“Bão” ma túy tổng hợp đổ bộ TPHCM

“Bão” ma túy tổng hợp đổ bộ TPHCM

Ma túy tổng hợp - “hàng đá”, đang tràn vào TPHCM với một khối lượng khủng, tăng chóng mặt so với những năm gần đây. Trong khi đó, số người nghiện ma túy tổng hợp vẫn là ẩn số, chưa được nhận diện đầy đủ; ước lượng người nghiện ma túy - chủ yếu là người “đập đá”, chưa được thống kê lên tới 10.000 người.

“Hàng đá” 9 tháng nhiều hơn… 1 năm

Chưa bao giờ TPHCM thu giữ lượng ma túy tổng hợp nhiều như hiện nay. Trong gần 106kg ma túy thu giữ trong hơn 1.200 vụ án ma túy từ đầu năm đến nay, có đến 92kg là ma túy tổng hợp (chiếm gần 87%). Số lượng “hàng đá” thu giữ trong 9 tháng đầu năm 2016 nhiều hơn cả năm 2015 đến 6% và gấp khoảng 3 lần so với trung bình các năm từ 2010 - 2014 (giai đoạn này, trung bình mỗi năm thu giữ hơn 30kg ma túy tổng hợp). Nếu như những năm từ 2005-2010, trung bình mỗi năm TP thu giữ 3kg “hàng đá” thì giờ đây, 3kg ma túy tổng hợp là số tang vật thu giữ chỉ trong 10 ngày.

Vì sao lượng ma túy tổng hợp thu giữ gia tăng chóng mặt? Vì sao tội phạm ma túy có chiều hướng gia tăng hoạt động? Thượng tá Võ Văn Trai, Phó trưởng phòng Cảnh sát Điều tra tội phạm về ma túy (PC47) Công an TPHCM, phân tích: Về nguồn cung, một số nước và khu vực trên thế giới có xu hướng sản xuất “đá”. Trước đây, vùng Tam giác vàng (vùng biên giới Lào - Thái Lan - Myanmar), chỉ đơn thuần là thủ phủ sản xuất heroin, nay các đầu nậu đã chuyển hướng sản xuất ma túy tổng hợp. Còn về “cầu”, nhu cầu sử dụng “đá” ngày càng tăng cao. Đối tượng “đập đá” chủ yếu là người trẻ, thiếu sự quản lý của gia đình và xã hội, đã dấn thân vào chơi ma túy tổng hợp như thú vui thời thượng và khẳng định mình (?!). Trong khi đó, các cơ sở kinh doanh dịch vụ nhạy cảm như nhà hàng, vũ trường, khách sạn, nhà nghỉ, biệt thự cho thuê… ngày càng phổ biến, lại thiếu sự kiểm tra xử lý của các cơ quan chức năng, là điều kiện để tội phạm ma túy tổng hợp lợi dụng hoạt động, phát sinh phức tạp. 

Với mẫu mã bắt mắt, mặt hàng “tem giấy” thu hút sự chú ý của giới trẻ (ảnh do PC47 CA TPHCM cung cấp)

Công an TPHCM nhận định, tội phạm mua bán ma túy tổng hợp có thủ đoạn ngày càng tinh vi, xảo quyệt. Các giao dịch thường diễn ra trong nhà trọ, khách sạn, thậm chí trên taxi nên rất khó phát hiện. Ngoài ra, các đối tượng còn sử dụng hệ thống kỹ thuật số để theo dõi, phát hiện ngược lại lực lượng đấu tranh tội phạm. Các đường dây sử dụng phương tiện liên lạc, thiết bị hiện đại, như điều khiển két sắt chứa hàng “đá” từ xa bằng điện thoại thông minh... Nhằm đối phó với công an, đối tượng còn đổi số điện thoại liên tục. Khi giao dịch số lượng lớn, các đầu mối tránh tối đa giao dịch trực tiếp, mà điều hành từ xa qua nhiều khâu khép kín (các đối tượng không biết mặt nhau). Chúng ít dùng tiền mặt mà chuyển  khoản dưới các hình thức chơi họ - hụi, hoặc giả mạo CMND...

Đặc biệt, sau mỗi lần tấn công mạnh và bóc gỡ đường dây cung cấp chính thì giá ma túy tổng hợp ở TPHCM có gia tăng, thậm chí tăng đột biến. Tuy vậy, chỉ sau 1 tháng, giá cả đã hồi phục. Điều này cho thấy, thị trường ma túy TPHCM nhộn nhịp, tội phạm ma túy phát triển rất nhanh và còn nhiều nguồn ma túy tiềm ẩn, luôn sẵn sàng lấp vào “chỗ trống” khi thị trường khan hiếm.

