Trong phiên thảo luận về kinh tế - xã hội tuần qua của Quốc hội, việc lệ thuộc vào kinh tế Trung Quốc khiến nhiều ĐBQH rất bức xúc. Trong cuộc trao đổi với phóng viên Báo SGGP, chuyên gia kinh tế, ĐBQH Trần Hoàng Ngân (ảnh) cho rằng, trong bối cảnh hiện nay, hội nhập kinh tế sâu rộng là cần thiết. Tuy nhiên, độ mở của nền kinh tế càng lớn thì tổn thương càng nhiều nếu không chuẩn bị tốt. Vì vậy, cần phải có những chính sách đúng để hạn chế những tổn thương đó, cũng là để có được sự tự chủ của nền kinh tế.
* Phóng viên: Ông cho rằng nền kinh tế Việt Nam đang dễ bị tổn thương?
* Chuyên gia TRẦN HOÀNG NGÂN: Theo báo cáo của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) và Ngân hàng Thế giới (WB), chúng ta thấy kinh tế thế giới còn rất nhiều khó khăn và phục hồi rất mờ nhạt. Cụ thể, năm 2013, tăng trưởng là 3,3%, năm 2014 dự báo tăng trưởng 3,7% nhưng thực tế chỉ tăng trưởng khoảng 3,3%. Bên cạnh đó đã xuất hiện nhiều yếu tố bất lợi cho sự phát triển kinh tế chung của thế giới như tình hình nổi dậy của nhóm hồi giáo tự xưng IS, điểm nóng tại Ukraine, Libya gây căng thẳng trong quan hệ Nga - EU, Nga - Mỹ và diễn biến phức tạp tại biển Đông, biển Hoa Đông cũng như sự chạy đua vũ trang của các nước trên thế giới. Vì vậy, những quốc gia nếu có độ mở kinh tế lớn sẽ rất dễ bị tổn thương trước những biến động bất lợi này.
Việt Nam chúng ta hiện nay đang là một trong những quốc gia có độ mở cao trên thế giới. Hiện nay độ mở kinh tế của chúng ta là 154% GDP, đứng thứ hai trong hơn 40 quốc gia khu vực châu Á - Thái Bình Dương, chỉ sau Singapore (khoảng 260%). Độ mở nền kinh tế của chúng ta đang tăng dần. Cách đây 5 năm độ mở của chúng ta chỉ 100%. Chính phủ vẫn đang hướng vào việc tăng độ mở của nền kinh tế.
Và tôi cho rằng nếu kinh tế thế giới vẫn diễn biến phức tạp thì chúng ta lại càng bị xáo trộn nữa. Những nước trước đây có độ mở lớn như Malaysia là 170 nay chỉ còn 130; Thái Lan cũng vậy, họ đang giảm dần độ mở. Nhật Bản, Trung Quốc cũng có độ mở nhỏ. Còn chúng ta đang mở quá lớn. Trong tình hình thế giới biến động phức tạp khó lường thì kinh tế chúng ta dễ dẫn đến xáo động. Do đó chúng ta phải giảm dần độ mở, thay vì tiếp tục thúc đẩy độ mở.
* Như vậy, trái với nhiều ý kiến khác là mở rộng hội nhập kinh tế sâu rộng thì ông lại cho rằng nên hạn chế độ mở nền kinh tế. Vậy thì theo ông, làm thế nào để hạn chế độ mở đó?
* Muốn hạn chế độ mở nền kinh tế thì chúng ta phải nâng cao năng lực sản xuất trong nước. Chú ý đến thị trường 90 triệu dân trong nước. Nâng cao năng lực kinh tế tư nhân. Điều đó sẽ giúp kinh tế chúng ta đỡ chao đảo bởi những tác động bất lợi từ nền kinh tế thế giới.
