Bằng con đường nhanh nhất đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn

Ngày 8-3, tại TPHCM đã diễn ra Hội nghị triển khai Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 16-1-2017 của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn; Chỉ thị 07-CT/TU ngày 16-9-2016 của Ban Thường vụ Thành ủy về phát triển ngành du lịch TPHCM đến năm 2002. Tại cuộc họp, nhiều doanh nghiệp lữ hành, nhà hàng, khách sạn…đưa ra nhiều kiến nghị, giải pháp hiến kế cho ngành du lịch TP tăng tốc bứt phá trong thời gian tới.

(SGGPO).– Ngày 8-3, tại TPHCM đã diễn ra Hội nghị triển khai Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 16-1-2017 của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn; Chỉ thị 07-CT/TU ngày 16-9-2016 của Ban Thường vụ Thành ủy về phát triển ngành du lịch TPHCM đến năm 2002. Tại cuộc họp, nhiều doanh nghiệp lữ hành, nhà hàng, khách sạn…đưa ra nhiều kiến nghị, giải pháp hiến kế cho ngành du lịch TP tăng tốc bứt phá trong thời gian tới.

Bí thư Thành ủy TPHCM Đinh La Thăng trao đổi với các đại biểu tại hội nghị sáng 8-3-2017. Ảnh: Cao Thăng

Du lịch tạo doanh thu 35 tỷ USD năm 2020

Phát biểu khai mạc, đồng chí Tất Thành Cang, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TPHCM nhấn mạnh, du lịch là ngành kinh tế dịch vụ tổng hợp, TPHCM có thể kết nối với các tỉnh, TP khu vực Đông Nam bộ, Tây Nguyên theo hướng đến một nơi mà đi được nhiều điểm.

“Cần phát triển du lịch bền vững, bảo đảm an ninh xã hội…để thu hút du khách, khiến khách cảm thấy yên tâm, thoải mái khi đến TPHCM. Du khách có thể đứng chỗ đông người cầm điện thoại chụp hình mà không sợ bị cướp giựt. Ngoài ra, chúng ta phải biết cách giới thiệu văn hóa Việt Nam ra bạn bè quốc tế. Để làm được điều này, cả hệ thống chính trị cần vào cuộc. Công an phải lo an toàn ra sao, ngành tài chính, thuế động viên chính sách ra sao, ngành văn hóa, thể thao, y tế vào cuộc thế nào? Tất cả các ngành đều phải có trách nhiệm. Khách đến địa phương nào thì 24 Bí thư quận, huyện ở địa phương đó phải có chỉ đạo cụ thể để tiếp đón. Để ngành này phát triển, lãnh đạo từng quận, huyện, sở ngành phải đổi mới tư duy. Nếu nghĩ rằng phát triển du lịch là việc của Sở Du lịch là không trúng nữa rồi”, đồng chí Tất Thành Cang nói.

Nghị quyết 08-NQ/TW chỉ ra rằng, mục tiêu đến năm 2020, ngành du lịch Việt Nam thu hút được khoảng 20 triệu lượt khách quốc tế, 82 triệu lượt khách nội địa, đóng góp trên 10% GDP, tổng thu từ du lịch đạt 35 tỷ USD, tạo ra 4 triệu việc làm cho người lao động… Trước mục tiêu trên, đồng chí Tất Thành Cang đặt câu hỏi cho các đại diện doanh nghiệp, sở, ngành về việc làm thế nào để phấn đấu đạt được những nấc doanh số như dự định.

