Bản tuyên ngôn bất hủ

Chủ tịch Hồ Chí Minh để lại cho chúng ta một di sản vô cùng đồ sộ với hàng loạt tác phẩm có giá trị. Trong đó, Tuyên ngôn Độc lập là một tác phẩm đỉnh cao, tiêu biểu, phản ánh đầy đủ nhất, sâu sắc nhất quan điểm triết học, quan điểm chính trị và cả quan điểm nhân sinh của Người. Càng đọc kỹ Tuyên ngôn Độc lập, chúng ta càng thấy thấm thía.

Chủ tịch Hồ Chí Minh để lại cho chúng ta một di sản vô cùng đồ sộ với hàng loạt tác phẩm có giá trị. Trong đó, Tuyên ngôn Độc lập là một tác phẩm đỉnh cao, tiêu biểu, phản ánh đầy đủ nhất, sâu sắc nhất quan điểm triết học, quan điểm chính trị và cả quan điểm nhân sinh của Người. Càng đọc kỹ Tuyên ngôn Độc lập, chúng ta càng thấy thấm thía.

Trong bản tuyên ngôn bất hủ này, Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ nói lên thắng lợi cuộc đấu tranh giành độc lập của dân tộc Việt Nam, mà Người còn đặt cách mạng Việt Nam trong một tầm nhìn xuyên lịch sử bao quát cả thế giới và nhân loại. Đó là sự đúc kết từ cách mạng dân tộc với Tuyên ngôn độc lập của Mỹ năm 1776 và cách mạng Pháp với Tuyên ngôn nhân quyền và dân quyền năm 1789. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã rút ra và khái quát hết sức sáng tạo từ những bản tuyên ngôn nổi tiếng đó, những ý nghĩa cơ bản, những tư tưởng, những nguyên lý đại diện cho cả nhân loại chứ không riêng gì dân tộc Việt Nam, từ đó định hướng cho sự phát triển của cách mạng Việt Nam. Tuyên ngôn Độc lập còn phản ảnh tính độc lập trong tư duy, độc lập trong sáng tạo hết sức thiên tài của Chủ tịch Hồ Chí Minh lúc bấy giờ, không hề chịu sự ảnh hưởng hay sự chi phối của bất cứ thế lực nào.

Với dung lượng 1.017 từ, Tuyên ngôn Độc lập đã nêu lên những giá trị của văn minh nhân loại, những “lẽ phải không ai chối cãi được” về quyền con người, quyền dân tộc; đồng thời lên án đanh thép tội ác của chế độ thực dân, chủ nghĩa phát xít ở Việt Nam, từ đó khẳng định lẽ phải và chính nghĩa của dân tộc Việt Nam về quyền được hưởng tự do và độc lập. Tuyên ngôn Độc lập là văn kiện có ý nghĩa vô cùng to lớn đối với dân tộc Việt Nam, đồng thời mang giá trị thời đại sâu sắc. Ra đời đã 70 năm, nhưng Tuyên ngôn Độc lập vẫn mang tính thời sự sâu sắc cả trên bình diện trong nước và quốc tế. Quyền dân tộc tự quyết và quyền con người, hai quyền thiêng liêng đó kết hợp với nhau, làm tiền đề cho nhau và cùng thúc đẩy nhau phát triển. Có độc lập dân tộc mới có điều kiện thực hiện quyền con người, nước mất thì dân bị nô lệ, làm gì còn có quyền con người. Trên cơ sở độc lập dân tộc, quyền con người càng được tôn trọng, quyền tự do, dân chủ, bình đẳng càng được mở rộng thì độc lập dân tộc càng được củng cố và sự phát triển bền vững của đất nước càng được bảo đảm. Những nguyên lý cơ bản đó trong Tuyên ngôn Độc lập năm 1945 đến nay vẫn nguyên giá trị, vẫn soi sáng con đường phát triển của Việt Nam trên hành trình xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Tuyên ngôn Độc lập thực sự là bản tuyên ngôn bất hủ, có sức sống trường tồn trong lịch sử.

