Bản quyền truyền hình: Có vì khán giả?

Không phải bỗng nhiên mà đợt bán bản quyền truyền hình 3 năm tiếp theo, Ban tổ chức Giải ngoại hạng Anh lại “ưu ái” tách Việt Nam thành 1 gói thầu riêng biệt trong 16 gói thầu tại khu vực châu Á. Rõ ràng, gần chục năm qua, việc các nhà đài tại Việt Nam cạnh tranh với nhau đã đẩy giá mua lên quá cao khiến thị trường Việt Nam trở thành một “miếng mồi béo bở” với các công ty mua bán bản quyền quốc tế. Cũng vì lẽ đó, giá bán 3 năm kế tiếp riêng trên lãnh thổ Việt Nam được kêu đến 30 triệu USD.

Đến nước này, không còn cách nào khác, các nhà đài tại Việt Nam mới chịu ngồi lại với nhau để tìm cách mua với giá hợp lý. Nhiều khả năng, Đài Truyền hình Việt Nam (VTV) sẽ là đơn vị được cử làm đại diện duy nhất để thương lượng mua bản quyền.

Có người cho rằng, làm được như vậy thì “muộn còn hơn không”. Tuy nhiên cũng có ý kiến khác cho rằng, mọi thứ sẽ chẳng có gì thay đổi so với trước. Tức là dù chuyện gì có xảy ra đi nữa thì người hâm mộ Việt Nam sẽ thiệt thòi.

Trước hết, phải thấy rằng tiền bản quyền truyền hình tăng cao một thập kỷ vừa qua do chính các nhà đài tự phá giá để thắng thầu cho bằng được nhằm phát triển thuê bao cho đài mình. Hết VTV, đến VTC rồi vừa qua là K+. Trong suốt thời gian đó, người hâm mộ phải liên tục thay đổi thuê bao, đầu thu nếu muốn được xem. Tốn kém đó, không thấy các nhà đài chia sẻ mặc dù đài nào cũng giải thích mình phải mua giá cao như vậy là vì “phục vụ khán giả”.

Thế nên, giờ đây khi các nhà đài chịu ngồi với nhau, liệu chúng ta có tin rằng họ sẽ vì khán giả hay không khi về bản chất, đài truyền hình cũng chỉ là đơn vị kinh doanh. Ngoài chuyện cạnh tranh với nhau, còn đặt mục tiêu lợi nhuận lên hàng đầu. Nếu VTV thắng thầu, liệu họ có chia sẻ mọi thứ cho các đài khác hay không? Nếu chia sẻ không được, thì tiền đâu để VTV bù vào chi phí bỏ ra mua bản quyền nếu không phải là từ tiền ngân sách (cũng là tiền thuế của dân)? Hoặc như có một đài nào đó mua lại toàn bộ bản quyền từ VTV và “bắt” người hâm mộ lại tốn kém thêm tiền mua đầu thu mới một lần nữa?

Các hệ thống truyền hình Việt Nam suốt một thời gian dài dùng người hâm mộ làm bức bình phong để khiến cho giá bán bản quyền lên cao ngất trời. Những động thái “ngồi lại” của họ thực sự là đã quá muộn bởi một khi Ban tổ chức Giải ngoại hạng Anh đã xác định đây là thị trường trọng điểm, họ khó lòng giảm giá như chúng ta mong đợi. Vậy mà đến nay, chẳng thấy đài nào tự nhận trách nhiệm khi đẩy sự việc đến nước này. Đã thế, còn định tiếp tục thương lượng để mua tiếp dù biết chắc chắn là khó có chuyện được giảm giá. Tại sao không dứt khoát là chấp nhận sẽ vắng bóng giải ngoại hạng trên sóng truyền hình 3 năm tới. Tất nhiên, làm thế thì người hâm mộ sẽ mất món ăn tinh thần vào mỗi tối cuối tuần nhưng ít ra, qua đó cũng bày tỏ thái độ dứt khoát với các đối tác nước ngoài hòng thay đổi cách nhìn của họ về một thị trường truyền hình bóng đá Việt Nam “như một chú nai tơ” để lần kế tiếp không còn o ép.

Thiết nghĩ, làm như vậy mới thật sự vì khán giả. Bởi xin nhớ rằng, dù VTV không mua bằng đúng giá niêm yết đi nữa thì chắc chắn vẫn phải cao hơn các lần trước từ 10-30% nếu muốn có bản quyền, và như thế, chắc chắn người hâm mộ vẫn phải tốn thêm tiền mà thôi.

VIỆT QUANG

Tin cùng chuyên mục