
Được phát hiện từ thập niên 1970 nhưng methane hydrate (còn gọi là “băng methane” hay “băng cháy”) chỉ tiết lộ giá trị hồi tháng 6 năm nay, khi các nhà khoa học Trung Quốc chứng tỏ đây sẽ là một nguồn năng lượng khổng lồ. Có nhiều cảnh báo rằng cuộc đua khai thác băng methane sẽ làm tăng nguy cơ nóng lên toàn cầu nhưng các nhà khoa học Đức đã tìm ra cách biến nguy cơ thành triển vọng lạc quan...
Chạy đua khai thác

Ngọn lửa cháy từ băng methane
Hồi tháng 6, các nhà khoa học Trung Quốc ở Viện Khảo sát địa chất biển Quảng Châu đã thử nghiệm hạ thấp áp suất trong ống thép chứa băng methane và châm lửa một đầu, một ngọn lửa màu đỏ hơi vàng đột ngột liếm quanh ống. Họ cũng vừa thông báo phát hiện băng methane trong một lớp trầm tích dày từ 15-20m ở ngoài khơi Trung Quốc. Phương pháp khai thác dự kiến là sử dụng các ống khoan đưa dung dịch nóng xuống các bể chứa lạnh, làm tan lớp băng bọc khí methane. Bước kế tiếp sẽ là thu khí đốt thoát lên qua lỗ khoan thứ hai.
Trung Quốc sản xuất 1/3 lượng thép, nhôm và 1/2 lượng xi măng trên thế giới, vì thế nhu cầu năng lượng cũng tăng vọt. Mức tăng lượng điện tiêu thụ hàng năm của Trung Quốc bằng tổng sản lượng điện của Pháp. Chính phủ Trung Quốc đang theo đuổi một chiến lược kép. Một mặt, họ thể hiện sự quan tâm lớn đến tình trạng thay đổi khí hậu. Mặt khác, Trung Quốc nỗ lực tìm kiếm những nguồn năng lượng mới, trong đó có băng methane.
Trong khi đó, Ấn Độ đã đầu tư 200 triệu euro khảo sát và bước đầu thông báo phát hiện ở Vịnh Krishna-Godavari một lớp băng methane dày 132m, một trong những lớp băng methane dày nhất thế giới. Ở độ sâu 600m dưới đáy biển vùng đảo Andaman, còn một lớp băng methane nằm sâu trong trầm tích của những đợt phun núi lửa thời tiền sử.
Nhật Bản, Hàn Quốc và Đài Loan (Trung Quốc) cũng tham gia cuộc chạy đua này để đáp ứng nhu cầu năng lượng.
Biến nguy cơ thành triển vọng lạc quan
Băng methane là hình thức rắn của nước chứa một lượng lớn khí methane (CH4), các phân tử nước tạo thành một “lồng” bao quanh khí này. Băng methane hình thành do khí methane di chuyển dọc theo các đứt đoạn địa chất và kết tủa hay kết tinh trong điều kiện nào đó về áp suất và nhiệt độ khi luồng khí tiếp xúc nước biển lạnh. |
Những lớp băng methane thường được phát hiện dọc thềm lục địa hay ở những vùng biển nửa kín và sâu. Các nguồn dự trữ băng methane rất lớn, ước tính lượng hydrocarbon ở hình thức băng methane còn lớn hơn tổng sản lượng các nguồn dự trữ than, khí đốt tự nhiên và dầu khí trên thế giới. Tuy nhiên, nhiều nhà hoạt động môi trường đang lên tiếng cảnh báo nguồn băng methane từ đáy đại dương sẽ làm khí hậu thế giới nóng lên nhiều hơn là than, dầu khí và khí đốt tự nhiên hiện nay.
Để biến nguy cơ thành triển vọng lạc quan, các nhà khoa học Đức tại Viện Nghiên cứu biển (GEOMAR) đưa ra một phương pháp trích methane nhờ khí CO2. Theo K. Wallmann, giám đốc dự án nghiên cứu có tên SUGAR, ở một áp suất nào đó, CO2 có thể thâm nhập lớp băng đến lúc thay thế hẳn khí methane và một lớp phân tử băng sẽ bao bọc CO2, ổn định hơn khi phủ methane. Một tỷ lệ đáng kinh ngạc là với mỗi phân tử methane bị trích xuất, có đến 5 phân tử CO2 biến mất trong “lồng” băng.
Như vậy, có thể sản xuất nhiên liệu trong khi cách ly được khí thải CO2 gây hiệu ứng nhà kính xuống sâu dưới đáy đại dương. Phương pháp này đầy lạc quan nhưng chưa hoàn thiện nên các nhà khoa học Trung Quốc và Ấn Độ tỏ ra chưa mặn mà lắm, cũng có thể vì cho rằng phương Tây muốn ngăn cản việc khai thác băng methane quá nhanh.
VÕ HÀ (theo Der Spiegel, RealClimate)