Ẩn số người nghiện

Lượng ma túy tổng hợp vào TPHCM tăng mạnh kéo theo tình trạng người nghiện ma túy trở nên phức tạp. Từ cuối năm 2014 đến đầu năm 2016, sau khi đưa hơn 8.000 người nghiện ma túy không có nơi cư trú ổn định vào cơ sở xã hội, tình trạng sử dụng ma túy công khai, ở nơi công cộng đã giảm hẳn. Tuy nhiên, giờ đây, việc sử dụng ma túy công khai đã tái bùng phát. Đầu tháng 9-2016, phóng viên Báo SGGP ghi nhận, trong hẻm 266 Tôn Đản (quận 4), hàng ngày từ 18 giờ trở đi, một số thanh niên thường tụ tập hút chích. Các đối tượng vừa chích, vừa thay nhau cảnh giới, đề phòng lực lượng chức năng phát hiện. Tại quận 8, không ít người nghiện ma túy vẫn ra vào hẻm 1678 Phạm Thế Hiển, khu vực ngã tư quốc tế... kiếm “hàng”, thậm chí “phê” ngay trong hẻm. Đặc biệt, có nhiều người nghiện ma túy thường chích ma túy công khai trên cầu bộ hành số 6, số 7 (đường Võ Văn Kiệt).

Không những vậy, người nghiện ma túy tổng hợp thường có “bãi đáp” là các nhà nghỉ, khách sạn, phòng trọ; rất khó xác định số lượng những người tới “đập đá”. Những người “đập đá” có niềm tin lệch lạc là ma túy tổng hợp không gây nghiện; tình trạng nghiện của họ chỉ được phát hiện sau một thời gian sử dụng, khi lên cơn “ngáo đá”. Người nghiện không thừa nhận mình đã nghiện, cơ quan chức năng không thống kê được đầy đủ số người sử dụng ma túy tổng hợp, đây chính là ẩn số, là “tảng băng chìm” trong việc xác định chính xác quy mô người nghiện ma túy trên địa bàn TPHCM hiện nay. Theo thống kê, TPHCM có hơn 22.400 người nghiện ma túy. Tuy nhiên, Công an TPHCM đánh giá, tỷ lệ sót lọt người nghiện ma túy khoảng 50% - 60%, tương đương với còn hơn 10.000 người nghiện ma túy chưa được nhận diện trong cộng đồng.

Trong bối cảnh lượng ma túy tổng hợp như cơn bão đang tràn vào TPHCM theo cấp độ tăng dần, “ẩn số” người nghiện ma túy chắc chắn không dừng lại ở con số 10.000 mà sẽ tỷ lệ thuận, ngày càng tăng về quy mô. Thế nhưng, hiện nay, việc xác định người “đập đá” có nghiện hay không cũng rất khó khăn (phải mất 3 - 5 ngày để xác định tình trạng nghiện); ngoài ra phác đồ điều trị người nghiện ma túy tổng hợp đến nay vẫn chưa có.

Đến khi nào việc chống “bão đá”, nhận diện và điều trị cho người nghiện ma túy tổng hợp mới được cơ quan chức năng ứng phó, xử lý chu đáo?

Không có việc bán ma túy “tem thư” công khai trước cổng trường

Đó là khẳng định của Phòng Cảnh sát Điều tra tội phạm về ma túy (PC47) Công an TPHCM. Theo PC47, tuyệt đối không có việc chào hàng ma túy “tem thư” công khai, phổ biến trước cổng trường học hay nơi công cộng trên địa bàn TPHCM.

Gần đây, trên thị trường xuất hiện loại ma túy mới có tên gọi là “tem giấy”, “tem thư”, “bùa lưỡi”, “kẹo dán”, “trip”; tên khoa học là Lysergic Acid Diethylamide (LSD). Đây là một trong những chất bị xếp vào danh mục các chất ma túy tuyệt đối cấm sử dụng trong y học và đời sống xã hội. Ngoài dạng viên nhộng, viên nén, chất lỏng, LSD tồn tại phổ biến nhất dưới dạng giấy thấm như chiếc tem thư. Những chiếc “tem thư” in hình vui nhộn, nhiều màu sắc, phủ ni lông và tan trong nước, kích thước 1,5cm x 1,5cm và có tẩm LSD. “Tem thư” được rao bán trên internet với giá từ 150.000 - 200.000 đồng/miếng. Giống như ma túy tổng hợp, LSD gây ảo giác cao, kích thích mạnh tới bộ não nên có thể gây bệnh tim, đau cơ kéo dài, sợ hãi, hoảng loạn, có thể bị sốc dẫn tới tử vong...

