Với khí hậu thiên nhiên ưu đãi, địa hình đặc thù, Việt Nam được đánh giá là một trong những quốc gia có nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú, mức độ đa dạng sinh học cao trên thế giới, chiếm 6,5% số loài thực vật trên toàn cầu, trong đó nhiều nhóm có tính đặc hữu, có giá trị khoa học lớn.
Trong nhiều khu rừng già nguyên sinh ở miền núi phía Bắc, miền Trung, hay dãy Trường Sơn hùng vĩ hoặc Tây Nguyên đại ngàn, các nhà khoa học đã phát hiện và ghi nhận được hàng ngàn loài thực vật. Thống kê cho thấy, chỉ riêng thực vật bậc cao, cả nước đã có trên 10.386 loài, trong số này đã ghi nhận gần 4.000 loài được dùng làm thuốc. Nếu so với khoảng 20.000 loài cây làm thuốc đã biết trên thế giới thì số loài cây thuốc ở Việt Nam chiếm khoảng 19%.
Tuy nhiên, theo nhiều nhà khoa học, số lượng cây thuốc, cây dược liệu đã được phát hiện và ghi nhận công dụng chữa bệnh, bảo vệ sức khỏe chưa phải là tất cả sự phong phú của thiên nhiên và hệ thực vật Việt Nam. Thực tế, nước ta còn rất nhiều loài cây thuốc khác gắn với các bài thuốc y học gia truyền bản địa của người Việt cổ trước đây và của các dân tộc anh em ngày nay.
Những cây thuốc, bài thuốc có lịch sử hàng ngàn năm, gắn liền với sự tồn tại và phát triển của các cộng đồng dân tộc đến nay trở thành di sản vô cùng phong phú, chưa được nghiên cứu và hiểu hết. Thực tế này càng chứng tỏ sự đa dạng của nguồn cây thuốc, dược liệu nước ta và những bài thuốc y học gia truyền, còn là nguồn tri thức bản địa về y học rất có giá trị.
Nhiều năm qua, nguồn tài nguyên quý báu này bị khai thác vô tội vạ, khiến nguồn cây thuốc bị suy giảm nhanh chóng. Thậm chí, nhiều cây thuốc quý hiếm trong các khu bảo tồn thiên nhiên và đã được ghi trong Sách đỏ cũng bị khai thác và cạn kiệt tới mức báo động. Đáng buồn hơn, lâu nay việc khai thác tràn lan cây thuốc của nước ta chỉ phục vụ được một phần rất nhỏ nhu cầu dược liệu, sản xuất thuốc trong nước, số còn lại xuất lậu cho nước ngoài tinh chế thành dược liệu quý, giá trị kinh tế cao. Chỉ riêng các cửa khẩu ở một số tỉnh miền núi phía Bắc như Cao Bằng, Lạng Sơn, Lào Cai, mỗi tháng có hàng chục ngàn tấn cây thuốc xuất qua biên giới sang Trung Quốc.
Trước thực trạng trên, các cơ quan chức năng và chính quyền địa phương cần sớm có những biện pháp cứng rắn, ngăn cấm ngay việc khai thác cây thuốc hoang dã trong rừng để cung cấp nguyên liệu cho nước ngoài qua đường buôn bán tiểu ngạch. Sớm tổ chức quy hoạch, xây dựng các khu bảo tồn và vùng trồng trọt chuyên canh cây thuốc để lấy nguyên liệu. Các loài cây thuốc quý cần xây dựng chiến lược bảo tồn, phát triển để sản xuất thành dược liệu có giá trị kinh tế cao. Đặc biệt, với các bài thuốc gia truyền phải sớm được điều tra, khảo sát để gìn giữ cho mai sau, nếu không chúng ta sẽ mắc lỗi rất lớn với các thế hệ con cháu sau này.
KHÁNH NGUYỄN