Những ngày Tết Canh Dần ấm áp, vui vẻ mới qua đi thì nỗi lo đời thường lại ập đến: Chỉ tính riêng tháng 2-2010, chỉ số CPI của Hà Nội đã tăng tới 2,61%; TPHCM 1,68% - các con số làm giật thót nhiều người quan tâm về lĩnh vực kinh tế.
Tháng Tết tăng giá đã đành, vấn đề đặt ra là sau Tết chỉ số CPI có kéo giảm như quy luật thông thường hàng năm? Với những tín hiệu gần đây, thực tế cho thấy điều này rất khó xảy ra: Với việc nâng tỷ giá VNĐ/USD, tăng giá xăng và từ ngày 1-3 giá điện cũng điều chỉnh tăng 6,8%, sẽ khiến hình thành mặt bằng giá cả hàng hóa mới. Do đó xu hướng tăng giá là hiển hiện, việc kéo giảm chỉ số giá cả trong thời gian tới là rất khó khăn.
Chỉ số CPI cả nước 2 tháng đầu năm được công bố là 3,35%. Nếu tính chỉ tiêu lạm phát cả năm Quốc hội đã thông qua là 7%, chỉ riêng 2 tháng đầu năm ta đã “hoàn thành” gần phân nửa. Vì vậy nếu không có biện pháp quyết liệt, có hiệu quả trong việc kiềm chế tốc độ tăng giá, chỉ tiêu cả năm 7% sẽ được “hoàn thành” chỉ trong 6 tháng đầu năm 2010!
Ngoài yếu tố hàng loạt giá cả đầu vào trong nước tăng, năm nay nước ta còn phải đối phó với việc “nhập khẩu lạm phát” do kinh tế thế giới có dấu hiệu hồi phục. Thực tế giá cả nhiên liệu và một số nguyên vật liệu chủ yếu phục vụ sản xuất đang có dấu hiệu tăng hoặc vẫn đứng ở mức cao. Việc nhập siêu không có dấu hiệu cải thiện trong khi tỷ giá đã được điều chỉnh càng khiến chi phí đầu vào doanh nghiệp tăng, khó kiềm chế giá cả đầu ra sản phẩm.
Mục tiêu xuyên suốt Chính phủ đề ra trong năm nay là ổn định kinh tế vĩ mô, tiếp tục kiềm chế lạm phát và giữ tốc độ tăng trưởng (GDP) ở mức hợp lý, tạo tiền đề để tăng tốc phát triển nhanh và mạnh hơn vào các năm sau. Trước diễn biến kinh tế trong nước và quốc tế 2 tháng đầu năm có nhiều yếu tố không thuận, ta chưa đến nỗi phải lo ngại thái quá nhưng sức ép tiêu cực đối với nền kinh tế là hiển hiện, đòi hỏi bản lĩnh các nhà hoạch định chính sách lèo lái con thuyền tầm vĩ mô đi đúng hướng. Bởi lẽ, nếu không có quyết sách trúng và đúng thời điểm, cả 2 chỉ tiêu cơ bản nền kinh tế GDP và CPI đều không đạt, sẽ ảnh hưởng đến đời sống muôn dân, kéo lùi sự phát triển kinh tế - xã hội đất nước trong năm Đại lễ này!
Để kéo giảm lạm phát không khó và ta đã có nhiều giải pháp triển khai có hiệu quả, như thắt chặt tín dụng, tăng lãi suất, giảm thuế, giảm chi ngân sách… Vấn đề đặt ra là hiệu ứng đối với nền kinh tế và xã hội, doanh nghiệp có thích ứng được với chủ trương “thắt”, “mở” liên tục của chính sách. Hiện nay hầu như 2 mục tiêu đang đặt ra, song hành thực hiện đang đi ngược chiều nhau: vừa thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, vừa kiềm chế tái lạm phát cao. Và để ổn định đời sống người dân, không được “hy sinh” mục tiêu nào. Đó là việc rất khó, đòi hỏi tầm nhìn, và năng lực thực thi của toàn bộ bộ máy công quyền.
Để chủ động kiềm chế lạm phát, ngay từ đầu năm, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã giảm chỉ tiêu tín dụng nền kinh tế từ 38% (năm 2009) xuống còn 25% (năm 2010). Và thực tế hiện nay nguồn vốn ở các ngân hàng thương mại lẫn doanh nghiệp đều căng thẳng, lãi suất đang ở mức cao, khó có thể thắt chặt tín dụng hoặc tăng lãi suất cao hơn để đạt mục tiêu khống chế CPI. Nếu nguồn vốn vay đắt đỏ, doanh nghiệp không hấp thụ được vốn thì cũng khó thúc đẩy tăng trưởng đạt GDP 6,5% theo mục tiêu đề ra năm nay.
2010 - năm thứ 3 nhân loại chứng kiến tác động và ảnh hưởng tiêu cực của cuộc khủng hoảng tài chính - kinh tế thế giới. Để ổn định vĩ mô, tiếp tục khẳng định vị thế và bản lĩnh của mình, đòi hỏi nước ta cần có các quyết sách mới sáng tạo, phù hợp với tình thế mới.
SGGP-ĐTTC