Ngay sau khi Hội đồng Bảo an LHQ thông qua nghị quyết vùng cấm bay ở Libya, các nước phương Tây, dẫn đầu là Mỹ, Pháp, Anh đã tuyên bố sẵn sàng can thiệp quân sự vào Libya. Tổng thống Barack Obama khi tuyên bố về vấn đề Libya cũng tương tự các tổng thống Mỹ trước đây khi họ tuyên bố bắt đầu một cuộc chiến tranh: Vẫn là bảo vệ nhân quyền, vẫn là bảo vệ dân chủ. Và dư luận cũng không nghi ngờ rằng kết quả của hành động can thiệp quân sự với lý do “bảo vệ nhân quyền” là hàng trăm ngàn dân thường thiệt mạng, là một quốc gia bất ổn triền miên.
Dư luận thế giới nghi ngờ về cái gọi là bảo vệ nhân quyền của Mỹ, Anh và Pháp và các nước đồng minh trong cuộc chiến này. Bởi ngay trong khu vực các nước Ảrập, hàng trăm ngàn người Yemen và Bahrain cũng đang rầm rộ xuống đường đòi cải cách dân chủ và chính quyền hai nước này cũng đã thẳng tay ngăn chặn những người biểu tình.
Tính đến ngày 19-3, đã có 70 người Yemen và 11 Bahrain thiệt mạng và hàng trăm người khác bị thương trong các vụ đụng độ giữa lực lượng biểu tình và quân chính phủ. Nhưng các quan chức Mỹ, Anh hay Pháp không lên án các chính quyền này, thậm chí chính quyền Mỹ còn chỉ trích người biểu tình ở hai nước trên. Trong khi đó phương Tây hỗ trợ tối đa cho lực lượng đối lập ở Libya.
Vậy các nước phương Tây đang bảo vệ ai và bảo vệ điều gì?
Nếu nói như ông Obama khi nhận giải thưởng Nobel hòa bình năm 2009 rằng nước Mỹ tiến hành chiến tranh để bảo vệ hòa bình khi ông biện minh cho cuộc chiến Afghanistan thì có vẻ khó thuyết phục công chúng trong thời đại ngày nay khi xu hướng hòa bình, ổn định, hợp tác cùng phát triển là xu hướng chủ đạo trong các mối quan hệ quốc tế. Vả lại theo những nguyên tắc chung của luật pháp quốc tế, vấn đề nội bộ của một quốc gia chỉ giải quyết bởi chính người dân nước đó, và chỉ có LHQ mới được quyền đưa quân can thiệp.
Nếu nói phương Tây đang bảo vệ nhân quyền cũng khó tin bởi tại sao họ không bảo vệ những người biểu tình ở Bahrain, Yemen. Giở lại lịch sử quan hệ giữa Mỹ, Anh và Libya mới thấy đó là mối quan hệ nhiều ân oán. Nhà lãnh đạo Libya Gaddafi là cái gai trong mắt phương Tây hàng chục năm qua. Dù Mỹ và Anh đã dỡ bỏ cấm vận Libya năm 2003 sau khi ông Gaddafi cam kết từ bỏ các loại vũ khí nguy hiểm và bồi thường cho các nạn nhân trong vụ đánh bom máy bay của hãng hàng không Mỹ Pan Am trên bầu trời Lockerbie, Scotland tháng 12-1988, nhưng họ chưa bao giờ có thiện cảm với nhà lãnh đạo Libya.
Libya có bờ biển dài 1.770km dọc theo Địa Trung Hải (dài nhất trong số các nước có bờ biển tiếp giáp Địa Trung Hải), tuyến giao thông huyết mạch của các nước Tây Á và Nam Âu ra Đại Tây Dương. Đặc biệt là tuyến đường biển chiến lược để các nước phương Tây đưa dầu từ vùng biển Caspian và vịnh Persian ra đại dương và từ đó đi khắp thế giới.
Không chỉ vậy, Libya - quốc gia có tổng thu nhập quốc dân thuộc hàng cao nhất châu Phi với mức bình quân đầu người 13.800USD/năm, là một trong những quốc gia có tiếng nói khá quan trọng ở châu lục đen, nơi Mỹ và châu Âu đang chạy đua với Trung Quốc mở rộng đầu tư. Hơn thế nữa, Libya còn có dự trữ dầu mỏ thuộc hàng lớn nhất thế giới.
Bất kỳ một quốc gia nào có vị trí địa chính trị quan trọng như thế mà không thân phương Tây và từng đối đầu với họ chắc chắn là mối lo lớn cho phương Tây.
Chính vì những lẽ đó, cùng với sự thật về cuộc chiến Iraq, có thể dễ dàng tìm thấy câu trả lời cho câu hỏi “các nước phương Tây đang bảo vệ điều gì ở Libya?”.
Việt Trung