đại hơn, tiêu thụ ít điện năng và nhiên liệu, nâng cao năng suất lao động, giảm chi phí nhân công và tiền lương…

Dông bão sẽ còn kéo dài do tác động của suy giảm kinh tế toàn cầu vẫn chưa có điểm dừng. Vả lại, kinh tế trong nước dù đã có sự phát triển nhất định song vẫn chưa vững chắc. Do đó, các doanh nghiệp càng phải khôn ngoan và bản lĩnh để chèo lái con thuyền của mình vững vàng vượt qua hiểm nghèo. Với trí tuệ và lòng dũng cảm, chúng ta tin rằng các doanh nghiệp Việt Nam sẽ vượt qua mọi khó khăn để phát triển một cách bền vững. 

Phan Lộc

Tin cùng chuyên mục