Bản lĩnh doanh nhân

Năm nay, các doanh nghiệp nước ta kỷ niệm Ngày doanh nhân Việt Nam trong bối cảnh khó khăn chồng chất. Thiên tai đang hoành hành khắp nơi, bão liên tục đổ vào các tỉnh miền Trung; lũ dâng cao ở đồng bằng sông Cửu Long; thời tiết bất thường diễn ra trên cả nước... Nhưng đáng nói nhất trong sản xuất và kinh doanh, giá nguyên nhiên liệu đầu vào liên tục tăng, đẩy giá cả hàng hóa và dịch vụ tăng theo, không thể kiềm chế như ý muốn. Ngay từ những ngày đầu năm nay, khi Ngân hàng Nhà nước điều chỉnh tỷ giá liên ngân hàng từ 18.932 đồng/USD lên 20.693 đồng/USD, mặc dù được cho là sự điều chỉnh cần thiết, song nó đã đẩy giá hàng hóa đồng loạt tăng lên theo phản ứng dây chuyền và hình thành một mặt bằng mới không cưỡng lại được.

Giá tăng, không chỉ ảnh hưởng đến đời sống của phần lớn người dân mà còn tác động trực tiếp đến hoạt động sản xuất kinh doanh của hầu hết các doanh nghiệp trong nước. Khi giá cả như con ngựa bất kham, sức mua của thị trường tất yếu giảm xuống, hàng hóa sản xuất ra khó tiêu thụ sẽ không thể tái sản xuất một cách bình thường, chứ chưa nói đến tái sản xuất mở rộng.

Nếu không tăng giá, doanh nghiệp có thể bị lỗ, cụt vốn. Nhưng tăng giá thì xã hội không chấp nhận. Đó là vòng luẩn quẩn mà các doanh nghiệp - nhất là doanh nghiệp vừa và nhỏ chiếm đại đa số - đang vướng phải như lạc vào trận đồ bát quái.

Trong bối cảnh ấy, các doanh nghiệp phải tự tìm cho mình lối thoát. Rất nhiều doanh nghiệp không đi vào con đường thả nổi theo giá, “té nước theo mưa”. Lúc đầu họ cũng bị choáng trong cơn bão giá. Nhưng sau, họ đã tìm nhiều giải pháp để không bị cuốn vào tâm bão. Các doanh nghiệp sản xuất tìm cách tái cơ cấu đầu tư một cách có hiệu quả, chất lượng; thay thế thiết bị sản xuất lạc hậu bằng công nghệ tiên tiến; giảm chi phí không cần thiết; hạ giá thành sản phẩm; mở rộng thị trường để tăng nhanh vòng vốn… Các doanh nghiệp trong lĩnh vực phân phối tiêu thụ thực hiện giảm các khâu trung gian, đưa hàng hóa từ đơn vị sản xuất đến tận tay người tiêu dùng bằng nhiều hình thức phong phú.

Trên thực tế, rất nhiều doanh nghiệp đã không tăng giá hàng hóa. Thậm chí có doanh nghiệp, như Công ty Vissan của TPHCM, đã 5 lần liên tiếp, kể từ tháng 8 đến ngày 12-10, thực hiện giảm giá bán thịt heo, vốn là mặt hàng thiết yếu của mọi nhà. Từ việc giảm giá của doanh nghiệp chủ lực này, giá thịt heo trên thị trường tự do cũng giảm theo hoặc không tăng nữa. Trong khi đó, nhiều siêu thị đã liên kết với doanh nghiệp sản xuất không tăng giá hàng hóa, phối hợp nhiều hình thức khuyến mãi để kích cầu tiêu dùng. Và kết quả là ngay trong mùa mua sắm thấp điểm của năm, doanh số cũng tăng đáng kể, không giảm như dự báo…

Nhìn lại những tháng qua có thể thấy rõ, dù trong hoàn cảnh khó khăn nào, các doanh nghiệp Việt Nam cũng khắc phục vượt qua để phát triển sản xuất, ổn định tình hình chính trị và đời sống xã hội. Đó chính là bản lĩnh của doanh nhân Việt Nam. Giữ vững được xu hướng này, vượt qua cơn bĩ cực, trong những tháng còn lại, chắc chắn sản xuất và kinh doanh sẽ tiếp tục gặt hái những kết quả tốt hơn. Nhưng quan trọng nhất, qua những thử thách của kinh tế thị trường, doanh nhân Việt Nam sẽ ngày càng bản lĩnh hơn, tự tin hơn trên con đường hội nhập đầy sóng to, gió lớn.

Phan Lộc

Tin cùng chuyên mục