Đã 2 lần được Quốc hội cho ý kiến, nhưng dự án Luật Kiến trúc dường như vẫn day dứt một nỗi niềm lớn là làm thế nào gìn giữ và xây dựng bản sắc kiến trúc dân tộc một cách phù hợp và hiệu quả nhất.
Dự thảo Luật Kiến trúc trình Quốc hội lần này đã bổ sung điều 5, quy định về bảo tồn, phát huy giá trị bản sắc văn hóa dân tộc Việt Nam trong kiến trúc theo hướng khái quát đặc điểm, tính chất tiêu biểu và đặc trưng tạo nên một phong cách riêng của kiến trúc Việt Nam (về điều kiện tự nhiên, kinh tế - xã hội, văn hóa, nghệ thuật; thuần phong mỹ tục của các dân tộc của địa phương; kỹ thuật xây dựng và vật liệu xây dựng…). Dự thảo cũng quy định UBND cấp tỉnh có trách nhiệm quy định nội dung về yêu cầu bản sắc văn hóa dân tộc trong Quy chế quản lý kiến trúc để bảo đảm khả thi, phù hợp với địa phương do mình quản lý. Ngoài ra, một số quy định về bảo tồn, giữ gìn, khuyến khích kế thừa, phát huy giá trị kiến trúc truyền thống, bản sắc văn hóa dân tộc trong kiến trúc cũng đã được sửa đổi, bổ sung nhằm bảo vệ, giữ gìn, phát huy các giá trị kiến trúc truyền thống Việt Nam mà không làm hạn chế sự sáng tạo trong hành nghề kiến trúc. Tuy nhiên, trong khi đồng thuận về bản sắc kiến trúc quốc gia thì kiến trúc đặc trưng của từng vùng, miền, địa phương lại không dễ dàng nhận diện.
ĐBQH Mùa A Vảng (tỉnh Điện Biên) đặt câu hỏi tại phiên họp toàn thể của Quốc hội rằng, nếu ở địa phương có 2 dân tộc cùng chung sống, thì kiến trúc truyền thống của dân tộc nào được áp dụng chủ đạo để khẳng định “bản sắc”? Và rằng, nếu trao quyền định hướng phát triển kiến trúc cho các chính quyền địa phương thì liệu có tạo ra tình trạng manh mún, bất nhất hay không… Lại nữa, bản sắc kiến trúc của Việt Nam ở thời phong kiến không giống và cũng không thể áp dụng một cách máy móc cho thế kỷ thứ XXI và những năm sau đó.
ĐBQH Dương Trung Quốc (tỉnh Đồng Nai) nói với phóng viên: Không có khái niệm “kiến trúc truyền thống” cứng nhắc, bất biến. Như người Pháp đem kiến trúc của họ sang đây, nhiệt đới hóa để thích hợp với bản địa và trong một chừng mực nào đó, chúng ta tiếp nhận nó như những giá trị tốt đẹp cần bảo tồn. Cần có và phải chấp nhận sự tiếp biến văn hóa phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của thời đại.
Trao đổi với phóng viên Báo SGGP, ông Lê Quang Huy, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội - cơ quan chịu trách nhiệm thẩm tra dự án Luật Kiến trúc - trăn trở: “Kiến trúc mang trong mình yếu tố nghệ thuật về tổ chức không gian, vì thế ở đây không chỉ có vấn đề khoa học, kỹ thuật, mà còn gắn bó chặt chẽ với văn hóa, lịch sử, sáng tạo nghệ thuật. Bản sắc kiến trúc mang đặc trưng về điều kiện tự nhiên, đời sống kinh tế - văn hóa - xã hội của từng giai đoạn trong quá trình phát triển, không phải là bất biến mà luôn vận động và trên con đường đó sẽ lắng đọng lại những gì cốt tủy nhất, bền vững nhất”.
Là một kiến trúc sư giàu kinh nghiệm, từng giành được nhiều giải thưởng quốc tế, TS Ngô Trung Hải, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển đô thị Việt Nam, nguyên Viện trưởng Viện Quy hoạch đô thị và nông thôn (Bộ Xây dựng) cho rằng, không nên hiểu đơn giản bản sắc kiến trúc Việt Nam thì cứ phải là mái dốc, đầu đao, rường cột rui mè gỗ, hay nhà ở nông thôn Bắc bộ thì cứ phải “chuối sau, cau trước”… Theo TS Ngô Trung Hải, quản lý nhà nước sẽ góp phần định hướng, nhưng luật hóa bản sắc (một khái niệm rất trừu tượng) là chuyện cực kỳ khó. Tự thân cuộc sống, với tất cả các khía cạnh phong phú của nó sẽ góp phần nuôi dưỡng tâm hồn, tài năng, tạo điều kiện cho các kiến trúc sư gắn bó với quê hương, từ đó chính họ - thông qua sáng tạo của mình góp phần tạo nên bản sắc kiến trúc.
Trong xây dựng bản sắc kiến trúc, quan trọng nhất vẫn là yếu tố con người. Bên cạnh vai trò của đội ngũ kiến trúc sư, của hội đoàn nghề nghiệp và cơ quan quản lý, thì không thể bỏ qua các chủ đầu tư công trình. Không phải vô lý mà các giải thưởng kiến trúc quốc tế uy tín luôn dành sự tôn vinh cho cả các kiến trúc sư và chủ đầu tư - người ra đề bài cho kiến trúc sư và cũng là người quyết định cuối cùng về công trình. Chỉ khi các chủ đầu tư đủ hiểu biết, cầu thị để lắng nghe và chấp nhận thiết kế, tư vấn của những kiến trúc sư có tầm và có tâm thì những nhà chóp, nhà “quả dưa”, “con gà” hỗn độn, lai căng, nhà siêu mỏng, siêu méo... mới không xuất hiện, phá vỡ cảnh quan, mỹ quan đô thị, làm nhức nhối thị giác của cộng đồng và tự hạ thấp mình trong con mắt của bạn bè quốc tế.
Tóm lại, trong bình diện chung, bản sắc kiến trúc chỉ thật sự rõ nét và có giá trị thực sự khi nhận thức chung của cộng đồng và đặc biệt là những người có liên quan công trình kiến trúc, được nâng lên.