Bảo đảm tính hợp lý và sát thực tế của văn bản

Tính hợp pháp và tính hợp lý là 2 yêu cầu tối quan trọng của 1 văn bản, nhất là các văn bản chứa đựng quy phạm pháp luật. Nhưng thực tế, có không ít văn bản không phù hợp với quy định về ban hành văn bản, trái với các văn bản khác có hiệu lực cao hơn. 

Trong năm 2017, Bộ Tư pháp đã phát hiện đến 5.639 văn bản trái pháp luật. Những văn bản này, nếu không được kịp thời phát hiện và thu hồi, thay thế sẽ gây ra nhiều hệ lụy. Thực tế cũng có nhiều văn bản tuy không trái pháp luật nhưng lại không bảo đảm tính hợp lý, không sát thực tiễn và cũng có thể gây ra nhiều vấn đề phức tạp, không chỉ với đối tượng áp dụng mà còn ảnh hưởng đến nền hành chính nước nhà.

Đầu tháng 10-2018, Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN-PTNT) yêu cầu doanh nghiệp tái xuất các lô hàng lúa mì được kiểm định có nhiễm cỏ kế đồng. Về hình thức, đây là một quy định đúng, nhằm hạn chế sự xâm nhập của thực vật ngoại lai, có thể ảnh hưởng đến năng suất cây trồng, nhất là lúa, trong nước. Thế nhưng, liên quan đến văn bản này có rất nhiều vấn đề không bình thường. Chẳng hạn, trước giờ doanh nghiệp vẫn nhập lúa mì sao không đặt ra vấn đề có lẫn hạt cỏ kế đồng? Khi ban hành văn bản này, cục đã khảo sát kỹ lưỡng về nguy cơ của hạt cỏ kế đồng không, có nắm tình hình nhập hàng của các doanh nghiệp không, có lường đến thiệt hại của doanh nghiệp khi phải tái xuất không? Liệu thời hạn tái xuất gấp gáp như vậy có thực sự cần thiết và có lý do gì khác đằng sau quy định này không? Sau khi dư luận phản ứng, Chính phủ đã có chỉ đạo thu hồi văn bản này.

Mới đây, khi UBND TP Cần Thơ ra quyết định xử phạt 90 triệu đồng một người đổi 100 USD tại tiệm vàng thì mọi người mới phát hiện quy định trong Nghị định 96/2014/NĐ-CP ngày 17-10-2014 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng có điều không “ổn” khi cào bằng vi phạm. Tức là người đổi 1 USD cũng có thể bị phạt như người đổi 100.000 USD. Mức phạt và các hình thức phạt trong nghị định này có độ chênh đáng kể so với một số quy định khác, khiến nó trở nên bất hợp lý trong tổng thể các văn bản quy phạm pháp luật.

Trước đó cũng đã có nhiều quy định không thực tế chút nào. Chẳng hạn, phạt người sử dụng nón bảo hiểm không đạt chuẩn, người ngực lép không được thi giấy phép lái xe… Có thể ý tưởng và mục tiêu của người soạn thảo là tích cực nhưng không có giá trị thực tiễn. Thậm chí, một số dự thảo văn bản đang được lấy ý kiến nhân dân cũng “có vấn đề”. Chẳng hạn, dự thảo nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục do Bộ GD-ĐT trình, bị dư luận cho là quá nặng nề, không có tính nhân văn và gây áp lực lớn cho đội ngũ giáo viên. Bản thân các điều khoản lại có sự chênh với một số quy định khác. Hay mới đây, trong dự thảo thông tư ban hành quy chế công tác học sinh, sinh viên đối với các ngành đào tạo giáo viên trình độ cao đẳng, trình độ trung cấp hệ chính quy (cũng của Bộ GD-ĐT) có quy định sinh viên nếu hoạt động mại dâm đến lần thứ 4 sẽ bị buộc thôi học; nếu vi phạm lần đầu tiên trong cả khóa học sẽ bị khiển trách và lần thứ 2, thứ 3 sẽ chịu hình thức kỷ luật tương ứng: cảnh cáo, đình chỉ có thời hạn. Mọi người ngẩn ngơ, giáo sinh hoạt động mại dâm 1 lần cũng không xứng đáng trở thành giáo viên, nói gì đến 3 - 4 lần. 

Có không ít người phụ trách việc xây dựng các dự thảo văn bản chỉ ngồi phòng máy lạnh, hình dung về thực tiễn cuộc sống chứ không hiểu đầy đủ thực tiễn đang diễn ra sinh động, càng không hiểu được các ngóc ngách của lĩnh vực đó. Đã vậy, vì muốn cho sự quản lý của ngành mình được thuận lợi hơn, thậm chí có lý do lợi ích nhóm, một số văn bản được ban hành rất bất hợp lý đối với một số đối tượng. Không dừng lại ở đó, khi ra cuộc sống, những người thực thi có thể vì nhiều lý do lại bóp “méo mó” thêm nữa, thành ra quy định trở nên kỳ dị, khó thực hiện, hoặc thực hiện gây thiệt hại không nhỏ cho đối tượng bị áp dụng. Nhưng thiệt hại lớn hơn là tính uy quyền, uy tín của cơ quan ban hành nói riêng và nhà nước nói chung bị ảnh hưởng nghiêm trọng, tác động xấu đến khả năng quản lý, điều hành của các cơ quan và các vị trí lãnh đạo.

Trong việc ban hành văn bản, nhất là văn bản quy phạm pháp luật, dù luôn đòi hỏi có tính dự báo cao, nhưng trên thực tế, chỉ cần không lạc hậu và không có khoảng cách quá xa với thực tiễn đã là tốt. Muốn vậy, trước khi ban hành cần có khảo sát, nghiên cứu thấu đáo phạm vi, đối tượng mà văn bản muốn hướng đến, xem có thiết thực, cần thiết, hợp lý không, có tác động ra sao, có bất cập gì không, có thể thực hiện đầy đủ trên thực tế không. Cần lấy ý kiến rộng rãi, từ các chuyên gia, các nhà quản lý, các đối tượng dự kiến chịu tác động cho đến người dân và tiếp thu những ý kiến hợp lý để chỉnh sửa. Nếu văn bản có điểm nào không phù hợp, gây thiệt hại cho một số đối tượng nào đó, thì cần sửa đổi hoặc thu hồi ngay. Ngoài ra, cần xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân ban hành văn bản không đúng quy trình, trái pháp luật, không hợp lý, không bám sát thực tiễn, chứ không phải làm không đúng chỉ có sửa, rồi đâu lại vào đấy!

Tin cùng chuyên mục