Theo đánh giá của Bộ Tài nguyên - Môi trường, việc sử dụng quá nhiều loại hóa chất phục vụ nông nghiệp (nông dược) đang làm suy thoái nghiêm trọng môi trường vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL).
Khảo sát mới nhất của các chuyên gia môi trường cho thấy, trên mỗi ha đất nông nghiệp ở ĐBSCL, người nông dân đang chi bình quân 39,3 USD cho tiền nông dược, cao hơn miền Bắc 43,2%, chưa kể phân hóa học. Chưa kể gần 3,34 triệu dân sống ở các đô thị trong vùng đã thải ra môi trường khoảng 102 triệu m3 nước thải/năm, chất thải rắn trên 600.000 tấn/năm (đều chưa qua xử lý). Ngoài ra, còn có 68 khu công nghiệp tập trung và 75.000 cơ sở công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp hoạt động xen kẽ trong các khu dân cư.
Số liệu quan trắc môi trường nước trên sông rạch gần các đô thị vùng ĐBSCL cho thấy hàm lượng các chất BOD, SS, amoniac, coliforms... đều cao hơn tiêu chuẩn cho phép. Chất lượng nước mặt trên sông Tiền, sông Hậu và nhiều sông khác ngày càng xấu đi. Mực nước ngầm ở nhiều tỉnh trong vùng đang bị sụt giảm nghiêm trọng.
Ông Phạm Đình Đôn, Phó Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường Tây Nam bộ cho biết, rừng ngập mặn ĐBSCL năm 1995 có 239 loài cây, 260 loài cá, 36 loài thú, gần 200 loài chim… nhưng đến nay nhiều loài đứng trước nguy cơ tuyệt chủng.
PHƯƠNG ANH