Tuyên ngôn Độc lập được Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc vang lên giữa Quảng trường Ba Đình ngày 2-9-1945 là kết quả của một quá trình đấu tranh bền bỉ, gian khó nhưng cũng hết sức sáng tạo của cách mạng Việt Nam, đỉnh cao là cuộc Cách mạng Tháng Tám lịch sử cách đây 70 năm. Có thể nói rằng, chưa bao giờ trong lịch sử Việt Nam có một sự quật khởi của toàn dân tộc mạnh mẽ như vậy. Nó biểu hiện lòng yêu nước, ý chí quật cường và tinh thần độc lập tiêu biểu cho những giá trị vô song của toàn thể dân tộc Việt Nam. Cuộc Cách mạng Tháng Tám thành công thể hiện tài lãnh đạo của Trung ương Đảng lúc bấy giờ tập trung chủ yếu là ở Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Với vấn đề chớp thời cơ đã thể hiện tầm nhìn chiến lược trên phạm vi toàn cầu của Người. Khi Chiến tranh Thế giới lần thứ 2 bùng nổ năm 1939, Người đã nhìn thấy xu hướng vận động của cuộc chiến tranh đó. Ngay khi phát xít Đức và phát xít Nhật đang mạnh, đánh chiếm khắp nơi, thì cũng đã bộc lộ xu hướng thất bại của các thế lực phát xít này, bởi đó là cuộc chiến tranh phi nghĩa, bị các dân tộc và cả thế giới chống lại. Để rồi khi Hồng quân Liên Xô tiến hành phản công, giành thế chủ động thì Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thấy thời cơ đang mở ra, tạo cơ hội thắng lợi cho cách mạng Việt Nam và các dân tộc thuộc địa. Chính vì vậy, đầu năm 1941, Người đã trực tiếp về nước để lãnh đạo cách mạng Việt Nam. Ngay khi Chiến tranh Thế giới thứ 2 kết thúc, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhìn thấy thời cơ ngàn năm có một cho vận hội của cách mạng Việt Nam, nhưng thời cơ đó rất ngắn, chỉ vài tuần từ sau khi phát xít Nhật đầu hàng cho đến trước khi quân đồng minh vào Việt Nam. Nhận ra thời cơ và chớp được thời cơ, đó là thiên tài cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh và quan trọng hơn là cùng với nhận thức về thời cơ, Người đã vạch ra được đường lối, chiến lược và sách lược đúng đắn để tận dụng thời cơ, khẩn trương chuẩn bị cho cả dân tộc vùng lên giành thắng lợi.

Nói đến Cách mạng Tháng Tám là nói đến một sự kiện vô cùng trọng đại trong lịch sử Việt Nam và cũng là một trong những sự kiện trọng đại của toàn bộ lịch sử giải phóng dân tộc của các nước thuộc địa. Tầm vóc của Cách mạng Tháng Tám hết sức lớn lao, cho đến nay giới nghiên cứu lịch sử Việt Nam vẫn chưa làm sáng tỏ hết được, vẫn chưa có một công trình nghiên cứu khoa học đúng với tầm vóc lịch sử. Cách mạng Tháng Tám đã thể hiện tài năng kiệt xuất của Chủ tịch Hồ Chí Minh và bản Tuyên ngôn Độc lập là sự kết tinh những giá trị tư tưởng, tầm nhìn thiên tài của Người đối với tiến trình phát triển đi lên, đấu tranh giải phóng dân tộc, cũng như sự kiên định vì độc lập và tự do của đất nước.

70 năm đã qua, nhưng mỗi câu chữ trong Tuyên ngôn Độc lập của Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn còn đầy sức sống. Khát vọng độc lập, tự do của dân tộc Việt Nam vẫn luôn cháy bỏng, tuôn trào từ ngàn đời đến nay và chắc chắn sẽ còn mãi về sau.

GS Phan Huy Lê
Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Việt Nam

Tin cùng chuyên mục