Bản lĩnh Hoàng Xuân Vinh

Khi những cảm xúc bùng nổ sau chiến tích lịch sử của xạ thủ Hoàng Xuân Vinh tại Olympic 2016 tạm lắng xuống, câu hỏi được đặt ra: Điều gì đã làm nên thành tích kỳ vĩ này của môn thể thao bắn súng nói riêng và thể thao Việt Nam nói chung? Và giá trị thật sự của những tấm huy chương quý giá đó nằm ở đâu sau những lời tung hô, khen tặng và cơn mưa tiền thưởng?

Trước khi bước lên đỉnh vinh quang tại Rio 2016, Hoàng Xuân Vinh đã là nhà vô địch thế giới và là kỷ lục gia của nội dung sở trường 10m súng ngắn hơi. Tuy nhiên, với mọi vận động viên (VĐV) trên thế giới thì đấu trường Olympic có ý nghĩa hoàn toàn khác. Nếu chức vô địch thế giới có thể đến bất kỳ lúc nào thì việc có mặt và chiến thắng tại Olympic, đôi khi không bao giờ xảy ra trong sự nghiệp của những VĐV hàng đầu thế giới. Không chỉ “nhanh hơn, cao hơn, mạnh hơn” mà yếu tố quyết định của người chiến thắng tại đấu trường vĩ đại 4 năm mới diễn ra một lần, đó là bản lĩnh phải vượt trên tất cả.

Hoàng Xuân Vinh đoạt huy chương vàng nội dung 10m súng ngắn hơi bằng phát đạn cuối cùng, với điểm số gần như tuyệt đối, trước sức ép khủng khiếp từ đối thủ và khán giả nước chủ nhà. Chỉ 2 ngày sau, Hoàng Xuân Vinh thậm chí còn phải chịu áp lực lớn hơn rất nhiều ở nội dung 50m súng ngắn bắn chậm. Thời điểm đó, anh đang là nhà vô địch, kỷ lục gia Olympic, là ngôi sao của truyền thông, lại phải đối đầu với những tay súng mạnh nhất của nội dung này, trong khi thành tích tốt nhất có được chỉ là 1 chiếc HCĐ ở giải thế giới. Mọi thứ đều chống lại anh, nhưng chính lúc đó người ta mới thấy được bản lĩnh của một người lính, một VĐV chuyên nghiệp, một nhà vô địch thực thụ khi Hoàng Xuân Vinh đi đến những loạt đạn cuối cùng để tranh chấp HCV cùng đối thủ mạnh nhất.

Lịch sử thể thao Việt Nam chưa từng ghi nhận một trường hợp nào như Hoàng Xuân Vinh. Chúng ta từng có HCB môn Taekwondo ở Olympic 2000, nhưng phải mất đến 8 năm sau mới có chiếc HCB thứ hai ở môn cử tạ. Chúng ta từng đoạt 4 HCV tại Asiad 2002, nhưng các kỳ Asiad sau đó, thành tích tụt dốc thảm thương đến mức phải “đốt đuốc tìm HCV”. Đội tuyển bóng đá từng vô địch AFF Cup 2008, nhưng cũng có rất nhiều lần vào đến chung kết các giải bóng đá khu vực để rồi ngậm ngùi… về nhì. Chúng ta đứng trước vô số cơ hội lịch sử nhưng lại để vuột mất. Và thật buồn, cứ sau mỗi lần như vậy, thay vì tự trách mình, những người làm thể thao lại có xu hướng đổ lỗi cho sự kém may mắn, cho trọng tài và nhiều thứ phi chuyên môn.

Điểm mấu chốt của sự thất thường về mặt thành tích, đó là thiếu bản lĩnh, là không có đẳng cấp, điều mà Hoàng Xuân Vinh đã chứng minh rằng VĐV Việt Nam hoàn toàn có thể làm được. Chiếc HCB nội dung 50m súng ngắn bắn chậm là sự khẳng định thành tích HCV nội dung 10m súng ngắn hơi hoàn toàn không đến từ may mắn hay sự bùng nổ nào đó mang tính nhất thời. Nó khiến chúng ta tin rằng, nếu còn tham gia một nội dung khác, chắc chắn Hoàng Xuân Vinh cũng sẽ tiếp tục tranh chấp huy chương. Niềm tin đó vững vàng, rõ ràng, không có gì phải bàn cãi.

Nhưng để có được bản lĩnh như Hoàng Xuân Vinh, đấy lại là một câu chuyện dài dành cho những nhà quản lý thể thao. Trước hết, nó phải xuất phát từ niềm đam mê và tính chuyên nghiệp của VĐV. Hoàng Xuân Vinh theo nghiệp bắn súng gần 30 năm, tập luyện và thi đấu hết ngày này sang ngày khác, phía sau đó là sự hy sinh của gia đình và cả bản thân anh, để đến tuổi 42 mới lên đỉnh vinh quang. Không yêu nghiệp, không tận tụy, làm sao có được.

Hoàng Xuân Vinh trưởng thành trong môi trường thể thao quân đội, nằm trong đội tuyển bắn súng - một trong những nội dung mạnh nhất của ngành này. Trong khi đội tuyển quốc gia đôi khi còn thiếu chỗ tập, thiếu đạn dược, thì các VĐV quân đội luôn được đáp ứng đầy đủ. Chưa kể, những chuyến tập huấn và thi đấu của Hoàng Xuân Vinh cũng đều đặn và dày đặc hơn theo thành tích mà anh có được trên đấu trường quốc tế. Phải có những đầu tư mạnh mẽ, thường xuyên, liên tục như vậy thì mới có những quyết định mang tính chiến lược như chuyển từ HLV Trung Quốc sang HLV Hàn Quốc - nơi mạnh nhất của môn bắn súng. Nếu bản thân Hoàng Xuân Vinh cũng như các nhà quản lý đều bằng lòng với những gì đang có, chắc chắn sẽ không thể có kỳ tích tại Olympic. Bản lĩnh chỉ đến từ khả năng rút ra những bài học từ các thất bại. Đã không ít lần Hoàng Xuân Vinh vuột mất thành tích ở những loạt bắn cuối cùng. Nhưng cũng từ thất bại ấy mới tạo dựng nên đẳng cấp cho tay súng vĩ đại nhất của thể thao Việt Nam.

Chúng ta đã có chiến tích chói lọi, đã có những bài học bổ ích từ việc đầu tư cho Hoàng Xuân Vinh hay kình ngư Nguyễn Ánh Viên, chúng ta càng không thiếu những bài học đắt giá từ bóng đá và các thất bại cay đẳng ở thời khắc đỉnh cao… Thành tích lịch sử của Hoàng Xuân Vinh tại Olympic 2016 sẽ chỉ là một câu chuyện đẹp, hoặc đóng bụi thời gian trong lịch sử nếu như các nhà quản lý không hành động ngay từ lúc này.

Việt Quang

Tin cùng chuyên mục