(SGGPO).- Sáng nay 29-12, tại Hà Nội, Hội Nhà báo Việt Nam phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương và Bộ TT-TT tổ chức hội thảo “Báo chí 30 năm đổi mới – Những vấn đề lý luận và thực tiễn”.
Phát biểu khai mạc hội thảo, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam Thuận Hữu khẳng định: 30 năm qua (1986 – 2016) là chặng đường lịch sử có ý nghĩa đặc biệt trong lịch sử dân tộc. Công cuộc đổi mới do Đảng khởi xướng và lãnh đạo thực hiện đã đạt được những thành tựu có ý nghĩa lịch sử, được nhân dân trong nước và dư luận quốc tế thừa nhận và đánh giá cao.
Toàn cảnh buổi hội thảo Báo chí 30 năm đổi mới – Những vấn đề lý luận và thực tiễn
Trong công cuộc đổi mới của đất nước, báo chí là lực lượng đi đầu tuyên truyền, cổ vũ chủ trương, đường lối đổi mới của Đảng và chính báo chí cũng được hưởng những thành quả của đổi mới tư duy lãnh đạo của Đảng đối với công tác báo chí. Đồng thời, báo chí cũng đã tự đổi mới hoạt động để theo kịp sự phát triển của đất nước, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của sự nghiệp cách mạng, và đã đạt được những thành tựu có ý nghĩa quan trọng.
Tuy nhiên, trước tình hình quốc tế ngày càng có những diễn biến khó lường, trước những yêu cầu mới của nhiệm vụ chính trị được Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó, báo chí cũng đang bộc lộ những bất cập, yếu kém, bên cạnh cơ hội mới, báo chí cũng đối mặt nhiều thách thức phải vượt qua.
Hội thảo “Báo chí 30 năm đổi mới – Những vấn đề lý luận và thực tiễn” được tổ chức nhằm tổng kết, đánh giá những mặt được và chưa được của báo chí truyền thông trong 30 năm đồng hành và phát triển cùng đất nước, từ đó đề xuất những giải pháp thiết thực nhằm nâng cao hơn nữa vai trò của báo chí trong xã hội hiện đại. Hội thảo tập trung trao đổi, thảo luận 3 nhóm nội dung chính.
Một là tổng quan những vấn đề lý luận và nghiệp vụ báo chí, đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về báo chí qua 30 năm đổi mới; Vai trò và đóng góp của báo chí đối với sự phát triển của đất nước; Sự phát triển của lý luận báo chí 30 năm qua và những vấn đề đặt ra hiện nay (nhất là những thách thức từ sự ảnh hưởng và cạnh tranh thông tin của báo điện tử, truyền thông xã hội đối với báo chí truyền thống); Sự vận động và phát triển của các loại hình báo chí, thể loại báo chí...
Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam Thuận Hữu trao giải Nhất cuộc thi ảnh báo chí “ASEAN – Một cộng đồng” cho nhà báo Mongkolchai Panyatrakul, Thái Lan.
Hai là những vấn đề thực tiễn trong hoạt động báo chí, cụ thể về: Công tác quản lý, chỉ đạo báo chí, tính chuyên nghiệp trong khai thác và xử lý thông tin, những sai phạm, bất cập thường gặp trong tác nghiệp, trách nhiệm và chất lượng cung cấp thông tin của các cơ quan chức năng đối với báo chí, những kinh nghiệm và bài học nghiệp vụ trong tác nghiệp báo chí, xử lý mối quan hệ báo chí và mạng xã hội; Những vấn đề đặt ra trong công tác đào tạo, bồi dưỡng báo chí hiện nay; Xu hướng phát triển của báo chí hiện đại và sự thích ứng của báo chí Việt Nam.
Ba là những vấn đề đặt ra về đạo đức nghề nghiệp của nhà báo hiện nay, việc thực hiện 10 điều trong Quy định đạo đức người làm báo Việt Nam vừa được Hội Nhà báo Việt Nam ban hành.
Tại hội thảo, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam Hồ Quang Lợi cho rằng: hiện có nhiều thông tin còn thiếu tính định hướng, nặng về mặt trái; khuynh hướng xa rời tôn chỉ, mục đích, đối tượng phục vụ vẫn chậm được khắc phục; nhiều thông tin vi phạm thuần phong mỹ tục vẫn được một số ấn phẩm phụ, chuyên trang đăng tải; nhiều chương trình liên kết của các đài truyền hình còn dễ dãi trong khâu biên tập, có nội dung, lời thoại phản cảm, gây bức xúc trong xã hội…
Phát biểu tham luận tại hội thảo, nhà báo lão thành Phan Quang, nguyên Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam đặc biệt nhấn mạnh vấn đề đổi mới và đạo đức báo chí. Theo nhà báo lão thành Phan Quang, ngay từ bản Quy ước đạo đức nghề nghiệp báo chí năm 1995 đã có nói đến sự liêm khiết của nhà báo. Nhưng ngày nay, tình trạng người làm báo ngồi nhà gõ máy “đạo báo, đạo văn” ngày càng nhiều. Luật Sở hữu trí tuệ đã ban hành nhưng việc cắt dán, bê nguyên si tác phẩm của người khác vẫn diễn ra ngày càng dễ. Không ít nhà báo nhận lương báo này nhưng làm cho báo khác là chính. “Quy định đạo đức nghề nghiệp ban hành từ lâu, tại sao chưa đi vào cuộc sống? Chưa bao giờ báo chí phát triển mạnh mẽ như 3 năm vừa qua, nhưng tại sao xu thế suy thoái đạo đức nghề nghiệp ở một bộ phận nhà báo chưa có dấu hiệu ngừng?” - nhà báo Phan Quang đặt câu hỏi. Cũng theo nhà báo Phan Quang, Quy định đạo đức nghề nghiệp báo chí cũng là sản phẩm của đổi mới. Trong đó, đáng chú ý là Điều 10: “Những người làm báo Việt Nam cam kết thực hiện những quy định trên, đó là bổn phận và nguyên tắc hành nghề, là lương tâm và trách nhiệm của người làm báo”.
* Cũng trong sáng 29-12, trong khuôn khổ hội thảo, Hội Nhà báo Việt Nam trong vai trò Chủ tịch Liên đoàn các nhà báo ASEAN (CAJ) đã tổ chức Lễ trao giải ảnh báo chí “ASEAN – Một cộng đồng” cho các tác giả thuộc CAJ, do Hội Nhà báo Việt Nam Việt Nam đăng cai tổ chức; đồng thời tổ chức triển lãm 87 tác phẩm ảnh báo chí tiêu biểu của các nhà báo ASEAN về đất nước – con người ASEAN. Giải Nhất cuộc thi ảnh báo chí “ASEAN – Một cộng đồng” thuộc về tác phẩm “Lễ hội té nước tỉnh Nong Khai” của nhà báo Mongkolchai Panyatrakul (Thái Lan); giải Nhì thuộc về tác phẩm “Lễ hội đua bò tại huyện Tịnh Biên, An Giang” của tác giả Nguyễn Hữu Định, Việt Nam. Cuộc thi còn có 3 giải Ba và 5 giải Khuyến khích.
Tin, ảnh: TRẦN BÌNH