Mỗi tuần một sự kiện du lịch

Hiến kế cho ngành du lịch TPHCM, ông Võ Anh Tài, Tổng Giám đốc Công ty Dịch vụ Lữ hành Saigontourist, đề xuất nhà nước nên có chính sách ưu đãi thuế đất cho doanh nghiệp, miễn- giảm thủ tục làm visa cho du khách quốc tế để thu hút khách nhiều hơn. DN đề xuất được chủ động cơ chế thí điểm để thu hút du khách. Ngoài ra, du lịch về đêm của TPHCM còn hạn chế, quá đơn điệu, cần tạo ra nhiều điểm đến vui chơi, hấp dẫn về đêm cho du khách. Bên cạnh đó, TP nhanh chóng khai thác các sản phẩm tour tuyến, kết nối đường bộ với đường sông; đầu tư cảnh quan dịch vụ hai bên bờ sông, hệ thống cầu tàu, có ưu đãi cho doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ đường sông, xây nhà chờ…

“Theo tôi TP nên nghiên cứu tên gọi Sài Gòn song song với công tác tiếp thị. Ngành du lịch đặt mục tiêu trong thời gian tới đón khoảng 10 triệu lượt khách du lịch, vậy việc đáp ứng về nguồn nhân lực, hạ tầng… được TP giải quyết như thế nào để có thể đáp ứng nguồn tăng trưởng mạnh này? Bản thân ngành du lịch không thể giải quyết được vấn đề nếu không có sự hỗ trợ từ các sở, ngành khác”, ông Võ Anh Tài đặt câu hỏi.

Sản phẩm du lịch đường sông tại TPHCM, du khách tham quan kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè. Ảnh: CAO THĂNG

Một số kiến nghị khác cũng được ông Phan Xuân Anh, Chủ tịch HĐQT Công ty Du ngoạn Việt, đề đạt lên lãnh đạo TP, chẳng hạn như, yêu cầu đối với các trường nghề là phải có 15 tỷ đồng đặt cọc trong ngân hàng, phải có 1ha đất trong TP. Hay như học nghề đầu bếp khi ra trường đòi hỏi phải có chứng chỉ tiếng Pháp. Cản trở phi lý này khiến ngành du lịch khổ sở.

Hay như nghề massage thì đòi hỏi phải có phòng của bác sĩ vật lý trị liệu, lấy đâu ra? Hoặc như đưa du khách quốc tế vào du lịch Cần Giờ không dễ vì đây là huyện biên giới hải đảo, muốn vào phải xin phép. Chính cơ chế đang tự trói tay mình, ông Phan Xuân Anh nói.

Ngoài ra, việc ăn uống tại cầu tàu lại không được phép. Điều này thiếu hẳn sự hội tụ, giao lưu văn hóa khiến du khách chán nản. Cảng Nhà Rồng rất đẹp thế mà lại đẩy tàu lớn ra khu vực bến đèn đỏ Phú Mỹ. Tàu lớn không được vào, trong khi đó ngoài Đà Nẵng đã phải bỏ ra hàng ngàn tỷ đồng để xây cầu tàu. TP ta có của mà không biết dùng”, ông Phan Xuân Anh phản ánh. 

Phát biểu kết thúc hội thảo, đồng chí Đinh La Thăng, Bí thư Thành ủy TPHCM khẳng định, cần đẩy mạnh triển khai đưa Nghị quyết của Đảng đi vào cuộc sống bằng con đường ngắn nhất, nhanh nhất; đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Đồng chí Đinh La Thăng trân trọng cảm ơn các doanh nghiệp đã đóng góp thông tin đầy trí tuệ, tâm huyết cho sự phát triển của ngành du lịch TP; đồng thời chỉ đạo những gì giải quyết ít tốn thời gian, tiền bạc nên triển khai, giải quyết ngay cho doanh nghiệp.

“Du lịch là ngành kinh tế có tính liên ngành liên vùng, là ngành kinh tế tổng hợp, có giá trị kinh tế cao. Tuy nhiên, để đẩy mạnh phát triển ngành kinh tế tổng hợp này thì cần phải có “tư lệnh” cho phát triển ngành du lịch. Chúng ta cần đánh giá đúng tiềm năng, thế mạnh ngành du lịch của địa phương. Sắp tới, TP có thể triển khai mỗi tuần một sự kiện du lịch để thu hút du khách. Hãy nhìn sang Singapore để TP không ngừng học hỏi, phát triển, khai thác tiềm năng du lịch một cách bền vững”, đồng chí Đinh La Thăng yêu cầu. 

THI HỒNG

Tin cùng chuyên mục