Từ khi Bộ GD-ĐT phát tín hiệu sẽ đổi mới thi cử và “đột phá” từ kỳ thi THPT năm nay, dư luận xã hội không chỉ hoan nghênh mà còn nóng lòng chờ đợi phương án nào được chọn. Điều này cho thấy việc gì có lợi cho học sinh và nền giáo dục nước nhà thì nên làm ngay, đừng nên chần chừ, đắn đo. Tuy nhiên, gần hai tháng qua, bàn về dự thảo mà Bộ GD-ĐT đưa ra lấy ý kiến về đổi mới thi và xét tốt nghiệp trung học phổ thông, còn nhiều ý kiến chưa đồng thuận, thậm chí trái chiều. Hầu hết các ý kiến phản đối quy định miễn thi với tỷ lệ 20% học sinh khá giỏi vì rắc rối, phức tạp và không sát thực tế. Về cộng điểm bình quân các môn học ở khối lớp 12 cũng nên bỏ vì cách đánh giá chấm điểm các môn học ở trường THPT khác nhau, nơi nào thầy cô nới tay thì điểm cao và ngược lại. Cũng có luồng ý kiến băn khoăn cho rằng giảm số môn thi tốt nghiệp xuống còn 4 môn có thể dẫn đến học lệch… Trước đòi hỏi của dư luận và các thành phố lớn, liệu môn ngoại ngữ - môn học quan trọng, chìa khóa mở rộng cánh cửa hội nhập quốc tế - có được đưa vào môn thi tự chọn?
Trước thực tế còn nhiều luồng ý kiến băn khoăn, thậm chí trái chiều, Bộ GD-ĐT khẳng định sẽ tiếp tục lắng nghe và xem xét thấu đáo. Thế nhưng, chỉ còn hơn 3 tháng nữa là kỳ thi tốt nghiệp THPT sẽ diễn ra. Dư luận xã hội đang nóng lòng chờ đợi quyết định nhanh và đúng đắn của Bộ GD-ĐT. Sự sáng suốt lựa chọn phương án tốt nhất, phù hợp với nguyện vọng của số đông học sinh sẽ giúp các em ổn định tâm lý, giảm bớt áp lực thi cử như mục tiêu của đề án. Với tinh thần tổ chức một kỳ thi nhẹ nhàng, đánh giá kết quả học tập khách quan, Bộ GD-ĐT cần cân nhắc chọn lựa môn thi phù hợp và tổ chức kỳ thi khoa học, đảm bảo độ tin cậy về kết quả.
Theo một số chuyên gia giáo dục, việc chọn môn thi cũng quan trọng nhưng không quan trọng bằng cách tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT, trong đó cần đổi mới cách ra đề thi để đánh giá toàn diện kiến thức, năng lực của người học. Ngay cả việc dự báo học sinh sẽ ít chọn môn lịch sử để thi thì cũng không có gì phải hốt hoảng, lo ngại. Bởi lẽ, giữa việc chọn môn thi và đánh giá lòng yêu nước, tinh thần dân tộc là hai phạm trù khác nhau, không nên đánh đồng.
Đổi mới khâu thi cử, kiểm tra đánh giá năng lực học sinh là một phần trong lộ trình đổi mới căn bản và toàn diện nền giáo dục nước nhà. Vì thế cần có sự nghiên cứu chính xác và khoa học trong việc chọn môn thi cũng như cách tổ chức thi sao cho hiệu quả, đúng thực chất. Nhưng liệu khi giảm từ 6 môn thi tốt nghiệp THPT xuống còn 4 môn, chúng ta có ngăn ngừa được tiêu cực như đã từng xảy ra?
Nhiều ý kiến cho rằng việc đưa ra dự thảo về phương án đổi mới thi tốt nghiệp THPT của Bộ GD-ĐT hơi vội vã, thiếu sự chuẩn bị kỹ lưỡng. Và năm nào cũng vậy, “nước đã gần đến chân” nhưng người học lẫn người dạy vẫn mang nặng tâm trạng hồi hộp, chờ đợi. Giá như trước khi quyết định sẽ đổi mới kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay, Bộ GD-ĐT có chuẩn bị, tổ chức nhiều hội thảo khoa học và lắng nghe ý kiến của các chuyên gia giáo dục có uy tín trong và ngoài nước đóng góp ý kiến thì quyết định sẽ chuẩn xác hơn. Một quyết định sai sẽ dẫn đến hậu quả khó lường và sự chậm trễ trong công bố môn thi tốt nghiệp sẽ khiến học sinh bất ổn về tâm lý, còn giáo viên thì tăng áp lực. Thực tế đã chứng minh, bất cứ động thái đổi mới nào cũng gặp phải phản ứng của dư luận kèm những ý kiến trái chiều. Vì thế, Bộ GD-ĐT phải tỉnh táo, giữ vững quan điểm đổi mới thi cử, dám làm - dám chịu trách nhiệm. Từ kinh nghiệm đột phá trong đổi mới kỳ thi tốt nghiệp THPT, bộ sẽ rút kinh nghiệm và chuẩn bị chu đáo cho những kỳ thi năm sau. Hy vọng kỳ thi phổ thông quốc gia được cải tiến về hình thức thi, đề thi và kết quả thi đảm bảo độ tin cậy sẽ tạo tiền đề cho phương án “hai trong một” - lấy kết quả thi tốt nghiệp THPT để xét tuyển sinh đại học trong tương lai gần.
KHÁNH HÀ