Mặc dù các nhà chuyên môn, quản lý luôn cảnh báo về tình trạng “chảy máu” cây dược liệu ở nhiều địa phương, thế nhưng “máu” dược liệu vẫn cứ chảy. Lên các huyện miền núi mọi người không khó bắt gặp cảnh người dân vào rừng chặt cây dược liệu như: máu chó, khúc khắc (thổ phục linh), củ ba mươi, hoằng đằng, tiêu rừng, cu ly,... về bán cho thương lái với giá rẻ mạt. Và nguồn “máu” dược liệu này, qua tìm hiểu, không “chảy” đi đâu khác mà chủ yếu là ngược sang Trung Quốc.
Ông Hoàng Văn Hảo - Phó Giám đốc Sở Y tế Nghệ An thừa nhận: “Hiện tượng “chảy máu” cây dược liệu là có thật. Thực tế hiện nước ta dùng thuốc đông y (thuốc Bắc) được nhập từ các nước phía Bắc (chủ yếu là Trung Quốc) khoảng 70%, trong khi đó, thuốc Nam (trong nước) chỉ được khai thác sử dụng có 30%. Tuy nhiên, khâu quản lý dược liệu nhập về đang còn rất khó khăn ở khâu kiểm tra chất lượng, nguồn gốc”.
Theo số liệu của Viện Dược liệu, Việt Nam có tiềm năng lớn về tài nguyên cây dược liệu nói riêng và tài nguyên dược liệu (thực vật, động vật, khoáng vật) nói chung. Trong số hơn 12.000 loài thực vật ở Việt Nam thì có gần 4.000 loài cho công dụng làm thuốc, vùng phân bố rộng khắp cả nước.
Có nhiều loài dược liệu được xếp vào loài quý hiếm trên thế giới, như: sâm Ngọc Linh, sâm vũ diệp, tam thất hoang, bách hợp, thông đỏ, vàng đắng, vàng liên ô rô, hoàng liên gai, thanh thiên quỳ,… Mặc dù có tiềm năng to lớn là vậy, nhưng công cuộc bảo tồn và phát triển dược liệu ở nước ta đang gặp không ít hạn chế, khó khăn, đặc biệt là vấn đề liên quan đến quy hoạch phát triển dược liệu, bảo tồn và phát triển nguồn gen dược liệu,… Khai thác dược liệu quá mức nhưng không đi đôi với bảo tồn, tái tạo đã dẫn đến số lượng loài dược liệu có khả năng khai thác tự nhiên còn rất ít. Trên cả nước chỉ còn khoảng 206 loài cây dược liệu có giá trị có thể khai thác tự nhiên, nhiều loài cây dược liệu đứng trước nguy cơ cạn kiệt.
Người dân nghèo, đặc biệt là vùng miền núi, xưa nay vẫn thường len lỏi vào rừng cắt “máu” cây dược liệu đem bán. Vấn đề là, vì sao trước đây người dân chỉ vào rừng lấy bán cho những nhà làm thuốc ở địa phương với liều lượng vừa đủ, còn bây giờ thì vào rừng chặt, cắt ào ào đem bán cho thương lái đưa sang Trung Quốc?
Tại kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa XIII, khi thảo luận về Luật Dược (sửa đổi), nhiều đại biểu đã rất băn khoăn, lo lắng về tình trạng nhập khẩu dược liệu và thuốc từ dược liệu tràn lan không kiểm soát được, chất lượng kém, nguồn gốc không rõ ràng,… Đại biểu Nguyễn Văn Cảnh (Bình Định) cho rằng, hiện tượng dược liệu nhập khẩu kém chất lượng rất phổ biến, nhưng việc kiểm tra của ngành y tế và hải quan bị hạn chế do thiếu năng lực và cơ sở vật chất, thiết bị. Đại biểu Cảnh đề nghị phải đưa vào luật quy định cấm nhập khẩu dược liệu đã qua chiết xuất.
Đại biểu Nguyễn Văn Tiên - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội - cho biết, dược liệu của Việt Nam đa số được nhập từ nước ngoài, trong khi trình độ trong nước đa số không kiểm soát được chất lượng, kể cả có ban hành tiêu chuẩn và trang bị kỹ thuật nhưng kiểm soát là rất khó khăn. “Dược liệu nhập của ta chủ yếu là các loại dược liệu đã chiết xuất hoạt chất thành các chất dược liệu tốt bán ở nước bạn, sau đó chiết xuất lần 2, lần 3 để xuất sang Việt Nam với giá rất rẻ, chỉ bằng 1/4, 1/3 giá dược liệu trong nước. Người bệnh cứ uống toàn thuốc bã đấy thì sao mà khỏi được” - đại biểu Nguyễn Văn Tiên cho hay.
Không những người Việt phải uống thuốc bã mà còn bị chữa bệnh kiểu “bã” bởi những bác sĩ “không rõ nguồn gốc”. Từ trong Nam ra đến ngoài Bắc, nhất là ở các đô thị, không khó để bắt gặp những phòng khám y học cổ truyền của người nước ngoài, chủ yếu là người Trung Quốc. Nhưng, qua những đợt kiểm tra của cơ quan chức năng thì phát hiện rất nhiều phòng khám chui, khám chữa bệnh theo lối chụp giựt, lừa đảo, chất lượng và nguồn gốc thuốc không rõ ràng,... Đặc biệt, “chất lượng” bác sĩ ở các phòng khám này luôn khiến cơ quan chức năng đau đầu, còn người dân thì “đau thân”, thậm chí có trường hợp “thân tàn ma dại” vì những thầy thuốc “không rõ nguồn gốc” này.
Chúng ta không thể mãi chấp nhận thực tế bán “máu” dược liệu rẻ mạt, còn sử dụng thuốc từ dược liệu lại dưới dạng bã. Chúng ta không phủ nhận tinh hoa y học cổ truyền Trung Hoa, nhưng không thể chấp nhận uống thuốc bã, chữa bệnh kiểu “bã” bởi những người mang danh thầy thuốc nhưng không thừa hưởng tinh hoa và tinh thần y học cổ truyền nước họ. Chúng ta luôn tiếp nhận tinh hoa y học các nước nói chung, y học Trung Hoa nói riêng, nhưng, tinh thần “Nam dược trị Nam nhân” của “ông Thánh thuốc Nam” - Đại danh y Tuệ Tĩnh vẫn luôn là “hồn cốt”, là “xương sống” cho y học cổ truyền Việt Nam. Tinh thần này phải được chú trọng, phát huy một cách nghiêm túc. Có như vậy mới mong, mới không khỏi lo lắng như một vị đại biểu Quốc hội đã phải thốt lên rằng: Đừng để Việt Nam biến thành “phòng thí nghiệm” của nước ngoài!
Duy Cường