Hiện nay chúng ta hàng ngày thức dậy đi rửa mặt đánh răng, cầm bàn chải, kem đánh răng đã thấy bàn chải của nước ngoài. Thậm chí đến cái ca múc nước cũng là của nước ngoài luôn. Những thứ đáp ứng cho cuộc sống thiết yếu nhất từ ăn mặc, tiêu dùng cho 90 triệu dân... chúng ta cũng chưa tạo ra sản phẩm cạnh tranh được. Đó là điều khiến nền kinh tế chúng ta dễ chao đảo. Tôi cho rằng, đã đến lúc Chính phủ phải có gói chính sách để hỗ trợ, vực dậy các thành phần kinh tế sản xuất trong nước.
* Lại thêm một gói kích cầu nữa sao, thưa ông?
* Không phải cần đến một gói chính sách mới từ ngân sách nhà nước. Chủ yếu là do việc phân bổ nguồn lực. Ví dụ như chúng ta đang tiến hành cổ phần hóa DNNN, thoái vốn nhà nước và tạo ra được một nguồn lực đáng kể. Nguồn lực đó phải bơm vào những chỗ có khả năng tạo ra năng suất lao động cao hơn, hiệu quả tốt hơn để đóng thuế nhiều hơn. Vì các thành phần kinh tế tư nhân này nếu làm ăn tốt họ sẽ đóng thuế tốt, tăng thu ngân sách và nhà nước lại giảm được nguồn chi.
Tôi muốn lưu ý, nguồn lực này sẽ được phân bổ cho khu vực sản xuất trực tiếp chứ không phải hỗ trợ cho tiêu dùng. Vì nếu hỗ trợ cho tiêu dùng, chi cho lương, thưởng, cho đầu tư tràn lan, lãng phí… thì sẽ lại hết. Quan điểm bơm nguồn lực vào những khu vực có khả năng tạo ra năng suất lao động cao, có nguồn thu cho ngân sách cần được Chính phủ lưu ý.
* Theo ông, nếu sử dụng nguồn vốn từ cổ phần hóa DNNN để hỗ trợ cho khu vực sản xuất trực tiếp thì hàng năm chúng ta có khoảng bao nhiêu tiền để làm việc này?
* Vốn chủ sở hữu nhà nước đang nằm trong doanh nghiệp thì khoảng hơn 1 triệu tỷ đồng. Ví dụ cổ phần hóa 10% thì nhà nước thu về được 100.000 tỷ đồng. Vấn đề là chúng ta sử dụng số vốn đó để bơm vào đâu, đó mới là chiến lược. Vấn đề này hiện nay có nhiều quan điểm.
Tôi đề xuất trước mắt Chính phủ nên tạo ra một gói hỗ trợ lãi suất trung và dài hạn cho các doanh nghiệp. Vì các doanh nghiệp tư nhân rất cần nhập máy móc công nghệ cao. Nhưng họ phải được hỗ trợ lãi suất và lãi suất đó phải ổn định trong thời gian dài. Nếu không có chính sách hỗ trợ của nhà nước, để thả nổi lãi suất thì doanh nghiệp họ rất sợ, vì lạm phát có thể quay lại. Nếu có gói hỗ trợ lãi suất ổn định dài hạn thì sẽ thể hiện được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước với thành phần kinh tế tư nhân, để họ không bị lạc lối.
Tôi cho rằng, trong bối cảnh hiện nay cần vực dậy tinh thần của doanh nhân. Thời gian qua họ đang bị chìm xuống. Mỗi năm 55.000 doanh nghiệp bị dừng hoạt động, giải thể. Giờ đây chúng ta phải vực họ dậy để bảo đảm nền sản xuất hàng hóa thiết yếu, từ những cái ốc vít đến cái bàn đạp của xe đạp, tránh lệ thuộc vào hàng hóa nước ngoài. Làm được điều đó là chúng ta cũng sẽ thể hiện được sự tự chủ của nền kinh tế - là điều mà các ĐBQH hiện nay rất quan tâm. Tự chủ của chúng ta không chỉ thể hiện ở quan điểm bảo vệ chủ quyền, mà còn phải thể hiện ở sự tự chủ của nền kinh tế.
* Cảm ơn ông!
LÂM NGUYÊN