LSD manh nha xuất hiện ở Việt Nam thông qua đường xách tay từ nước ngoài. Đến nay, TPHCM chưa phát hiện vụ án ma túy nào liên quan đến LSD. PC47 khẳng định: tuyệt đối không có việc chào hàng “tem thư” công khai, phổ biến trước cổng trường học hay nơi công cộng trên địa bàn TPHCM. Tuy nhiên, cơ quan chức năng đã có thông tin về việc chất cấm này bắt đầu lén lút đưa về Việt Nam; các đối tượng sử dụng trong quán bar, khách sạn, nhà nghỉ. Công an TPHCM tiếp tục thu thập thông tin, đấu tranh làm rõ. 

Tội phạm ma túy có “hàng nóng” tăng đột biến

Sự cấu kết giữa các đối tượng hình sự và đối tượng ma túy ngày càng rõ nét. Chỉ riêng các vụ án ma túy từ đầu năm đến nay, PC47 đã thu giữ 30 khẩu súng, 680 viên đạn. “Hàng nóng” xuất hiện trong các vụ án ma túy tăng đột biến, tăng hơn 87% so với cùng kỳ 2015 (tăng 14 khẩu súng). Qua đó cho thấy, tính chất nguy hiểm của loại tội phạm này ngày càng tăng, không riêng ở các tỉnh giáp ranh biên giới mà diễn ra ngay ở TPHCM. Mới đây, PC47 khám phá chuyên án do Phan Anh Tuấn cầm đầu, khởi tố 8 đối tượng với hơn 10kg “hàng đá”, 3 khẩu súng. Còn vụ án bắt giữ 4 đối tượng trong đường dây buôn bán ma túy từ các tỉnh phía Bắc vào TPHCM có tang vật là hơn 2kg ma túy tổng hợp và 1 khẩu súng.

Đề xuất tăng mức hỗ trợ học nghề cho học viên cai nghiện

Ông Trần Ngọc Du, Chi cục trưởng Chi cục Phòng chống tệ nạn xã hội TPHCM, cho biết vừa đề xuất TPHCM tăng mức hỗ trợ học nghề cho học viên cai nghiện ma túy, từ 2 triệu đồng/học viên/khóa học 3 tháng lên 3 triệu đồng/học viên/khóa học 3 tháng.

Việc dạy nghề cho học viên cũng có bước chuyển đổi. Trước đây, từ năm 2009-2015, học viên ở các trung tâm được đưa về Trung tâm Giáo dục lao động xã hội Phước Bình, thuộc Sở LĐTB-XH TPHCM để học nghề. Đây là đầu mối tổ chức dạy nghề cho học viên trước khi hồi gia, tái hòa nhập cộng đồng. Giờ đây, khi thực hiện theo Luật Xử lý vi phạm hành chính, việc quyết định đưa người vào cơ sở cai nghiện bắt buộc là do tòa án thực hiện, thay cho UBND quận, huyện; Sở LĐTB-XH TPHCM không còn ban hành quyết định điều chuyển học viên từ các trung tâm khác về trung tâm Phước Bình để học nghề. Vì vậy, các trung tâm cai nghiện khác đang khôi phục việc dạy nghề (như thời kỳ 2003-2008 thực hiện Nghị quyết 16).

Ông Trần Ngọc Du cho biết, nhiều trang thiết bị dạy nghề đã cũ, lạc hậu nên cần đầu tư, bổ sung. Ví dụ, với nghề sửa Honda, trước đây học viên chủ yếu học sửa xe số, nên bây giờ cần có thêm trang thiết bị dạy sửa Honda tay ga. Cùng với đó, nhiều nghề cũng được chuyển đổi, nâng chất như nghề nông nghiệp. Sở LĐTB-XH TPHCM đang phối hợp với các sở, ngành chuyên môn tổ chức cho học viên có nhu cầu học nghề nông nghiệp công nghệ cao, phù hợp với nhu cầu sản xuất của một đô thị như TPHCM.

KỲ LÂM - MẠNH HÒA

Tin cùng chuyên mục