Bản lĩnh người lãnh đạo

Thời gian gần đây, trong nhiều cuộc họp bàn về công tác trật tự an toàn giao thông, lãnh đạo một số bộ ngành hay “đổ tội” cho báo chí “bàn tán ra vào” nên nhiều quyết định của ngành “rất khó, thậm chí không thể triển khai thực hiện (!?)”. 

Thật khó lý giải trước các phát biểu như vậy, bởi phản biện là một trong những chức năng của báo chí. Báo chí ghi nhận ý kiến của người dân lên báo để các cơ quan chức năng tham khảo, nhằm quyết định tốt hơn, khả thi hơn. Hơn nữa, trước một vấn đề liên quan đến nhiều tầng lớp người dân, nếu báo chí không lên tiếng thì… người dân cũng sẽ chủ động lên tiếng, nhất là trong bối cảnh công nghệ thông tin, mạng internet phát triển mạnh mẽ như hiện nay. 

 Có nhiều đánh giá trái chiều: ủng hộ hoặc không ủng hộ… về một vấn đề nào đó, cũng là điều hết sức bình thường. Chẳng phải ông cha ta đã tổng kết: “chín người… mười ý” để phản ánh thực tế này. Vấn đề là bản lĩnh và trình độ của người lãnh đạo khi tiếp nhận các thông tin. Nhận thấy phản biện đúng thì tiếp thu và ngược lại. Nếu cảm thấy mình đã ra quyết định đúng thì mạnh dạn quyết, mạnh dạn chịu trách nhiệm. Tất nhiên, để cho người dân hiểu và đồng thuận, người lãnh đạo nên có thêm các động thái giải thích, vận động, hướng dẫn họ.

 Khách quan mà nói, trật tự an toàn giao thông là vấn đề không đơn giản, đặc biệt “đụng chạm” đến lợi ích cũng như trách nhiệm của đại đa số người dân. Phải ra quyết định trong bối cảnh này, thật không dễ dàng. Nhiều khi đó là quyết định đúng nhưng phải mất nhiều năm sau mới được công nhận và trong thời gian ấy, có khi người ra quyết định phải trả giá. Thế nhưng, đó cũng là điều rất bình thường trong cuộc sống. Không phải ngẫu nhiên mà một trong những tiêu chuẩn quan trọng của người lãnh đạo là “dám nghĩ, dám làm”. Mà thực sự là đại đa số người dân đang mong mỏi có được những người lãnh đạo như thế.

NGUYỄN KHOA

Tin cùng chuyên mục